Xây dựng nông thôn mới hiện đại

11:08 | 01/09/2023
(LĐTĐ) Nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng cung cấp dịch vụ, thu nhập giữa nông thôn với thành thị, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình về chuyển đổi số ở nông thôn, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện.
Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới Dấu ấn khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới

Nhân rộng mô hình thôn thông minh

Được triển khai từ năm 2022, đến nay mô hình thôn thông minh của thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trong sinh hoạt, đời sống và giúp chính quyền địa phương trong công tác quản lý địa bàn. Ghi nhận tại thôn Tháp Thượng, đường làng, ngõ xóm, sáng xanh, sạch, đẹp; các bảng quét mã QR hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính, như khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực... được treo ở nhà văn hóa, điểm công cộng, một số con ngõ trong thôn với cách thức thực hiện thuận lợi.

Xây dựng nông thôn mới hiện đại
Thôn Vân Sa 1, xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) được chọn xây dựng thôn thông minh. Ảnh: P.Ngân

Các camera được lắp ở những vị trí trọng yếu và trước cửa nhà các hộ dân, giúp giám sát an ninh trật tự trên địa bàn. Cùng với những ích lợi từ công nghệ số, Hợp tác xã Nông nghiệp Song Phượng đã thành lập trang fanpage “Nông sản sạch Song Phượng”, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương, như kẹo lạc, nấm, bưởi Diễn với gần 100 nông dân trên địa bàn xã tham gia.

Ngoài ra, xã đã hướng dẫn các thôn thành lập nhóm Zalo của thôn do trưởng thôn làm trưởng nhóm, thành viên là các tổ trưởng tổ tự quản; thành lập nhóm Zalo tự quản do tổ trưởng tổ tự quản là trưởng nhóm, thành viên là các gia đình trong tổ. Từ khi có các nhóm Zalo này, thông tin tương tác hai chiều từ thôn, xã tới dân và từ dân tới thôn, xã được thực hiện một cách nhanh chóng, chính xác, thuận lợi.

Tương tự, triển khai thực hiện mô hình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, với sự quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) đã khoác lên mình diện mạo mới, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp và chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên. Người dân chung tay thực hiện phong trào “Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”; phong trào “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm sáng - xanh - sạch đẹp, an toàn”, người dân tự sơn sửa tường rào, các thôn tổ chức vẽ tranh tường bích họa, trồng mới đường hoa, cây xanh, phối hợp lắp đặt hệ thống chiếu sáng…

Trong triển khai xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã Tản Hồng lựa chọn thôn Vân Sa 1 để xây dựng mô hình thôn thông minh. Hiện nay thôn Vân Sa 1 đã xây dựng được 13 ngõ tự quản, 100% các hộ dân đều được đánh số nhà. Các trục đường thôn, liên thôn, đường ngõ được cứng hóa, trồng cây xanh, cây bóng mát và trồng hoa. Cây xanh, sắc hoa đua nhau khoe sắc dọc đường, bộ mặt miền quê trù phú, an lành, đáng sống đang hiện hữu, tạo nên ánh mắt lấp lánh niềm vui của người dân nơi đây.

Để thực hiện mô hình thôn thông minh, thôn Vân Sa 1 đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng phối hợp với Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ, tổ tự quản “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, khảo sát, hướng dẫn các hộ dân tham gia tìm hiểu chuyển đổi số; các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt ứng dụng và lập tài khoản thanh toán điện tử, hướng dẫn người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng phương thức thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử... Thôn cũng thành lập các nhóm Zalo để thuận tiện trao đổi, tuyên truyền giữa chính quyền và người dân. Các ngõ, xóm trong thôn đều đã lắp camera đảm bảo an ninh, trật tự, hệ thống phòng cháy, chữa cháy.

Tự hào về sự đổi thay này, bà Phạm Thị Thủy - Bí thư Chi bộ thôn Vân Sa 1 xã Tản Hồng cho biết: “Đây là kết quả từ sự đồng lòng, nỗ lực của toàn thể người dân trong việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Mô hình thôn thông minh sẽ đem lại sự thuận lợi cho người dân. Khi các nhóm Zalo được thành lập, hệ thống quản lý, trao đổi, tuyên truyền thông tin đều được truyền đạt đến 100% hộ gia đình. Từ đó, các hộ dân được tiếp cận với thông tin của xã, thôn một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện hơn trước”.

Hướng đến nông thôn hiện đại

Không chỉ các thôn, xã triển khai các mô hình chuyển đổi số, tận dụng nhiều lợi thế sẵn có, những năm qua, Hà Nội đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, qua đó giúp tái cơ cấu ngành và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tiêu biểu mô hình chăn nuôi bò của ông Trần Văn Thắng, xã Thọ An (huyện Đan Phượng) khiến nhiều người cảm phục.

Năm 2012, ông Thắng bắt đầu nuôi giống bò cỏ truyền thống. Năm 2014, ông mở rộng trang trại, các giống bò ngoại chất lượng cao như bò 3B, bò Brahman... đã được gia đình ông đưa vào chăn nuôi. Ban đầu gia đình ông nuôi với số lượng vài chục con, nhận thấy hiệu quả kinh tế mà mô hình đem lại, ông Thắng mở rộng mô hình, có thời điểm số lượng bò trong trại lên tới vài trăm con. Nâng cao hiệu quả chăn nuôi, ông đầu tư hệ thống uống nước tự động, áp dụng công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường. Khu chăn nuôi của gia đình cách xa khu dân cư và được xây dựng với hệ thống xử lý chất thải bảo đảm an toàn cho chăn nuôi. Khi mô hình chăn nuôi thuận lợi, ông đầu tư cơ sở giết mổ, chế biến thịt bò. Với mô hình chăn nuôi, phân phối khép kín, không phụ thuộc thương lái đã giúp ông Thắng giảm được nhiều chi phí, đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 15 - 20 lao động trong vùng. Năm 2022 ông Thắng vinh dự được bình chọn là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc.

Xây dựng nông thôn mới hiện đại
Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc của anh Nguyễn Trung Tấn (xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây) đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Đ.Luyện

Nhận thấy dưa lê Hàn Quốc đem lại giá trị kinh tế cao bởi kỹ thuật chăm sóc khá đơn giản, lại phù hợp với khí hậu địa phương, anh Nguyễn Trung Tấn (thôn Lễ Khê, xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng cây màu kém hiệu quả của gia đình sang trồng dưa lê Hàn Quốc. Đến nay, mô hình của anh đã cho quả ngọt, thu hút đông đảo du khách tới tham quan, học tập.

Đầu năm 2023, gia đình anh Tấn đã đầu tư trên 600 triệu đồng để xây dựng nhà màng, hệ thống tưới nước tự động để trồng giống dưa lê Hàn Quốc. Nhà màng có ưu điểm bảo vệ cây trồng trước những tác động xấu của thời tiết, ngăn chặn sự xâm nhập phá hoại của chuột, cũng như các loài côn trùng gây hại khác; do đó, quá trình canh tác không sử dụng thuốc trừ sâu mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với hệ thống tưới nước, anh lắp đặt hệ thống tưới tự động. Với hệ thống này, phân được hòa vào nước rồi tưới cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống tưới tự động chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều theo từng giai đoạn. Hiện tại, mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc của anh có diện tích 1.000m2 với hơn 2.600 gốc theo cách gối vụ, giá bán từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, bước đầu dưa đã đem lại thu nhập cho gia đình. Hiện gia đình anh cung cấp chủ yếu cho các siêu thị hoa quả sạch tại Hà Nội.

Từ kết quả của những mô hình tiêu biểu, có thể khẳng định việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của cấp ủy, chính quyền, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Hoa Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này