Ổn định phương thức, tạo thuận lợi cho thí sinh

11:13 | 04/01/2024
(LĐTĐ) Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, áp dụng cho kỳ thi năm 2024. Ghi nhận ban đầu, các nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản nhận được sự đồng thuận bởi không chỉ tạo thêm thuận lợi cho thí sinh mà còn giúp công tác tổ chức dạy học, thi cử ổn định.
Hà Nội xếp thứ 17 về tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025

Tạo sự thống nhất

Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020, được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021 và Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT ngày 24/3/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản vẫn giữ ổn định về phương thức.

Ổn định phương thức, tạo thuận lợi cho thí sinh
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: P.T

Theo đó, kỳ thi được tổ chức với 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn); 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học) và 1 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT).

Cùng đó, Bộ GD&ĐT cũng đưa vào dự thảo Thông tư yêu cầu: Đối với bài thi tổ hợp, thí sinh chỉ được đăng ký một bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần trong cùng một bài thi tổ hợp (đối với thí sinh tự do). Đây là điều thí sinh cần lưu ý bởi nếu đăng ký bài tổ hợp này lại làm bài tổ hợp kia hoặc đăng ký cả hai bài tổ hợp là sai quy chế, có nguy cơ ảnh hưởng đến kết quả bài thi.

Ngoài ra, liên quan đến môn Ngoại ngữ, thí sinh được đăng ký dự thi môn Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông. Thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên được đăng ký dự thi bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Đánh giá chung, dự thảo lần này đã điều chỉnh, làm rõ thêm một số nội dung trước đây chưa đề cập kỹ trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT, tạo sự thống nhất trong thực hiện. Về cơ bản, kỳ thi vẫn giữ ổn định về phương thức tổ chức với các bài thi, môn thi như năm 2023 nên sẽ tạo thuận lợi để học sinh yên tâm ôn luyện.

Một số điểm mới cần lưu ý

Bên cạnh những quy định được cho là thuận lợi hơn, dự thảo Thông tư cũng nêu rõ hơn trách nhiệm của thí sinh. Chẳng hạn, dự thảo Thông tư đã nêu rõ những vật dụng thí sinh được phép và không được phép mang vào phòng thi. Cụ thể: Để phục vụ quá trình làm bài thi, thí sinh được mang vào phòng thi, gồm: Bút viết; thước kẻ; bút chì; tẩy chì; êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác). Cấm mang vào phòng thi: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.

Hay trong thời gian ở phòng thi, thí sinh phải giữ trật tự; báo cáo ngay với cán bộ coi thi khi người khác chép bài của mình hoặc cố ý can thiệp vào bài của mình; không được trao đổi, bàn bạc, chép bài của người khác, sử dụng tài liệu trái quy định để làm bài thi hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận; khi muốn có ý kiến phải giơ tay xin phép và chỉ được phát biểu ý kiến khi cán bộ coi thi trong phòng thi cho phép. Không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì, trừ tô các ô trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; chỉ được viết bằng một màu mực (không được dùng mực màu đỏ).

Thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm; đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 (hai phần ba) thời gian làm bài của buổi thi, phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi. Trong trường hợp cần thiết, chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của giám thị và phải chịu sự giám sát của giám thị ngoài phòng thi.

Ngoài ra, một trong những nội dung trong dự thảo Thông tư cũng đang khiến dư luận có ý kiến là quy định về miễn thi môn Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Theo dự thảo Thông tư, thí sinh có 17 loại chứng chỉ Ngoại ngữ thuộc 6 thứ tiếng (Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật) có thể được miễn thi và được công nhận đạt điểm 10. Với quy định này, dự báo sẽ có thêm nhiều thí sinh được miễn thi Ngoại ngữ. Tuy nhiên, quy định thí sinh đạt mức IELTS 4.0 điểm, TOEFL ITP 450 điểm hoặc TOEFL iBT 45 điểm được quy đổi thành điểm 10 bài thi Ngoại ngữ cần xem xét lại.

Chị Đặng Thu Huyền (phụ huynh học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) bày tỏ: “Đây là kỳ thi rất quan trọng với học sinh nhằm đánh giá kết quả học tập sau 12 năm học. Ngoài ra, nhiều học sinh còn sử dụng kết quả của kỳ thi để đăng ký xét tuyển đại học, vì vậy việc cung cấp thông tin về định hướng kỳ thi rất cần thiết. Tôi mong cơ quan chức năng sớm công bố Quy chế thi chính thức cũng như những hướng dẫn liên quan để học sinh, phụ huynh yên tâm và chủ động phương án tốt nhất”.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này