Trách nhiệm tham gia BHXH của người sử dụng lao động

08:37 | 07/03/2024
(LĐTĐ) Chị Nguyễn Quỳnh Lan (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) hỏi: Tôi được biết, khi tôi ký kết hợp đồng lao động, chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động. Điều này có đúng không? Trách nhiệm cụ thể của người sử dụng lao động là gì?
Tham gia BHXH bắt buộc càng phải ưu đãi Người tham gia BHXH tự nguyện: Được quyền bình đẳng về chế độ thai sản

Nội dung chị hỏi, BHXH thành phố Hà Nội cho biết: Trách nhiệm của người sử dụng lao động được quy định rõ tại Điều 21 Luật BHXH 2014. Cụ thể:

1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ BHXH, đóng, hưởng BHXH.

2. Đóng BHXH theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào Quỹ BHXH.

3. Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a Khoản 1, Khoản 2 Điều 45 và Điều 55 của Luật này đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.

4. Phối hợp với cơ quan BHXH trả trợ cấp BHXH cho người lao động.

5. Phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

6. Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan BHXH.

7. Định kỳ 6 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng BHXH của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức Công đoàn yêu cầu.

8. Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng BHXH của người lao động do cơ quan BHXH cung cấp theo quy định tại Khoản 7 Điều 23 của Luật này.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này