Từ 1/7/2024: Áp dụng tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất, bãi bỏ cơ chế đặc thù

21:46 | 10/12/2023
Từ ngày 1/7/2024, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.
Chính phủ sẽ trình cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ 1/7/2024 Quốc hội thông qua dự toán ngân sách Nhà nước, cải cách tiền lương từ 1/7/2024
Từ 1/7/2024: Áp dụng tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất, bãi bỏ cơ chế đặc thù
Thí sinh dự thi vòng 1 kỳ tuyển dụng công chức, viên chức khối cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố Hà Nội năm 2023. Ảnh: P.Ngân

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024. Nghị quyết thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 với số thu ngân sách Nhà nước là 1.700.988 tỷ đồng. Thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.

Nghị quyết cũng xác định, tổng số chi ngân sách Nhà nước là 2.119.428 tỷ đồng; bội chi ngân sách Nhà nước là 399.400 tỷ đồng. Quốc hội cho phép sử dụng 145,9 tỷ đồng nguồn thu hồi kinh phí đã tạm cấp trong năm 2022 cho một số địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư, chuyển nguồn để bổ sung cho các địa phương còn thiếu nguồn thực hiện chính sách và quyết toán niên độ ngân sách năm 2023.

Cho phép chuyển nguồn toàn bộ 13.796 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công hằng năm trong các năm 2023, 2024, 2025 cho Bộ Giao thông vận tải và 8 địa phương để triển khai thực hiện 3 dự án quan trọng quốc gia.

Về thực hiện chính sách tiền lương, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Đáng chú ý, căn cứ điểm d Khoản 3.1, mục II Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018 về nội dung cải cách đối với các khoản phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Trong đó, cơ cấu tiền lương cơ bản chiếm 70% tổng quỹ lương, các khoản phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương.

Cụ thể, khoản phụ cấp bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề). Việc cắt bỏ một số phụ cấp khi cải cách tiền lương sẽ không có tác động làm giảm lương. Đây là một trong những nội dung để thực hiện điều chỉnh quỹ phụ cấp cho phù hợp theo cơ cấu lương mới.

Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước ở Trung ương đang thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù, từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024: Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù, bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024).

Dựa trên nguyên tắc trên, trong trường hợp tiền lương và thu nhập tăng thêm của một cá nhân vào năm 2024 theo chế độ đặc thù lại thấp hơn so với mức tiền lương quy định chung, thì người lao động sẽ được áp dụng mức tiền lương theo quy định chung. Điều này đảm bảo rằng quyền lợi của người lao động sẽ không bị giảm sút do việc chuyển đổi sang cơ chế tiền lương mới; người lao động sẽ nhận được ít nhất là mức lương theo quy định chung, đảm bảo thu nhập ổn định và công bằng.

Nghị quyết cũng nêu rõ, từ ngày 1/7/2024, Quốc hội yêu cầu bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.

Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định.

Đồng thời, giao Chính phủ siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách Nhà nước theo dự toán, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chính phủ yêu cầu việc thực hiện tiết kiệm và chống lãng phí trong tất cả các ngành, cấp bộ phận của hệ thống hành chính. Điều này bao gồm việc tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra đối với việc tuân thủ các quy định liên quan đến tiết kiệm và chống lãng phí. Chính phủ cũng nhấn mạnh vào việc xử lý nghiêm túc trách nhiệm của cá nhân và tổ chức khi có sai phạm, đồng thời đảm bảo rằng ngân sách Nhà nước được sử dụng một cách hiệu quả và có mục tiêu. Qua đó, nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, tạo điều kiện cho việc quản lý ngân sách được cải thiện, hướng tới sự phát triển bền vững và ổn định kinh tế.

Nếu các cơ quan hành chính Nhà nước không còn áp dụng cơ chế tài chính đặc thù cho phần kinh phí thường xuyên, điều này có nghĩa sẽ chuyển sang tuân theo quy định chung về quản lý ngân sách và tài chính. Điều này nhằm mục tiêu tăng cường tính minh bạch, hiệu suất trong việc sử dụng tài chính công và đảm bảo việc giám sát và phân phối nguồn lực được thực hiện một cách công bằng và đồng đều hơn trong toàn bộ hệ thống hành chính Nhà nước. Đây là một phần của nỗ lực cải thiện và tái cấu trúc chính sách quản lý tài chính công để đạt được hiệu quả cao hơn trong quản lý ngân sách quốc gia.

Kim Quyên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này