Đề xuất bỏ 7 hàng hóa, dịch vụ khỏi danh mục không chịu thuế giá trị gia tăng

12:25 | 17/01/2024
(LĐTĐ) Bộ Tài chính cho biết đã hoàn thiện tờ trình Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) trình Chính phủ. Theo đó, tại Dự thảo, Bộ đã đề xuất bỏ 7 hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Giảm 2% thuế giá trị gia tăng 6 tháng đầu năm 2024Tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờnÁp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu

Trong đó, Dự thảo vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Cụ thể: Phân bón; Máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; Tàu đánh bắt xa bờ; Lưu ký chứng khoán; Dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; Dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; Dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng là 7 hàng hóa, dịch vụ được đề xuất bỏ khỏi danh sách không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Đáng lưu ý, tại dự thảo Luật sửa đổi quy định về thuế đối với mặt hàng phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển và các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Đối với mặt hàng phân bón, Luật Thuế GTGT hiện hành quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Trong quá trình thực hiện quy định nêu trên, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã kiến nghị sửa đổi quy định này do doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Bên cạnh đó, với việc khó khăn về nguồn vốn nên doanh nghiệp không chủ động trong đầu tư, mở rộng sản xuất.

Đề xuất bỏ 7 hàng hóa, dịch vụ khỏi danh mục không chịu thuế giá trị gia tăng
Mặt hàng phân bón phục vụ nông nghiệp được đề xuất chuyển sang đối tượng chịu thuế suất 5%. (Ảnh minh họa)

Cùng với kiến nghị của doanh nghiệp sản xuất phân bón, Bộ Tài chính cũng nhận được kiến nghị của Bộ Công Thương, Hiệp hội Phân bón cũng phản ánh khó khăn của doanh nghiệp sản xuất phân bón và đề nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5%.

Nhiều đoàn Đại biểu Quốc hội cũng có kiến nghị gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón theo hướng chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5%.

Các ý kiến này cho rằng, mặt hàng phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên chính sách thuế GTGT (hoặc thuế hàng hóa dịch vụ, thuế bán hàng) của nhiều nước được thiết kế theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác.

Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển ngành phân bón, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng.

Tuy nhiên, cách thức thiết kế của các nước cũng rất khác nhau. Một số nước không thu thuế GTGT/thuế bán hàng đối với mặt hàng phân bón như Thái Lan, Lào, Myanmar, Philippines, Pakistan, Mỹ… Một số nước có thu thuế GTGT/thuế bán hàng đối với mặt hàng phân bón nhưng với mức thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông, ví dụ như Trung Quốc, Romania, Croatia, Ấn Độ,…

Tiếp thu ý kiến cả các tổ chức, cá nhân và các bộ, ngành, đồng thời để vừa thúc đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu vừa thực hiện mục tiêu thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với phân bón tại điểm b khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật.

Bộ Tài chính cho biết, thống kê số thu về thuế GTGT trong những năm qua luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu ngân sách nhà nước cũng như chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu về thuế. Cụ thể, năm 2014 khoảng 26,9%, năm 2019 khoảng 23,3%, năm 2020 khoảng 22,7%, năm 2021 khoảng 23,6% (năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19), năm 2022 khoảng 24,5%.

Như vậy, qua 15 năm thực hiện, Luật Thuế GTGT đã đạt được các kết quả quan trọng. Trong đó, đáng lưu ý, từ năm 2013 đến năm 2022, mặc dù nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới nhưng số thu về thuế GTGT vẫn được bảo đảm, tăng trưởng đều qua các năm và ổn định về tỷ trọng thu thuế GTGT trong tổng số thu ngân sách nhà nước.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này