Hiểm nguy nghề xiếc

09:55 | 16/09/2014
LĐTĐ -Nếu không được tận mắt chứng kiến những màn tập luyện của những người trong nghề thì chắc sẽ không ai có thể tưởng tượng được để có một tiết mục xiếc làm thỏa mãn khán giả, diễn viên xiếc phải gian nan, khổ luyện như thế nào.

Tai nạn rình rập

Quả không ngoa khi nhiều người cho rằng nghề xiếc là nghề đặc biệt nguy hiểm. Đối với một diễn viên xiếc, mỗi lần diễn là một lần thi đấu để chiến thắng bản thân giữa thử thách và lòng can đảm. Nói như vậy là bởi đã quá nhiều tai nạn đã xảy ra với cái nghề làm bạn với chấn thương này. TS Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam luôn nhói lòng khi kể về những tai nạn thương tâm trong nghề. Ông nhớ như in rủi ro của một học sinh, quê Hưng Yên vì quá say mê tập luyện một mình mà không có giáo viên nên cậu đã bị ngã gãy xương đùi. Nhà trường đã phải hỗ trợ khoản kinh phí không nhỏ để mổ điều trị cho nạn nhân. Nhưng vấn đề kinh tế ở đây không quan trọng bằng việc cậu 11 tuổi kia vĩnh viễn không thể trở thành diễn viên xiếc được nữa vì vết thương quá nặng.

Sau gần 1 năm, gia đình cậu phải xin về. Còn đối với chị Nguyễn Thị Tuyết Hoàn diễn viên xiếc trên không của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã phải vĩnh viễn rời xa ánh đèn sân khấu vì gặp tai nạn trong khi tập luyện tiết mục đu dây trên cao vào năm 2013. Chị bị chấn thương cột sống, liệt tủy, bại liệt hoàn toàn, cuộc đời phải gắn liền với chiếc xe lăn. Thời điểm xảy ra tai nạn khi chị vừa kết hôn được 3 tháng.

Để có một tiết mục xiếc thỏa mãn khán giả, diễn viên phải trải qua nhiều gian nan khổ luyện

Tại phòng tập của Nhà hát Thể nghiệm, tôi đã thấy một em học sinh khóc khi tập động tác bẻ dẻo ba chiều – động tác cơ bản trong nghề xiếc. Các diễn viên phải oằn mình tập luyện những động tác nhào lộn, thăng bằng. Một huấn luyện viên cho biết, xiếc người hay xiếc thú đều nguy hiểm như nhau. Ở xiếc thú, khi diễn viên dạy rất dễ xảy ra trường hợp thú không nghe lời phản kháng lại như bị gấu tát, bị voi quật ném hay bị trăn co thít người… Còn xiếc người, những động tác cơ bản như bẻ dẻo làm diễn viên rất đau.

Nhiều người không qua được những bải học ban đầu đã phải xin về. Để có một tiết mục nhào lộn, thăng bẳng thành công đòi hỏi diễn viên xiếc phải có thể lực tốt, thần kinh vững vàng và phải mất đến 2 năm khổ luyện. Những tiết mục thăng bằng, đi trên dây, do điều kiện thiếu thốn,  diễn viên tập luyện thường không có thiết bị bảo vệ phải tập theo phương pháp truyền thống từ đơn giản đến phức tạo, từ thấp đến cao. Nên việc xảy ra chấn thương là chuyện hết sức bình thường. Ngã rồi lại đứng dậy, đau đớn nhưng vẫn phải tập tiếp để hoàn thành tiết mục.

Chặng đường chông gai

Tuy đòi hỏi nhiều tiêu chí khắt khe nhưng đáng buồn rằng nghề xiếc không phải một nghề “hot” trong xã hội hiện nay. Nguy hiểm gấp nhiều lần so với những nghề khác nhưng tiền lương, phụ cấp mà một diễn viên xiếc được hưởng lại. Trung bình thu nhập mỗi diễn viên hơn 2 triệu một tháng – mức lương hệ trung cấp, cộng phụ cấp mỗi buổi diễn vài chục nghìn mà thực tế mỗi tháng chỉ diễn thưa thớt có vài buổi. Với con số thù lao khiêm tốn ấy, họ còn không đủ chi tiêu sinh hoạt cho bản thân chứ chưa nói đến chuyện trang trải, lo toan cho cuộc sống gia đình. Hơn nữa, nghề xiếc có tuổi thọ ngắn ngủi, đặc biệt là với các diễn viên nữ. Có nhiều người mới bước chân vào nghề được hơn 2 năm đã chịu cảnh “đứt gánh giữa đường” vì không muốn nghề làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Chuyện nghề đã vậy, chuyện đào tạo nghề còn khó khăn hơn. TS Hoàng Minh Khánh xót xa thừa nhận rằng hầu như năm nào cũng phải chia tay với một cơ số học sinh vì nhiều lý do khác nhau nhưng cơ bản vẫn là do rủi ro và thu nhập thấp. Học sinh trong trường chủ yếu là ở vùng sâu vùng xa, nhà có hoàn cảnh khó khăn. Dù tiền học một tháng chỉ vẻn vẹn 50.000đ và còn được nhà trường hỗ trợ thêm 180.000đ/học sinh nhưng vẫn có nhiều gia đình không đủ điều kiện nuôi con ăn học. Quả thực, con số 50.000đ học phí/ tháng kia so với người thành phố chả bõ bèn gì, chỉ đủ mua một bát phở thì đối với người nông thôn thu nhập thấp thì 50.000đ là cả một vấn đề. “Năm học vừa qua, với số lượng hơn 3000 hồ sơ nộp, nhà trường chỉ tuyển được 35 em đạt yêu cầu chuyên môn. Nhưng khi theo học cả khóa chỉ còn lại gần 20 em. Nhiều năm qua cá nhân tôi đã xin Nhà nước cho các cháu được hưởng các chế độ bao cấp như các trường nội trú khác, được miễn 100% học phí nhưng chưa được”. Ông Khánh buồn bã nói.

Với những khó khăn chồng chất khó khăn, TS Hoàng Minh Khánh luôn mong mỏi Nhà nước quan tâm đầu tư hơn nữa tới cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, chính sách đãi ngộ cho học sinh trường xiếc. Nếu có một cơ chế chính sách đào tạo đúng đắn, ông Khánh tin rằng xiếc Việt Nam sẽ phát triển rất tốt.

Gian nan, nguy hiểm là thế nhưng khi được hỏi tại sao lựa chọn nghề xiếc, nhiều học sinh trường xiếc vẫn lạc quan trả lời vì yêu nghề, vì đam mê cống hiến cho xã hội.

“Nhà nước nên có một chiến lược phát triển chung cho tất cả các tỉnh thành trên cả nước về hệ thống nhà rạp thì diễn viên xiếc mới có lối ra. Ở các tỉnh mà không có chỗ diễn thì làm sao phát triển được nghề. Quan trọng là xây nhà hát phải như thế nào? Nhà hát phải mang tính đa năng. Trên sân khấu đó có thể biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật chứ không phải chỉ là nhà hát đặc thù chỉ diễn riêng tuồng, chèo, kịch…” - TS Hoàng Minh Khánh, hiệu trưởng Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam.

Lưu Nhi
 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này