TP.HCM: Kiên quyết không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ

20:32 | 21/08/2023
(LĐTĐ) Ngày 21/8, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 tại Trường Đại học Sài Gòn và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 của giáo dục mầm non.
TP.HCM: Rộn ràng ngày tựu trường của học sinh lớp 1 Kỷ luật giáo viên Trường THPT Gia Định vụ gian lận tại cuộc thi Genius Olympiad TP.HCM: Đề xuất chạy trình diễn toàn tuyến metro số 1 trước lễ 2/9

Phát biểu tại hội nghị, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, trong năm học 2022-2023, ngành giáo dục mầm non tại TP.HCM đã thực hiện tốt nhiệm vụ năm học; hoàn thành các mục tiêu về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Tuy nhiên, bà Điệp đánh giá, hiện nay các cơ sở giáo dục mầm non công lập đang gặp khó khăn trong việc chi trả lương cho đội ngũ nhân viên (nhân viên nấu ăn, phục vụ, bảo vệ, lao công) hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP (nay là Nghị định số 111/2022/NĐ-CP). Vì nguồn ngân sách nhà nước không cấp để chỉ trả lương cho đối tượng này.

TP.HCM: Kiên quyết không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ
TP.HCM kiên quyết không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ.

Bên cạnh đó, tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT - Bộ Nội vụ, căn cứ khối lượng công việc thực tế, nhu cầu và vị trí việc làm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ xác định số lượng người làm việc tối đa không vượt quá 2 người để thực hiện nhiệm vụ về kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ.

Một khó khăn khác là, tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT, quy định trường mầm non có quy mô tối thiểu 9 nhóm, lớp, và tối đa 20 nhóm, lớp. Bà Điệp cho rằng quy định này chưa phù hợp với điều kiện địa lý của thành phố. Bởi một số trường là nhà phố hoặc nhỏ hẹp... không đủ số phòng để bố trí thành 9 nhóm, lớp.

Ngoài ra, việc các cá nhân, tổ chức muốn đầu tư xã hội hóa giáo dục gặp khó, bởi quy đinh tại Nghị định số 46/2017/NĐ-CP; Chương trình giáo dục mầm non mới chưa trao quyền chủ động cho đơn vị thực hiện thí điểm linh hoạt điều chỉnh các ngôn từ, bổ sung thay thế các nội dung...Từ những khó khăn nêu trên, bà Điệp kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét, sửa đổi một số nội dung bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm giảm rào cản góp phần thu hút đầu tư phát triển giáo dục mầm non Thành phố, tăng tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó, đề xuất Vụ Giáo dục Mầm non phối hợp với Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục Việt Nam, tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn TP.HCM thực hiện thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới; Xem xét triển khai thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo với phương án phù hợp.

Trong năm học sắp tới, bà Điệp cho biết ngành giáo dục mầm non tiếp tục tập trung các giải pháp triển khai chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" giai đoạn 2021-2025, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ.

Bà Điệp nhấn mạnh, trường lớp phải thật sự an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, chú trọng công tác tự kiểm tra, đánh giá các tiêu chuẩn về an toàn nhằm phát hiện sớm và có biện pháp khắc phục kịp thời các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ. Và điều tiên quyết, đặc biệt quan trọng là kiên quyết không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ.

Các nhóm giải pháp khác còn lại gồm: Giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; giải pháp thực hiện hiệu quả các kế hoạch, đề án; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, hội nhập quốc tế và truyền thông…

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này