“Cộng tác viên” online: Liên kết ảo, hệ lụy thật

10:56 | 03/08/2023
(LĐTĐ) Mặc dù lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã có nhiều khuyến cáo về tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn tuyển cộng tác viên online, làm việc qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo, nhiều người mê muội vẫn mất cả tỉ đồng bởi chiêu trò lừa đảo “không phải mới” này.
Cảnh báo thủ đoạn giả danh ngân hàng cho "vay tín chấp online" Cần tiền vay vốn làm ăn người đàn ông bị lừa mất 300 triệu đồng

Nhiều nạn nhân

Thời gian qua, không chỉ ở Hà Nội mà tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, việc nhiều người trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn tuyển cộng tác viên online cho các sàn TMĐT nổi tiếng, không phải là câu chuyện quá xa lạ. Trong đó, thủ đoạn phổ biến được các đối tượng thường xuyên sử dụng là lập một tài khoản Facebook ảo để đăng tin tuyển dụng và chạy quảng cáo khắp các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo…) với nội dung như: “Tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki…”.

Khi có người nhận làm việc, các đối tượng sẽ cho “hệ thống” tự động hoàn lại tiền mua hàng, rồi cộng thêm một khoản tiền hoa hồng dao động từ 10 - 20% khi cộng tác viên hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên. Thế nhưng, việc hoàn tiền chỉ diễn ra nhanh chóng với những đơn hàng giá trị nhỏ để tạo lòng tin.

“Cộng tác viên” online: Liên kết ảo, hệ lụy thật
Nhiều nhóm đăng tuyển “cộng tác viên” làm việc qua sàn thương mại điện tử trên các trang mạng xã hội.

Khi đã tạo được lòng tin với nạn nhân, các đối tượng dẫn dụ chốt nhiều đơn hàng với số tiền lớn ở những lần tiếp theo, sau đó đưa ra nhiều lý do để không hoàn tiền và thanh toán hoa hồng như: Cú pháp soạn tin bị sai, hệ thống bị lỗi… Lúc này, nếu muốn nhận lại tiền, nạn nhân được yêu cầu phải chuyển khoản thêm tiền cho đơn hàng để lấy lại số tiền trước đó, nếu không sẽ bị mất toàn bộ. Với tâm lý muốn lấy lại tiền, nhiều người đã tin theo và liên tục chuyển khoản cho các đối tượng lừa đảo. Sau khi nạn nhân hết tiền để chuyển khoản hoặc phát hiện bị lừa, các đối tượng sẽ chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân qua điện thoại, Facebook...

Một trong số những vụ lừa đảo liên quan đến hình thức tuyển cộng tác viên online mua bán hàng cho các sàn TMĐT là trường hợp của anh N.T.H (sinh năm 1999, trú tại quận Long Biên). Cụ thể, ngày 25/7/2023, nhận được lời mời làm cộng tác viên từ một tài khoản trên mạng xã hội Facebook với nội dung trở thành cộng tác viên cho sàn thương mại điện tử Lazada và khi tham gia “nhiệm vụ” mua đơn hàng, anh H sẽ được hưởng tiền “hoa hồng”. Sau khi tham gia làm nhiệm vụ với việc đặt mua 2 đơn hàng đầu tiên, anh H đã được “hệ thống” tự động thanh toán hoa hồng. Tuy nhiên, khi làm nhiệm vụ thanh toán đơn hàng trị giá hơn 1,1 tỉ đồng, thì anh H được yêu cầu thanh toán thêm một đơn hàng 700 triệu đồng nữa mới được hoàn tiền và hưởng hoa hồng. Phát hiện đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, anh H đã đến Công an phường Thạch Bàn, quận Long Biên, trình báo sự việc.

Cũng rơi vào “mê trận” như anh H, ngày 20/7 vừa qua, chị L (ở quận Hoàng Mai) cũng đã phải đến Công an phường Phương Mai, quận Đống Đa, để trình báo về việc chị L bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.Theo trình báo của chị L, đầu tháng 7/2023, chị L có nhận được lời mời làm cộng tác viên với nhiệm vụ làm tăng tương tác cho sàn thương mại điện tử Lazada và sau khi làm nhiệm vụ sẽ được hưởng tiền hoa hồng. Để trở thành cộng tác viên, chị L được hướng dẫn cài đặt một phần mềm ứng dụng theo đường link mà người tuyển yêu cầu, sau đó chị L được hướng dẫn tạo một tài khoản và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ.

Sau hai ngày làm “nhiệm vụ”, số tiền “hoa hồng” chị L nhận được không đáng là bao, tuy nhiên, số tiền chị nạp vào tài khoản đề thực hiện “nhiệm vụ” theo yêu cầu của người tuyển dụng thì đã lên đến 150 triệu đồng. Nhưng, khi đề cập đến tiền “hoa hồng” cho các nhiệm vụ đã thực hiện, chị L nhận được thông báo App bận… sau khi bị dẫn dắt mua bán lòng vòng, biết mình bị lừa, chị L đã đến cơ quan Công an phường Phương Mai để trình báo.

Nhiều phương thức lừa đảo mới

Qua câu chuyện của những nạn nhân, cũng như những thông tin từ lực lượng chức năng cho thấy, nạn nhân trong các vụ lừa đảo cộng tác viên online qua sàn TMĐT đa số đều là những người trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm, hoặc những người làm việc nhà, cần thêm thu nhập… Trước thực trạng này, đại diện các sàn TMĐT như Tiki, Shopee, Lazada đã lên tiếng và đưa ra cảnh báo trên các phương tiện truyền thông cho biết, thời gian qua, có việc giả mạo thương hiệu để tuyển cộng tác viên bán hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng, song các doanh nghiệp này không thể loại bỏ được hết những tin nhắn, bài đăng mạo danh.

Theo Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự, tội phạm sử dụng thủ đoạn công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nổi lên một số phương thức, thủ đoạn như: Giả danh cán bộ làm trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để lừa đảo. Đặc biệt, các đối tượng còn sử dụng phần mềm công nghệ cao VoIP (Voice Over Internet Protocol) - truyền tải giọng nói qua mạng Internet, GoIP- thiết bị chuyển cuộc gọi qua mạng Internet thành cuộc gọi GMS thông thường, có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại, giả mạo chủ tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook gọi cho bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đáng chú ý, trong các thủ đoạn này xuất hiện hình thức đối tượng sử dụng công nghệ “deepfake” (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo) để tạo ra các sản phẩm công nghệ giả dưới dạng âm thanh, hình ảnh, video của người có mối quan hệ với bị hại, sau đó thực hiện cuộc gọi “video call” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng các thủ đoạn lừa đảo như thông qua hoạt động tuyển dụng việc làm online, tuyển cộng tác viên bán hàng online; chiếm đoạt quyền truy cập, quản lý và sử dụng tài khoản Internet banking của bị hại thông qua các hình thức như: Yêu cầu bị hại cung cấp thông tin tài khoản, mã OTP hoặc yêu cầu truy cập trang web giả mạo của ngân hàng...

Nhằm tăng cường công tác cảnh báo đối với người dân, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, tội phạm về công nghệ cao đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2023, tội phạm lừa đảo giảm, nhưng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo tiếp tục diễn biến phức tạp. Tổng số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn Thành phố là 153 vụ, giảm 16 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Cơ quan Công an đã điều tra, khám phá 132 vụ, bắt giữ 165 đối tượng, đạt tỉ lệ 86,3%.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này