Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm: Bảo vệ tốt quyền lợi người lao động

18:25 | 04/09/2023
(LĐTĐ) Xác định chức năng cốt lõi của tổ chức Công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động (NLĐ); thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Gia Lâm luôn chú trọng thực hiện tốt, đưa các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ trên địa bàn huyện đi vào chiều sâu, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả.
Nâng cao kiến thức pháp luật về an toàn vệ sinh lao động cho công nhân Trên 800 cá nhân đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo” năm 2023 Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Công đoàn cơ sở

Thực hiện tốt quy chế dân chủ

Theo báo cáo của LĐLĐ huyện Gia Lâm, trong 5 năm qua, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trên địa bàn huyện Gia Lâm tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 3.800 doanh nghiệp, với trên 36.400 lao động, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt trên 70%. Điều kiện làm việc, thu nhập, nhà ở, đời sống của NLĐ luôn được các cấp, ngành của Thành phố, huyện và tổ chức Công đoàn quan tâm. Thu nhập bình quân của NLĐ trên địa bàn đạt 6,25 triệu đồng/tháng. Tình hình quan hệ lao động cơ bản ổn định, số vụ tranh chấp lao động ít, không xảy ra các vụ đình công, ngừng việc tập thể.

Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm: Bảo vệ tốt quyền lợi người lao động
LĐLĐ huyện Gia Lâm thường niên phối hợp với UBND huyện tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo UBND huyện với CNVCLĐ.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, tình trạng nợ lương, nợ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế vẫn còn diễn ra, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Theo số liệu của BHXH huyện Gia Lâm, toàn huyện hiện có 607 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH - bảo hiểm y tế - bảo hiểm thất nghiệp từ 1 tháng trở lên, với số tiền nợ trên 15 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến đời sống, chế độ chính sách của 5.683 NLĐ, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động, đình công trên địa bàn huyện. Trước tình hình này, chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ luôn được LĐLĐ huyện Gia Lâm chú trọng, đặt lên hàng đầu, tập trung thực hiện thật tốt, bắt đầu từ việc thực hiện tốt quy chế dân chủ.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn của LĐLĐ và Ủy ban nhân dân (UBND) huyện, hàng năm, 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn huyện tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 86% doanh nghiệp tổ chức hội nghị NLĐ. Có 85% đơn vị, doanh nghiệp xây dựng được Quy dân chủ ở cơ sở; 98% đơn vị bầu Ban Thanh tra nhân dân. Hoạt động đối thoại được các cấp Công đoàn huyện quan tâm.

Trong nhiệm kỳ, LĐLĐ huyện đã phối hợp với UBND huyện tổ chức 4 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn, đã có 84 ý kiến bằng văn bản, 35 ý kiến, kiến nghị trực tiếp về các chế độ, chính sách cho NLĐ, về nhà ở, trường học, khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường gửi tới lãnh đạo huyện... Các Công đoàn cơ sở (CĐCS) cũng đã phối hợp với chính quyền, chuyên môn tổ chức 386 hội nghị đối thoại tại cơ sở thông qua đó giúp các cấp chính quyền, chuyên môn kịp thời nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, NLĐ.

Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm: Bảo vệ tốt quyền lợi người lao động
Lãnh đạo LĐLĐ huyện Gia Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị NLĐ Công ty cổ phần Môi trường đô thị Gia Lâm năm 2023

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ, LĐLĐ huyện Gia Lâm đã nghiêm túc thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT)”, Đề án thí điểm “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT giai đoạn 2021 - 2022” của LĐLĐ Thành phố thông qua việc hướng dẫn CĐCS thực hiện thương lượng, ký TƯLĐTT, đăng ký nội quy lao động, thực hiện nghiêm quy định về lương tối thiểu vùng. Tính đến ngày 31/12/2022, trên địa bàn huyện có 115/130 doanh nghiệp có CĐCS đã ký TƯLĐTT (đạt 88,4%); chất lượng TƯLĐTT loại A và B chiếm 76%.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Để bảo vệ tốt quyền lợi NLĐ, công tác phối hợp kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH cũng được LĐLĐ huyện chú trọng đặc biệt, Nhiệm kỳ qua, LĐLĐ huyện đã ký Quy chế phối hợp công tác 5 ngành Công an, LĐLĐ, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra, Chi cục Thuế, BHXH huyện về thực hiện các giải pháp, biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế của NLĐ trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021 - 2025.

Kết quả, liên ngành của huyện đã phối hợp thanh tra, kiểm tra tại 107 doanh nghiệp. LĐLĐ huyện chỉ đạo CĐCS thực hiện tốt chức năng tham gia kiểm tra, giám sát tại cơ sở và đã có 86 kiến nghị với doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với NLĐ. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát chủ doanh nghiệp, thủ trưởng đơn vị đã thực hiện nghiêm túc Bộ luật Lao động và các chế độ, chính sách liên quan đến NLĐ, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của NLĐ và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Bước sang nhiệm kỳ mới 2023 - 2028, trước những thời cơ và thách thức đan xen đối với tổ chức Công đoàn, LĐLĐ huyện Gia Lâm xác định mục tiêu sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, thực hiện tốt hơn nữa chức năng chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ.

Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm: Bảo vệ tốt quyền lợi người lao động
Thông qua hoạt động thiết thực của tổ chức Công đoàn, quyền lợi của NLĐ trên địa bàn huyện Gia Lâm luôn được đảm bảo. Ảnh minh họa

Theo đó, LĐLĐ huyện sẽ tiếp tục chủ động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến đoàn viên, NLĐ; đẩy mạnh công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội; kiên quyết đề nghị xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về pháp luật lao động, Công đoàn, Luật An toàn vệ sinh lao động; tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật ở cơ sở.

Cùng đó, LĐLĐ huyện tiếp tục quan tâm chỉ đạo các CĐCS phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đại diện tập thể NLĐ đối thoại, thương lượng, ký kết và tổ chức thực hiện TƯLĐTT cũng như nâng cao vai trò đại diện tham gia tố tụng lao động tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

LĐLĐ huyện cũng sẽ tập trung đầu tư nâng cao năng lực hoạt động của các Tổ tư vấn pháp luật Công đoàn thực hiện khởi kiện, đại diện tham gia tố tụng tại Tòa án theo quy định pháp luật; tổ chức thực hiện các biện pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công bất hợp pháp tại doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

Chỉ tiêu mà LĐLĐ huyện đặt ra trong nhiệm kỳ này là phấn đấu hàng năm có 100% cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 85% trở lên các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có tổ chức Công đoàn tổ chức hội nghị NLĐ và tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; phấn đấu có 90% doanh nghiệp có thương lượng, ký kết TƯLĐTT; trong đó có 38% bản TƯLĐTT đạt loại A. Hàng năm LĐLĐ huyện phối hợp với các phòng, ban có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra từ 20 - 25 đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng lao động về thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh lao động...

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này