Phó Giáo sư Mai Duy Tôn làm Chủ tịch Hội Đột quỵ thành phố Hà Nội

16:44 | 28/08/2023
(LĐTĐ) Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội Hội Đột quỵ thành phố Hà Nội lần thứ nhất, ra mắt Ban chấp hành Hội và sinh hoạt khoa học chủ đề “Tối ưu hóa quản lý bệnh nhân đột quỵ não”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai được bầu làm làm Chủ tịch Hội.
Khung “giờ vàng” giúp bệnh nhân đột quỵ não thoát hiểm Ứng dụng robot trí tuệ nhân tạo trong mổ não thức tỉnh

Chia sẻ về quá trình thành lập Hội Đột quỵ thành phố Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Chủ tịch danh dự Hội, nguyên Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trong những năm gần đây, mô hình bệnh tật ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, trong đó có đột quỵ.

Phó Giáo sư Mai Duy Tôn làm Chủ tịch Hội Đột quỵ thành phố Hà Nội
Ban Chấp hành Hội Đột quỵ thành phố Hà Nội.

Mỗi năm, thế giới có hơn 12 triệu ca đột quỵ não, trong đó trên 16% xảy ra ở người trẻ, trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi; số bệnh nhân tử vong là 6,5 triệu ca/năm, có 39% nước có số người tử vong do đột quỵ đứng hàng đầu, trong đó có Việt Nam. Năm 2022, Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện một nghiên cứu quan trọng, cho thấy: Độ tuổi đột quỵ trung bình là 65; dưới 45 tuổi chiếm 7,2%; nam giới bị đột quỵ gấp 1,5 lần nữ, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não là 76%, chảy máu não là 24%. Như vậy, khác với các nước, tỷ lệ đột quỵ chảy máu não và nhồi máu não ở Việt Nam gia tăng ở người trẻ.

Thực tế trên cho thấy rất cần một tổ chức hội xã hội - nghề nghiệp hoạt động, nghiên cứu chuyên sâu về đột quỵ, quy tụ các nhà khoa học, các bác sĩ, điều dưỡng trong lĩnh vực đột quy để trao đổi chuyên môn, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống đột quỵ trên địa bàn Hà Nội. Đó là lý do để Hội Đột quỵ thành phố Hà Nội ra đời và trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, có con dấu và tài khoản riêng. Hội sẽ cùng với Hội Đột quỵ Việt Nam, Hội Đột quỵ thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ, định hướng cho hệ thống đột quỵ.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành hội gồm 29 thành viên, là các chuyên gia, bác sĩ hàng đầu về đột quỵ, tim mạch, của các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang… Đại hội cũng bầu ra Ban Thường vụ Hội Đột quỵ thành phố Hà Nội gồm 10 người, trong đó PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, được bầu làm làm Chủ tịch Hội Đột quỵ thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại Đại hội với vai trò tân Chủ tịch Hội Đột quỵ thành phố Hà Nội, PGS.TS Mai Duy Tôn cho biết: Mục tiêu của Hội Đột quỵ thành phố Hà Nội là tạo ra một môi trường mới cho các bác sĩ, chuyên gia về đột quỵ trên địa bàn Hà Nội, là nơi trao đổi kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ cho các hội viên. Hội cũng xây dựng chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn về đột quỵ cho các sinh viên y khoa, bác sĩ mới tốt nghiệp; hỗ trợ, cung cấp các hoạt động về đào tạo, hợp tác, trợ giúp cá nhân, tổ chức phát triển và ứng dụng các kiến thức y khoa về đột quỵ vào hành nghề và kinh doanh.

Phó Giáo sư Mai Duy Tôn làm Chủ tịch Hội Đột quỵ thành phố Hà Nội
Hội Đột quỵ thành phố Hà Nội đã tổ chức sinh hoạt khoa học với chủ đề “Tối ưu hoá quản lý bệnh nhân đột quỵ não”.

Ngay sau Đại hội, Hội Đột quỵ thành phố Hà Nội đã tổ chức sinh hoạt khoa học đột quỵ não với chủ đề “Tối ưu hoá quản lý bệnh nhân đột quỵ não” với tham luận của PGS.TS bác sĩ Nguyễn Hoàng Ngọc - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; PGS.TS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ thành phố Hồ Chí Minh. Các chuyên gia về đột quỵ đã cập nhật các kiến thức, phác đồ điều trị đột quỵ mới nhất cho các bác sĩ làm ở lĩnh vực này.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị Đột quỵ tại Khoa Thần kinh và Trung cấp A9 đã được thành lập từ rất sớm, nhiều kỹ thuật chuyên sâu đã được triển khai áp dụng. Năm 2005, đề án tiêu sợi huyết cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não với streptokinase đã được thực hiện. Năm 2009 thực hiện đề án tiêu sợi huyết với Alteplase cho bệnh nhân nhồi máu não phối hợp với Trung tâm Điện quang thực hiện các kỹ thuật can thiệp nội mạch, lấy huyết khối cơ học, các kỹ thuật mở sọ giảm áp, dẫn lưu não thất cấp cứu, tiêu sợi huyết não thất….

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của Bệnh viện trong giai đoạn mới, năm 2020 Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã quyết định tách đơn vị Đột quỵ của Trung tâm Cấp cứu A9 ra thành lập Trung tâm Đột quỵ do PGS.TS Mai Duy Tôn là Giám đốc. Trong 3 năm qua, Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai đã phát triển mạnh mẽ cả về lâm sàng, đào tạo nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế với 7 chứng nhận kim cương của Tổ chức Đột quỵ Thế giới.

Minh Khuê - Mai Thanh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này