Chủ động trang bị kỹ năng sinh tồn khi xảy ra hỏa hoạn

19:27 | 16/09/2023
(LĐTĐ) Những ngày qua, vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại chung cư mini ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) khiến nhiều người đau xót. Đây cũng là hồi chuông báo động để mỗi người dân cần chủ động nắm rõ những kỹ năng, biện pháp phòng tránh cho bản thân, gia đình khi xảy ra tình huống cháy, nổ.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thăm hỏi các nạn nhân vụ hỏa hoạn ở Thanh Xuân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi thư thăm hỏi Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô về vụ cháy tại quận Thanh Xuân Tấm chân tình của người dân trong vụ hỏa hoạn xót xa

Chuẩn bị phương tiện thoát hiểm

Xuất phát từ tâm lý lo sợ, nhất là sau vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ vừa qua, chị Hoàng Thị Thủy (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã tìm đến các cửa hàng để mua các thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhằm hạn chế tối đa hậu quả nếu không may xảy ra hỏa hoạn trong gia đình.

Thuê một căn hộ chung cư mini từ 3 năm nay, nhưng mấy hôm nay, chị Thủy mới nhận ra không hề để ý đến các phương án thoát hiểm, an toàn. Chị Thủy cho biết, nơi chị thuê là một khu nhà xây năm 2017. Giá thuê hơn 6 triệu đồng/tháng, bao gồm cả tiền điện nước. Nghĩ tự phòng thân không thừa, mới đây, chị Thủy đã đặt mua bộ thoát hiểm giá hơn 1 triệu đồng và đang tìm mua thêm mặt nạ chống độc loại tốt.

Đây cũng là lần đầu tiên chị chủ động nghiên cứu bài bản kỹ năng sinh tồn trong hỏa hoạn. Ngoài đọc các kiến thức PCCC, chị cũng tìm đọc từng bài phỏng vấn các nạn nhân để xem cách xử lý của từng trường hợp.

Chủ động trang bị kỹ năng sinh tồn khi xảy ra hỏa hoạn
Nhiều người dân chủ động mua thiết bị an toàn PCCC, trang bị cho gia đình phòng khi "bà hỏa" hỏi thăm.

Tương tự chị Thủy, trước nay, phòng trọ nơi anh Lê Văn Phú (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chưa từng lắp đặt thiết bị PCCC nào. Tuy nhiên, ngay sau khi vụ cháy kinh hoàng tại khu chung cư mini xảy ra, anh Phú cảm thấy khá lo lắng.

“Phòng trọ tôi ở là của một nhà dân, có 6 tầng, nhưng chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất. Do vậy, khi thấy các vụ cháy xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, tôi và gia đình khá lo lắng. Khi đọc được các bài viết về một số gia đình trong vụ cháy ở phố Khương Hạ đã thoát nạn nhờ các phương tiện cứu hộ cơ bản, tôi đã chủ động mua một số thiết bị cơ bản, gọi người lắp đặt thiết bị PCCC”, anh Phú cho biết.

Trước việc người dân đổ xô mua các thiết bị PCCC, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, người dân chủ động trang bị dụng cụ an toàn PCCC là cần thiết. Khi có sẵn bình chữa cháy trong nhà, phát hiện lửa nhỏ dập tắt đơn giản, kèm với dụng cụ có sẵn như búa, kìm phá khóa khi gặp sự cố sẽ thoát nạn đơn giản hơn. Có dây thoát hiểm thả chậm và được chủ động nghiên cứu phương án, khi không may gặp sự cố phải bình tĩnh thoát hiểm để được an toàn.

Bình tĩnh xử lý tình huống

Trên thực tế, trong vụ cháy tại chung cư mini trên phố Khương Hạ, một số người đã thoát chết không phải vì may mắn, mà nhờ sự bình tĩnh xử lý tình huống. Trong đó, có gia đình khi thấy cháy lớn ở tầng 1, khói bốc lên dày đặc, đã quay lại căn hộ của mình, đóng kín cửa, ngăn khói độc bay vào. Đồng thời, cả gia đình nhúng khăn ướt để che đường hô hấp. Nhờ hạn chế được khói độc, nên cả gia đình không bị ngạt và đợi được đến lúc lực lượng cứu hộ đến giải thoát. Đây chính là bài học quý giá cho mọi người.

Về kỹ năng thoát nạn trong các vụ cháy chung cư, các chuyên gia đã khuyến cáo, khi phát hiện vụ cháy, bất kể là đám cháy to hay nhỏ, người dân cần nhanh chóng thoát khỏi tòa nhà, không cố thu những đồ có giá trị, hay đi tìm vật nuôi trong nhà. Trước khi mở cửa, hãy đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy ấm, đừng mở cửa vì có thể bên ngoài đang cháy tạo ra nhiệt và khói, mở cửa sẽ khiến khói và lửa luồn vào nhà. Dùng mu bàn tay để thử, không dùng lòng bàn tay, vì lòng bàn tay bị bỏng sẽ cản trở việc thoát thân khi bò hay xuống thang cứu nạn.

Khi không thể ra ngoài, nếu khói đã lan vào phòng, thì người dân hãy bò dưới sàn nhà, vì không khí sạch hơn ở gần sàn nhà, để mũi càng thấp càng tốt. Còn nếu thấy có thể ra ngoài bằng thang thoát hiểm hay chạy lên tầng thượng để chờ cứu hộ đến giải cứu, thì hãy sử dụng mặt nạ phòng độc hoặc khăn, quần áo thấm ướt nước để ngăn chặn việc hít phải khí độc.

Chủ động trang bị kỹ năng sinh tồn khi xảy ra hỏa hoạn
Những ngày qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội cũng đã đồng loạt diễn tập PCCC tại các Tổ liên gia.

Được biết, nhiều năm qua, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) - Công an thành phố Hà Nội đã có nhiều khuyến cáo tại các khu nhà cho thuê trọ, nhà chung cư, nhà ở kết hợp kinh doanh… trên địa bàn. Theo đó, khuyến cáo người dân phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC; thường xuyên tự kiểm tra, tuyên truyền nâng cao ý thức người thuê trọ về công tác PCCC&CNCH.

Đặc biệt, hiện nay tại Hà Nội đã có rất nhiều mô hình Tổ liên gia tự quản PCCC. Hoạt động của các Tổ liên gia tự quản cũng là “kênh” thông tin rất thuận lợi để trang bị cho người dân các kỹ năng ứng phó với hỏa hoạn.

Những ngày qua, nhiều quận, huyện cũng đã đồng loạt diễn tập PCCC tại các Tổ liên gia. Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, phát huy khả năng thường trực sẵn sàng chiến đấu và công tác phối hợp giữa lực lượng tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ...

Để đảm bảo an toàn, điều quan trọng hơn, mỗi công dân đều phải hiểu công tác an toàn PCCC là trách nhiệm của toàn dân. Để đảm bảo khu dân cư, tổ dân phố an toàn đều phải xuất phát từ ý thức, trách nhiệm của từng công dân, chủ cơ sở với công tác PCCC.

Cụ thể, tắt thiết bị điện khi không sử dụng, đun nấu cần kiểm tra, có người trông coi, thường xuyên bảo dưỡng hệ thống báo cháy, hệ thống điện trong công trình và phân chia khu sạc giữa xe điện và xe chạy bằng nhiên liệu như xăng, dầu, gas, để khoảng cách an toàn, thì sự thiệt hại sẽ giảm đáng kể khi không may xảy ra sự cố cháy, nổ.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có Công văn số: 4951/BGDĐT-GDCTHSSV “Về việc rà soát, nắm bắt thông tin về vụ cháy chung cư mini trên địa bàn thành phố Hà Nội và thực hiện các giải pháp phòng cháy, chữa cháy trong học sinh, sinh viên” gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; chú trọng việc cung cấp cho học sinh, sinh viên các kỹ năng về PCCC, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn...

K.Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này