Công nhân khó mua nhà vì thu nhập thấp!

11:14 | 22/08/2023
(LĐTĐ) Hiện nay, nhu cầu về nhà ở rất lớn, thành phố Hà Nội cũng đang triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của công nhân lao động và người lao động có mức thu nhập thấp. Song thực tế cho thấy, với mức thu nhập trung bình 6 - 9 triệu đồng/người/tháng, hầu hết công nhân lao động không có nhiều khả năng tích lũy tài chính để mua nhà ở xã hội.
Nguồn vốn bố trí thực hiện nhà ở xã hội cho công nhân mới đạt khoảng 35% nhu cầu Gỡ nút thắt tiếp cận nhà ở xã hội Sắp có thêm 720 căn hộ nhà ở xã hội cho lao động thu nhập thấp ở Hà Nội

Chật vật để lo chi phí sinh hoạt

Thu nhập thấp, trong khi đó, phải lo toan rất nhiều các loại chi phí như: Tiền nhà, điện nước, tiền gửi về quê… đã khiến nhiều công nhân lao động phải lựa chọn những khu nhà trọ chật hẹp để tiết kiệm chi phí. Căn phòng rộng chừng 10m2 tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh là nơi ở của chị Nguyễn Thị Oanh, quê Nghệ An (hiện đang làm việc tại Công ty TNHH Linh kiện Điện tử SEI - Việt Nam). Theo chị Oanh, với mức thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/tháng, chị Oanh chỉ có thể thuê phòng ở mức 500 nghìn đồng/tháng để tiết kiệm chi phí nhất có thể.

Công nhân khó mua nhà vì thu nhập thấp!
Với mức thu nhập như hiện nay, nhiều công nhân lao động chưa dám nghĩ tới việc mua nhà ở xã hội.

Chắt bóp từng đồng để lo chi phí sinh hoạt cho bản thân và gia đình ở quê, song chị Oanh cũng gặp nhiều khó khăn về nơi ở. “Mình đang ở một mình nên phòng cũng không quá chật. Tuy nhiên, khó khăn nhất là khi thời tiết nắng nóng khiến mình mất ngủ và việc nấu ăn trong phòng làm căn phòng ám mùi đồ ăn.” - chị Oanh cho hay.

Khi được hỏi về việc mua nhà ở xã hội với giá ưu đãi, chị Oanh thở dài: “Với mức thu nhập hiện tại, mình chưa dám nghĩ tới việc mua nhà ở xã hội. Bây giờ thu nhập của mình chỉ đủ sinh hoạt và gửi về quê nên cũng không tiết kiệm được khoản nào. Nếu vay với lãi suất như hiện nay thì mình cũng không đủ khả năng để trả.”

Gia đình chị Nguyễn Thị Thơm (quê Thái Nguyên) hiện đang thuê phòng trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh với chi phí 1,7 triệu đồng/tháng. Cùng với tiền phòng, vợ chồng chị Thơm cũng phải trả thêm chi phí điện nước, tổng chi phí cho 1 phòng trọ gia đình từ 2 - 2,3 triệu đồng/tháng. Dù chi phí thuê nhà khá cao so với thu nhập, song vợ chồng chị Thơm vẫn phải cố gắng xoay sở để các con đi học thuận tiện.

Bày tỏ suy nghĩ về việc mua nhà ở xã hội, chị Thơm cho biết: “Với mức thu nhập như hiện tại, tháng nào tiêu hết tháng đó, mình không dám mơ tới việc mua nhà ở xã hội. Điều mình mong là sẽ có thêm nhiều trường học gần khu công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho con đi học, bố mẹ yên tâm đi làm.”

Cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý

Theo số liệu báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay cả nước có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở.

Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu do hiện nay mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ. Với tổng diện tích 3.135.000m2 đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.

Trước thực tế này, ngày 11/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp đưa ra để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội là triển khai gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030.

Gói hỗ trợ này để chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ; và các ngân hàng thương mại ngoài Nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể.

Tuy nhiên, nhiều công nhân lao động cho rằng, mức lãi suất hiện nay đang quá cao, công nhân lao động khó tiếp cận với nguồn vốn này. Chị Trịnh Thị Chung (công nhân lao động làm việc tại huyện Đông Anh) cho rằng, mức lãi suất 8,2%/năm so với thu nhập của người lao động là rất cao. Bên cạnh đó, thời gian ưu đãi của gói tín dụng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn. Bởi vậy, chị Chung mong muốn, Thành phố sẽ có chính sách hợp lý để những công nhân như chị có cơ hội tiếp cận với các dự án nhà ở xã hội.

Cùng quan điểm với chị Chung, anh Ngô Văn Chung (hiện đang thuê trọ tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung cho rằng, gói lãi suất cần phù hợp với từng đối tượng. “Tôi mong công nhân lao động sẽ được tiếp cận với nguồn vốn thực sự ưu đãi, từ đó, hỗ trợ người lao động thu nhập thấp như chúng tôi có ngôi nhà của riêng mình, giúp chúng tôi an cư, lạc nghiệp, cho các con một môi trường sống tốt nhất.” - anh Chung bày tỏ.

Để công nhân lao động tại các khu công nghiệp và người lao động thu nhập thấp có điều kiện thuê, mua nhà ở xã hội, tại tọa đàm “Đảm bảo chỗ ở cho công nhân - Từ thực tiễn đến chính sách", bà Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội cho rằng nhu cầu nhà ở cả thuê và mua của công nhân là cấp bách nhưng còn nhiều bất cập.

Bà An đề xuất, cần thiết phải có quỹ đất để làm nhà cho công nhân thuê, đảm bảo chỗ ở để họ yên tâm làm việc, sau đó mới đến rao bán.“Tôi cho rằng cần phải phân rõ vai, Nhà nước đóng vai trò gì? Doanh nghiệp cần làm gì? Bản thân người lao động làm gì? Việc thực hiện các chính sách vay vốn ưu đãi dành cho công nhân để họ có nhà, tất cả chính sách cho người lao động vay cần phải cụ thể, minh bạch.”- bà An khẳng định.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này