Nâng cao chất lượng công tác nữ công, bảo vệ quyền lợi của lao động nữ

16:57 | 30/11/2023
(LĐTĐ) Chiều 30/11, trong khuôn khổ Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, tại Tổng Công ty May 10, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức diễn đàn chuyên đề số 7 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ và công tác xây dựng gia đình công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Hà Nội: Tưng bừng chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam Phát huy trách nhiệm, đóng góp trí tuệ cho thành công của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam Đổi mới, sáng tạo các phong trào thi đua để nâng tầm Tổ chức

Bà Đỗ Hồng Vân - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì diễn đàn. Tới dự diễn đàn có bà Bùi Thị Hồng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tổ chức Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam; ông Lê Khánh Lương - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Cao Hữu Hiếu - Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Cùng dự diễn đàn có đại diện lãnh đạo Tổng Công ty May 10, đại diện lãnh đạo Công đoàn Dệt May Việt Nam, chuyên viên Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam và 10 đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả chăm lo, bảo vệ cho lao động nữ
Diễn đàn chuyên đề số 7 là 1 trong số 10 diễn đàn được Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam

Diễn đàn chuyên đề số 7 là 1 trong 10 diễn đàn được Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhằm phát huy sự tập trung, trí tuệ của các đại biểu dự Đại hội, đóng góp các ý kiến sâu sắc, có trọng tâm, trọng điểm về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Diễn đàn chuyên đề số 7 nhằm điểm lại những kết quả nổi bật của hoạt động nữ công công đoàn đã triển khai trong thời gian qua; đồng thời tìm ra những giải pháp khả thi để hoạt động nữ công Công đoàn có những bước phát triển phù hợp với tình hình trong nhiệm kỳ mới, giúp lao động nữ ngày càng ổn định đời sống, việc làm, có thời gian chăm lo cho gia đình, con cái, góp phần vào sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và sự phát triển của địa phương, ngành cũng như của quốc gia.

Phát biểu chào mừng tại diễn đàn, ông Cao Hữu Hiếu - Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May bày tỏ: “Dệt May là ngành đông lao động nữ, chiếm gần 70% tổng số lao động. Vì vậy chúng tôi vô cùng tâm đắc và ủng hộ việc 1 trong 10 diễn đàn do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức trước thềm Đại hội XIII với chủ đề về nữ, được chọn diễn ra tại một đơn vị Dệt May - Tổng Công ty May 10 - một trong những doanh nghiệp hàng đầu và giàu truyền thống của ngành Dệt May Việt Nam”.

Nâng cao hiệu quả chăm lo, bảo vệ cho lao động nữ
Tại diễn dàn, các đại biểu đã thảo luận, nêu lên những giải pháp, đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng để góp phần chăm lo, bảo vệ tốt hơn cho lao động nữ.

Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam đánh giá: “Nâng cao chất lượng công tác nữ công, bảo vệ quyền lợi của lao động nữ và trẻ em; xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc” là chủ đề ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay khi hơn 50% lực lượng lao động cả nước là nữ giới, vai trò của chị em được thể hiện trên mọi mặt của đời sống xã hội, đóng góp quan trọng vào sự lớn mạnh, phát triển của doanh nghiệp, ngành nghề và đất nước. Thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ cũng là một trong những nội dung ưu tiên không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Đây là nhiệm vụ các bộ ban ngành, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp đều phải tập trung quan tâm nhằm đảm bảo cho sự phát huy nhân tố con người, sự phát triển hài hòa giữa gia đình và xã hội.

“Chúng tôi hy vọng rằng diễn đàn sẽ trở thành một cơ hội quý để những đại biểu ưu tú nhất đại diện cho 10 LĐLĐ địa phương và Công đoàn ngành Trung ương có thể chia sẻ, tham vấn những thông tin hữu ích về nội dung này; để qua đây, chúng ta có thêm kinh nghiệm, hiểu biết, cũng như lan tỏa những phương pháp hay, cách làm tốt trong tổ chức, triển khai các hoạt động liên quan đến lao động nữ. Có như vậy, lao động nữ mới an tâm công tác, thêm yêu nghề mến nghiệp, gắn bó với tổ chức, đóng góp tốt nhất cho từng cơ quan, doanh nghiệp và xã hội” - ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.

Phát biểu đề dẫn và định hướng thảo luận tại diễn đàn, bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, trong những năm qua, các cấp Công đoàn đã thể hiện vai trò đại diện của mình trong việc chủ động tham gia có hiệu quả với cơ quan nhà nước xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chú trọng lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình xây dựng chính sách, bảo đảm thực chất hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ trong các lĩnh vực: Lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới, an toàn vệ sinh lao động…

Nâng cao hiệu quả chăm lo, bảo vệ cho lao động nữ
Đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc

Bên cạnh việc tích cực tổ chức các hoạt động nhằm thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, các cấp Công đoàn trong cả nước đã chủ động tham gia với người sử dụng lao động áp dụng đúng các chế độ, chính sách đối với người lao động, tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng đời sống cho lao động nữ. Các cấp Công đoàn đã thường xuyên tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với lao động; tham gia thương lượng, xây dựng Thỏa ước lao động tập thể có nhiều chính sách có lợi hơn đối với lao động nữ so với các quy định của pháp luật, quan tâm đến các chính sách thai sản, chăm sóc sức khỏe sinh sản, hỗ trợ người lao động chăm sóc, nuôi dạy con cái, triển khai có hiệu quả các mô hình “Sức khỏe của bạn”, “Phòng vắt trữ sữa mẹ tại nơi làm việc”, “ Lễ cưới tập thể”, “Trại hè cho con công nhân lao động”…

Các cấp Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng một số chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp tới lao động nữ, bình đẳng giới như: Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Bảo hiểm xã hội và các nghị định của Chính phủ, hướng dẫn thi hành và đặc biệt là Nghị định 105/NĐ-CP ngày 8/9/2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non (trong đó có chính sách dành cho con công nhân lao động tại các khu công nghiệp); chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, giai đoạn 2021 - 2030, chính sách dân số và phát triển.

Đối với công tác xây dựng gia đình, các cấp Công đoàn đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình; các rủi ro đối với gia đình; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong xây dựng gia đình văn hóa...

Nâng cao hiệu quả chăm lo, bảo vệ cho lao động nữ
Ý kiến của các đại biểu rất tâm huyết, trí tuệ

Thực hiện chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, các Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam thường xuyên có nhiều hoạt động thiết thực về công tác gia đình, nhất là vào các dịp Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng đơn vị, thu hút đông đảo đoàn viên công đoàn tham gia, góp phần không nhỏ lan tỏa những nét đẹp của gia đình Việt, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình nói chung, gia đình CNVCLĐ nói riêng trong giai đoạn hiện nay.

Theo bà Đỗ Hồng Vân, những kết quả đạt được như trên là sự tham mưu tích cực của Ban Nữ công công đoàn các cấp trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của lao động nữ cũng như trong công tác dân số, gia đình, trẻ em.

“Tại diễn đàn hôm nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng mong muốn các đại biểu làm rõ hơn, sâu sắc hơn vai trò của Ban Nữ công Công đoàn trong công tác tham mưu cho Ban Chấp hành Công đoàn về công tác nữ công được quy định trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam” - Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề như: Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Ban Nữ công quần chúng và những vấn đề đặt ra đối với công tác nữ công tình hình mới; giải pháp nâng cao vai trò của Ban Nữ công trong đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, bảo đảm việc làm bền vững cho lao động nữ; kinh nghiệm trong đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng hỗ trợ nữ đoàn viên, người lao động về tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản và thúc đẩy mô hình “sức khỏe của bạn”; vai trò của Ban Nữ công trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; vai trò của Ban Nữ công trong đổi mới nội dung, hoạt động và giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước; những hoạt động thiết thực trong công tác chăm lo cho con công nhân lao động, tạo sự gắn kết giữa người lao động với doanh nghiệp và Công đoàn cơ sở. Bên cạnh đó, đại biểu còn trao đổi, thảo luận nội dung về bảo vệ việc làm cho lao động nữ và triển khai lồng ghép hoạt động của Hội Phụ nữ trong hoạt động nữ công Công đoàn.

Có thể nói, thông qua ý kiến tâm huyết của các đại biểu, diễn đàn chuyên đề số 7 đã thành công tốt đẹp, thật sự là kênh thông tin hữu ích để hệ thống Công đoàn các cấp có thể giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ cùng nhau những cách làm hay, những nội dung mới về hoạt động nữ công. Các ý kiến tại diễn đàn đóng góp thiết thực đối với Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam trong việc xác định mục tiêu, phương hướng hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ mới, cũng chính là đóng góp thiết thực cho thành công của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này