Hà Nội: Lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

15:19 | 17/07/2023
(LĐTĐ) Ngày 17/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Luật Thủ đô cần được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật Sự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần bổ sung quy định đặc thù Đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trên phạm vi cả nước

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học cho ý kiến toàn bộ Hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), gồm: Phạm vi điều chỉnh, bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đồng thời cho ý kiến một số nội dung trọng tâm, đặc thù vượt trội của hồ sơ dự thảo. Cụ thể, về tổ chức chính quyền tại Thủ đô, góp ý vào mô hình tổ chức, chế độ công vụ, biên chế của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội, cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô…

Hà Nội: Lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương phát biểu tại Hội nghị.

Góp ý tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng: Việc sửa đổi Luật Thủ đô trong tình hình hiện nay là rất cần thiết để tạo hành lang pháp lý thống nhất nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô.

Đồng thời, các đại biểu cũng cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách, tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục của nội đô…

Các ý kiến đóng góp tại Hội nghị cũng đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Góp ý vào dự thảo Luật, ông Phạm Ngọc Thảo - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ pháp luật đánh giá: Tổng thể Luật Thủ đô (sửa đổi) có bố cục, kết cấu hợp lý, logic. Trong đó, có nhiều điều luật quan trọng về tổ chức bộ máy, nhân sự, có cơ chế đặc thù thu hút nhân tài và những đặc thù về nguồn tài chính, về các chính sách hỗ trợ đối với các lĩnh vực quản lý đô thị, xây dựng và nhà ở, phát triển nông nghiệp nông thôn…

Nêu vấn đề chính sách thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực là một chính sách đúng đắn, cần thiết Hà Nội đã thực hiện nhiều năm qua nhưng chưa có hiệu quả, ông Thảo đề nghị, bổ sung một số nội dung trong Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm quy định sự ràng buộc giữa quyền và trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tuyển dụng nhân tài, tránh việc lạm dụng chức quyền để tuyển dụng sai quy định và vụ lợi.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường khẳng định, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Mặt trận sẽ tiếp thu đầy đủ và tiếp tục theo dõi sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học và nhân dân để gửi ban soạn thảo...

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này