53.000 hộ kinh doanh online được “ngắm”, giờ thế nào?

11:06 | 04/07/2023
(LĐTĐ) Ngày 10/2, một số báo đưa tin 53.000 người bán hàng trên sàn thương mại điện tử vào tầm ngắm của ngành Thuế. Đến nay, đã được gần 5 tháng, song chưa thấy ngành Thuế thông tin kết quả xử lý ra sao.
Cách nào ngăn chặn hàng giả trên không gian mạng? Quản lý thuế các cá nhân kinh doanh online trên google, facebook, youtube Siết chặt thuế thu nhập từ kinh doanh online
53.000 hộ kinh doanh online được “ngắm”, giờ thế nào?
Ảnh minh họa.

Sự xuất hiện của các nền tảng số và mạng xã hội như Google, Facebook dẫn tới xu hướng kinh doanh mới, kinh doanh online. Ngoài các công ty, đơn vị có tổ chức, thì nhiều cá nhân cũng chuyển sang mảng kinh doanh này. Với không ít người, kinh doanh online là nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập, song với nhiều người, kinh doanh online là nghề chính và họ đã giàu lên từ đó.

Được biết, theo quy định, thông tin về người bán bao gồm họ tên, mã số thuế/định danh cá nhân/chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại. Riêng các sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo còn phải cung cấp thêm doanh thu của từng người bán. Dựa trên các thông tin này, cơ quan thuế sẽ rà soát để đưa nhiều cá nhân, tổ chức vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp để điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu. Trên cơ sở này, ngành Thuế thời gian qua đã làm khá tốt việc thống kê các hộ kinh doanh online để tiến hành thu thuế hoặc truy thu thuế. Tuy nhiên, do sự bùng nổ về kinh doanh online trên không gian mạng quá nhiều mà ngay chính bản thân ngành Thuế cũng phải thừa nhận, giao dịch thực tế vẫn cao hơn so với thống kê. Chính vì thế, mới có việc ngành Thuế đưa “53.000 người bán hàng trên sàn thương mại điện tử vào tầm ngắm”.

Kinh doanh online trên không gian mạng là xu thế tất yếu, song thực tế công tác quản lý các hộ kinh doanh còn rất lỏng lẻo. Một người kinh doanh có thể đồng thời lập 3-4 trang khác nhau trên Facebook để bán hàng online. Thay vì đến cơ quan Thuế đăng ký, họ chỉ việc bỏ tiền quảng cáo trên không gian số, để các nền tảng mạng đề cập ở trên “chạy” quảng cáo cho họ nhằm tiếp cận thông tin khách hàng nhiều nhất, bán được hàng nhiều nhất và có doanh số cao nhất. Truy cập Facebook, cùng một địa chỉ liên hệ (số điện thoại), nhưng người bán lập ra đến 3-4 trang. Nào đồ golf, mỹ phẩm, thời trang... Có người doanh thu tháng lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí lợi nhuận cũng hàng chục triệu đến cả trăm triệu đồng.

Theo pháp luật hiện hành, những người có thu nhập từ 11 triệu đồng phải thuộc diện chịu thuế thu nhập, trong bối cảnh giá cả liên tục leo thang, trong khi có không ít hộ kinh doanh online, doanh số bán hàng lên tới cả trăm triệu đồng/tháng, lợi nhuận thu về khá cao, thậm chí rất cao thì vẫn “thoát” nộp thuế thu nhập. Chính vì vậy, để chống thất thu thuế và tạo sự công bằng đối với nghĩa vụ nộp thuế, một số người kiến nghị ngành Thuế cần chỉ đạo các Chi cục thuế địa phương từ cấp tỉnh, thành; quận, huyện nhanh chóng tổng rà soát các hộ kinh doanh online trên địa bàn quản lý để thu hoặc truy thuế.

Đồng thời, bản thân ngành Thuế (Tổng cục Thuế) cũng nên làm điểm, chọn một vài hộ kinh doanh online trên không gian mạng, như kinh doanh đồ thời thượng “golf”, thời trang mời lên cơ quan Thuế “điểm danh”, xem việc đóng thuế thu nhập ra sao? Có hay không sự “bắt tay” giữa chủ hộ kinh doanh với cơ quan Thuế cấp quận, để từ đó xử ký nghiêm minh (nếu có). Không có lý do gì Nhà nước thất thu thuế, còn tiền “đổ” về các công ty nước ngoài từ việc “chạy” quảng cáo để bán hàng.

T.G

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này