Virus gây bệnh đau mắt đỏ tại TP.HCM từng gây dịch ở nhiều nơi trên thế giới

21:01 | 16/09/2023
(LĐTĐ) Tác nhân chính gây ra viêm kết mạc mắt trong đợt bùng phát đau mắt đỏ hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) chủ yếu là do Coxsackievirus A24, đây cũng là loại virus gây ra các trận dịch viêm kết mạc xuất huyết tại nhiều nơi trên thế giới.
Chủ động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm TP.HCM gấp rút tìm tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em Xác định được tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ tại TP.HCM

Ngày 16/9, Sở Y tế TP.HCM cho biết, kết quả giải trình tự gen các mẫu bệnh phẩm có tải lượng virus phù hợp đã xác định Coxsackievirus A24 (86%), human Adenovirus 54 (11%) và human Adenovirus 37 (3%) là những tác nhân gây ra đợt bùng phát đau mắt đỏ tại TP.HCM thời gian gần đây.

Cụ thể, tất cả 6 mẫu dương tính enterovirus đều cho kết quả là Coxsackievirus A24; trong số 5 mẫu dương tính với adenovirus phát hiện 4 mẫu là human Adenovirus 54 (hAdV-54) và 1 mẫu là human Adenovirus 37 (hAdV-37).

Virus gây bệnh đau mắt đỏ tại TP.HCM từng gây dịch ở nhiều nơi trên thế giới
Số ca đau mắt đỏ liên tục tăng tại TP.HCM kể từ đầu năm. Ảnh minh họa

Tác nhân chính gây ra viêm kết mạc mắt trong đợt bùng phát đau mắt đỏ hiện nay tại TP.HCM chủ yếu là do Coxsackievirus A24 gây ra, ngoài ra còn do human Adenovirus 54 và 37 gây ra và viêm kết mạc xuất huyết (acute haemorrhagic conjunctivitis - AHC) là biểu hiện chủ yếu trong đợt bùng phát mắt đỏ hiện nay tại TP.HCM.

Theo số liệu từ các nghiên cứu trước đây, các adenovirus (bao gồm hAdV-1, hAdV-2, hAdV-3, hAdV-4, hAdV-7, hAdV-8, hAdV- hAdV-19, hAdV-22, hAdV-37 và hAdV-54) cũng như Coxsackievirus A24 và Entero 70 (thuộc nhóm enterovirus) là các biến thể được phát hiện ở các trường hợp gây bùng phát bệnh đau mắt đỏ trên thế giới.

Riêng năm 2020, Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội đã báo cáo tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ tại Hà Nội trong giai đoạn 2017 - 2019 thuộc nhóm adenovirus (hAdV-3, hAdV-4, hAdV-8 và hAdV-37) (J Med Virol, 2020).

Trước đó, Coxsackie A24 và EV70 đã gây các trận dịch viêm kết mạc xuất huyết tại nhiều nơi trên thế giới. Trận dịch đầu tiên được báo cáo vào năm 1969 tại Ghana. Từ đó ghi nhận dịch viêm kết mạc xuất huyết đã xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới.

Tại châu Á, Coxsackie A24 ghi nhận lần đầu tại Singapore vào năm 1970, sau đó xuất hiện thành các trận dịch tại các nước khác. Trong trận dịch viêm kết mạc xuất huyết tại Okinawa, Nhật Bản năm 2011 biến thể Coxsackievirus A24 là tác nhân chính, trong đó có 25,4% trường hợp có xuất huyết dưới kết mạc, 10,3% có viêm giác mạc chấm nông và 7,8% có nổi hạch sau tai.

Những điều cần biết về đau mắt đỏ

Theo HCDC, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt còn lại. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Viêm kết mạc do vi rút Adenovirus là một nguyên nhân phổ biến gây ra đau mắt đỏ, và thường xuất hiện các triệu chứng như: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí mắt khó mở, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm,…

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Trong trường hợp này, người bị bệnh nên tạm nghỉ ở nhà (nghỉ làm/nghỉ học từ 5-7 ngày), hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan cho người khác. Khi phát hiện có dấu hiệu đau mắt đỏ thì cần đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, hướng dẫn và chăm sóc phù hợp (lưu ý: chỉ định nghỉ làm/nghỉ học là do bác sĩ quyết định).

Bệnh đau mắt đỏ có thể lây truyền qua nhiều cách, bao gồm tiếp xúc trực tiếp với người bệnh như nói chuyện, ôm hôn, hoặc bắt tay,…. Ngoài ra, bệnh có thể lan truyền thông qua các vật dụng nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt, gối, tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại, đồ chơi,... Sử dụng nguồn nước nhiễm mầm bệnh như ao, hồ, hoặc bể bơi cũng có thể là nguồn lây truyền bệnh. Hơn nữa, thói quen sờ mắt, đặt tay vào mũi hoặc miệng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này