Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức trong thực hiện chuyển đổi số

21:11 | 30/06/2023
(LĐTĐ) Sáng 30/6, Công đoàn Viên chức thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị chuyên đề “Chuyển đổi số và trách nhiệm cán bộ công chức, viên chức khối các cơ quan thành phố Hà Nội”.
Công đoàn Viên chức thành phố Hà Nội thăm hỏi đoàn viên bị hành hung khi đang làm việc Triển khai quy trình nhân sự Đại hội Công đoàn Viên chức thành phố Hà Nội lần thứ VI Công đoàn Viên chức thành phố Hà Nội không ngừng nâng cao vai trò đại diện

Đồng chí Phùng Khải Lợi - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội đã tới dự. Đồng chí Phạm Bá Vĩnh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Thành phố chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đại biểu là: Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Viên chức Thành phố; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Chấp hành phụ trách công tác Văn phòng Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Viên chức Thành phố và các Công đoàn bộ phận, Công đoàn cơ sở thành viên trực thuộc Công đoàn cơ sở.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức trong thực hiện chuyển đổi số
Đồng chí Phạm Bá Vĩnh - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Thành phố phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội truyền đạt những nội dung quan trọng xoay quanh vấn đề chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh như: Khái niệm, nội dung chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đề án chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hà Nội; các ứng dụng số tiêu biểu của Thành phố hiện nay; vị trí, vai trò của cán bộ Công đoàn cơ sở và đoàn viên, cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) trong công tác chuyển đổi số…

Đồng chí Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh: Thành phố đặt ra mục tiêu đến năm 2025 thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại, tạo điều kiện kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững đồng thời thành phố Hà Nội cũng phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Trong đó, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dịch vụ công toàn trình; 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 50% dân số trưởng thành có chữ ký số; 70% người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức trong thực hiện chuyển đổi số
Đồng chí Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội trao đổi về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh tại Hội nghị

Về xây dựng chính quyền số, mục tiêu Hà Nội đặt ra là xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số hiện đại; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ, xử lý hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạnh ở cả 3 cấp...

Mục tiêu đến năm 2030 Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại. Xây dựng, phát triển chính quyền số, thực hiện chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước Thành phố; lấy sự phục vụ người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực để thực hiện chuyển đổi số.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Thành phố Phạm Bá Vĩnh nhấn mạnh, Công đoàn Viên chứcThành phố xác định đây là chuyên đề quan trọng với CBCCVC Thủ đô trong bối cảnh quốc gia số, thành phố số, thành phố thông minh. Thông qua Hội nghị chuyên đề này, cán bộ Công đoàn cơ sở được tiếp cận các thông tin về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động để, chung tay góp phần thực hiện chuyển đổi số, phát triển Thủ đô.

Đồng chí Phạm Bá Vĩnh đề nghị, trên cơ sở những nội dung trao đổi tại hội nghị và đặc biệt trước bối cảnh, tình hình công tác chuyển đổi số của Thủ đô, đất nước đang và sẽ diễn ra mạnh mẽ, các cấp Công đoàn Viên chức Thành phố cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, xác định những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới để tham gia cùng cả hệ thống chính trị, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, xây dựng Thủ đô.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức trong thực hiện chuyển đổi số
Toàn cảnh Hội nghị

Đồng chí Phạm Bá Vĩnh cũng gợi mở một số nhiệm vụ cụ thể đối với các cấp Công đoàn Viên chức Thành phố. Đó là, các cấp Công đoàn phải làm tốt công tác tuyên truyền, truyền thông về chuyển đổi số thông qua các hình thức phù hợp tới 100% CBCCVC, để mỗi CBCCVC đều hiểu, nắm bắt được chủ trương chung của Chính phủ, Thủ đô về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, vận dụng vào công việc cụ thể đồng thời làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Thành phố về các chủ trương, chính sách, giải pháp tổ chức thực hiện chuyển đổi số.

Cùng với đó, Ban Chấp hành Công đoàn các cấp cần tham mưu, phối hợp với thủ trưởng cơ quan tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho CBCCVC về kỹ năng nghiệp vụ, sử dụng thành thạo công nghệ trong giai đoạn tới, "muốn có thành phố thông minh phải có con người số" - đồng chí Phạm Bá Vĩnh nêu rõ.

Tiếp đó, các cấp Công đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước theo hướng đổi mới về hình thức, thực hiện số hóa cũng như đổi mới về nội dung thi đua cho phù hợp, trong đó hướng vào thực hiện các nhiệm vụ như cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, sáng kiến sáng tạo, chuyển đổi số...

Đặc biệt, đồng chí Phạm Bá Vĩnh cũng lưu ý, hệ luỵ khi thực hiện chuyển đổi số là sẽ dôi dư nhiều lao động, tạo thu nhập không bình đẳng. Vai trò của tổ chức Công đoàn là quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Vì vậy, tổ chức Công đoàn phải vào cuộc để có biện pháp trong xây dựng cơ chế chính sách về tiền lương, việc làm nhằm giải quyết vấn đề này cho thoả đáng, công bằng.

Nhấn mạnh mục tiêu xây dựng chính quyền số tác động đến công tác chỉ đạo, điều hành của cán bộ lãnh đạo trong đó có tổ chức Công đoàn, đồng chí Phạm Bá Vĩnh đề nghị Ban Chấp hành các cấp Công đoàn Viên chức Thành phố phải thay đổi về phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tác nghiệp, phải số hoá trong chuyển tài liệu, giao ban trực tuyến... để bắt kịp xu thể và hiện tốt nhiệm vụ, xây dựng Thủ đô thông minh, chính quyền điện tử.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này