Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

​​​​​​​Cần chú trọng đến yếu tố nguồn lực phát triển Hà Nội

20:42 | 29/07/2023
(LĐTĐ) Để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển, các chuyên gia, các nhà khoa học cho rằng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần quan tâm đến các nguồn lực tạo sự bứt phá cho Thủ đô.
Quy định chính sách đặc thù vượt trội để tạo đột phá tối đa về thể chế cho Thủ đô Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần tạo bứt phá cho Thủ đô bằng những cơ chế đặc thù Dự thảo Luật Thủ đô: Vấn đề tam nông cũng cần phải có cơ chế đặc thù

Cần quan tâm phát huy thế mạnh các nguồn lực

Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Ngô Hữu Thảo - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn công tác tôn giáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng, Luật Thủ đô cần chú trọng đến yếu tố “nguồn lực phát triển Hà Nội” mà “nguồn lực tài chính ngân sách” trong dự thảo Luật chỉ là một bộ phận của nguồn lực phát triển. Nguồn lực đó là ưu thế của Thủ đô, hơn mọi địa phương khác và nó cần được phát huy từ Luật Thủ đô.

Cần chú trọng đến yếu tố nguồn lực phát triển Hà Nội
Theo PGS.TS Ngô Hữu Thảo, nguồn lực phát triển Thủ đô tập trung ở nguồn nhân lực, những người lao động... (Ảnh minh họa: B.D).

Theo PGS.TS Ngô Hữu Thảo, nguồn lực phát triển Thủ đô tập trung ở nguồn nhân lực, với đông đảo nguồn nhân lực có chất lượng cao, là những người lao động thuộc giai cấp công nhân, nông dân, tư sản và đặc biệt là giai tầng trí thức, sống và làm việc tại Thủ đô. “Đây thực sự là nguồn lực lớn lao, quý giá cần được Luật Thủ đô quan tâm phát huy trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô”, ông Thảo nhấn mạnh.

Cùng với đó, nguồn lực còn nằm ở hệ thống các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề công - tư vào loại đông nhất cả nước, với hàng vạn cán bộ giảng dạy, sinh viên, sở hữu và quản trị một khối tài sản rất lớn, đặc thù, mong được Luật Thủ đô quan tâm phát huy.

“Đó còn là hệ thống bệnh viện y tế công - tư với cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại và những con người có trình độ cao. Nguồn lực là con người và vật chất của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội, luôn muốn được cống hiến cho Hà Nội với trách nhiệm “công dân Thủ đô. Bên cạnh đó là nguồn lực vật chất - văn hóa - đạo đức của 9 tổ chức tôn giáo tôn giáo với gần một triệu tín đồ, chức sắc, chức việc sống tốt đời, đẹp đạo ở Thủ đô. Nguồn lực đoàn kết - văn hóa của hàng vạn người các dân tộc thiểu số ở Thủ đô sẽ đóng góp nhiều hơn vào việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nếu được hệ thống chính trị quan tâm đầu tư xây dựng một “bảo tàng văn hoá dân tộc”, với tầm cỡ khu vực.”, PGS.TS Ngô Hữu Thảo phân tích.

Cần dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cho thuê hoặc bán trả góp

Khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Việt Nam cho rằng: Qua 10 năm thực hiện Luật Thủ đô đã cho thấy đạt được những dấu ấn khá toàn diện trong phát huy vai trò vị thế Thủ đô, cả với vùng và cả nước. Tuy nhiên, cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, nhất là về cơ chế đặc thù, bất cập so với một số luật mới ban hành.

Từ định hướng đã xác định tại Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2045, Nghị quyết 06-NQ/TW về phát triển bền vững đô thị Việt Nam, từ bối cảnh Hà Nội đang triển khai thực hiện phát triển giai đoạn tới, cho thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô là cần thiết là cấp bách.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng đánh giá: Quá trình triển khai nghiên cứu xây dựng dự án Luật sửa đổi vừa qua Hà Nội đã thực hiện bài bản với quy trình đồng bộ, khoa học, thực tiễn với sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, sự tham gia của các bộ, ngành (nhất là Bộ Tư pháp), sự tham gia của nhân dân, của các Sở, Ngành thành phố, của các tổ chức xã hội chính trị, nghề nghiệp, đã xây dựng được dự thảo.

Cần chú trọng đến yếu tố nguồn lực phát triển Hà Nội
Theo các chuyên gia, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần quy định dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cho thuê hoặc bán trả góp với những người làm công ăn lương. (Ảnh minh họa: B.D).

Đề cập đến nội dung Xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô (Chương III của Dự thảo), TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đây là vấn đề có nhiều nội dung, cũng là vấn đề đang có nhiều thách thức với Hà Nội nên cần được nghiên cứu kỹ để có những chính sách tạo đột phá cho Thủ đô. Trong Luật Thủ đô 2013 đã đề cập trong 14 điều/27 điều, dự thảo Luật đã xác định trong 17 điều/54 điều.

Theo đó, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đề nghị xem xét thêm một số vấn đề như: Trong dự thảo nên căn cứ việc xây dựng và phát triển Thủ đô là thực hiện quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô (tên gọi đúng là điều chỉnh quy hoạch chung). Đây chỉ là 2 quy hoạch trọng tâm xác định trong khoản 1 nhiệm vụ 4 tại Nghị quyết 15-NQ/TW). Thực tế quy hoạch hiện nay được căn cứ theo Luật quy hoạch là cả hệ thống cấp Quốc gia, Vùng, Ngành... Tất cả đều được áp dụng làm căn cứ cho cả nước và Thủ đô.

Theo đó, ông Đào Ngọc Nghiêm đề nghị sửa lại Điều 20 như sau: "Việc xây dựng, phát triển Thủ đô phải được thực hiện theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt trọng tâm là quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô...". Thay từ Vùng Thủ đô và cả nước bằng Vùng và cả nước vì Nghị quyết 15-NQ/TW tại quan điểm đã nêu nhiệm vụ: Thủ đô còn là thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng và những vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Về phát triển nhà ở (Điều 30), theo ông Đào Ngọc Nghiêm: Dự thảo đã có bổ sung một số quy định về phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội. Tuy vậy còn một số tồn tại nhất là bổ sung từ ngữ khó hiểu như: Nhà ở hiện đại, mô hình căn hộ chung cư. Phát triển nhà ở xã hội tập trung là mô hình được khuyến khích, song để đảm bảo chất lượng sống cần đồng bộ hệ thống hạ tầng, không nên có quy định là theo nhu cầu thị trường và điều kiện của Thành phố (nội dung c Khoản 3).

Cạnh đó, quy định thẩm quyền của Hội đồng nhân dân được quy định chính sách cải tạo, xây mới nhà ở cũ, nhà nhiều hộ, chỉnh trang nhà ở các ô phố và niên hạn sử dụng nhà chung cư cao tầng (điểm b, Khoản 5) cần sửa đổi để phù hợp với Luật nhà ở. Cần có quy định trường hợp chủ đầu tư không nộp tiền tương ứng quỹ đất 20% có trách nhiệm xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí đất được hoán đổi.

Cũng bàn về Điều 30 trong dự thảo Luật về phát triển nhà ở, PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng: Tuân thủ quy hoạch Thủ đô và các quận lõi của nội thành như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân… không được phép xây thêm chung cư cao tầng (trên 7 tầng như nhà dân), nếu trên 7 tầng thì phải tuân thủ các quy trình xét duyệt ngặt nghèo (dứt khoát phải có ý kiến công khai của đại đa số cộng đồng dân cư nơi xây) thì mới cho phép.

Bên cạnh đó, cần dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cho thuê hoặc bán trả góp với những người làm công ăn lương (kể cả doanh nghiệp), đặc biệt là cán bộ trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này