Đừng nghĩ hở là đẹp!

10:07 | 20/11/2014
Cách tân, phá cách trang phục truyền thống không phải là xấu tuy nhiên biến tấu như thế nào để bộ trang phục đó không trở nên phản cảm còn phụ thuộc vào nhận thức, sự am hiểu văn hóa của nhà thiết kế. Ngày nay, giá trị nghệ thuật, văn hóa truyền thống dường như đang bị xem nhẹ.

Những bộ cánh phản chủ

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt hành chính Đài Truyền hình Việt Nam 15 triệu đồng vì vụ chiếc khăn piêu đội đầu của phụ nữ dân tộc Thái bị đem làm khố trong chương trình “X - Factor Nhân tố bí ẩn” trên kênh VTV3 ngày 12/10. Sự việc này đã gây ra nhiều tranh cãi. Đa số ý kiến cho rằng đây là sự thiếu hiểu biết dẫn đến sai lầm nghiêm trọng về văn hóa. Tuy ngay sau đó, trong đêm chung kết X-factor tối 19/10, MC Nguyên Khang đã đại diện ban tổ chức chính thức thừa nhận sai sót và gửi lời xin lỗi đến khán giả, đặc biệt là người dân tộc Thái vì sự cố này. Nhưng hành động “chữa cháy” này của VTV vẫn không thể xoa dịu được bức xúc của dư luận.

Trước đó, trong liveshow “Bài hát yêu thích” tháng 5, ca sĩ Hà Linh đã mặc trang phục gần giống trang phục cổ trang Trung Quốc để hát bài quan họ Bắc Ninh “Người ở đừng về” biến tấu theo phong cách pop. Điều đáng nói là cô ca sĩ này để lộ nguyên cặp đùi khêu gợi trông rất phản cảm. Ngay sau khi chương trình kết thúc, Hà Linh giải thích rằng bộ trang phục cô khoác trên người là của Nhà hát Tuồng Việt Nam và nó rất thuần Việt. Tuy nhiên một số nghệ sĩ tuồng khẳng định chưa bao giờ nhìn thấy trang phục của nghệ thuật tuồng nào lại hở như thế này.

Phải thừa nhận rằng, cách tân trang phục truyền thống, là sáng tạo nhằm làm nên sự mới lạ hấp dẫn cho trang phục. Tuy nhiên, nhiều người không khỏi đau lòng khi tận mắt chứng kiến nhiều nhà thiết kế, nghệ sĩ biến tấu trang phục dân tộc một cách phản văn hóa, đặc biệt là với tà áo dài – trang phục truyền thống của Việt Nam vốn đẹp duyên dáng, kín đáo nhưng vẫn khoe được nét gợi cảm của người phụ nữ.  Ấy vậy mà, nhiều ca sĩ, người mẫu nổi tiếng cũng không ngần ngại khoác chiếc áo dài được cách tân quá đà khiến hình ảnh đẹp đẽ vốn có của nó trở thành thảm họa. Ca sĩ Mai Khôi nhiều lần làm cho dư luận choáng váng khi diện những chiếc áo dài không giống ai. Lúc thì chiếc áo dài được cột xoáy tít phần tà kết hợp dây tua rua và quần đen bó sát để lộ hình săm trên eo, khi thì rộng thùng thình với tóc tai hồng rực. Không chỉ cách điệu về kiểu dáng, nhiều chiếc áo dài còn bị cắt khoét hở lưng, khoe ngực với chất liệu vải mỏng dính, trong suốt làm cho người mặc trở nên kệch cỡm.

Hình ảnh thảm họa khi cách tân áo dài

Văn hóa truyền thống bị xem nhẹ

Những dẫn chứng nêu trên cho thấy sự thiếu hiểu biết, sự xuống cấp về nhận thức văn hóa đáng lo ngại của một bộ phận công chúng, đặc biệt những người hoạt động trong giới nghệ thuật biểu diễn. Trao đổi với PV, ông Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam; giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam cho biết: “Chắc hẳn người ta không thể nhầm lẫn biến cái khăn thành cái khố. Sự việc chiếc khăn piêu biến thành caí khố xuất hiện trong một chương trình truyền hình trực tiếp phát sóng toàn quốc thể hiện sự tùy tiện, cẩu thả, thiếu tôn trọng của ban tổ chức chương trình. Sai lầm khó có thể chấp nhận này không chỉ chứng tỏ sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu ý thức của nhà đài mà còn làm xúc phạm nghiêm trọng đến văn hóa tín ngưỡng, tình cảm của người dân tộc Thái. Đối với người Thái, chiếc khăn piêu là bộ mặt của người phụ nữ. Không phải chiếc khăn piêu nào cũng giống nhau. Nó thể hiện tâm tính, cá tính của mỗi người.”

Trang phục truyền thống là nét đẹp văn hóa, chứa đựng giá trị lịch sử, giá trị nhân văn sâu sắc. Nó không phải là sự pha tạp, lai căng, lắp ghép theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” như chuyện chiếc khăn piêu biến thành cái khố hay như hát quan họ Bắc Ninh lại mặc hở hang giống trang phục cổ trang Trung Quốc… “Trang phục dân tộc đưa lên sân khấu truyền hình ngày một biến dạng, khiến nhiều người xót xa. Người ta có quyền cách tân, như áo dài Việt Nam được định hình từ những năm 60 và sau đó được phát triển, theo phong cách địa phương phù hợp với nhu cầu nhưng vẫn phải giữ cái cốt cách, cái đẹp của trang phục ấy. Nếu cách tân làm đẹp thì nên chấp nhận còn nếu không đẹp, không phù hợp cần phải loại trừ”, ông Ngô Đức Thịnh khẳng định.

Việc cách tân, phá cách trang phục để phục vụ biểu diễn là việc làm đáng ủng hộ. Tuy nhiên sáng tạo, phá cách như thế nào để bộ trang phục ấy vẫn mang tính nghệ thuật, vẫn tôn lên nét đẹp nguyên bản vốn có mà tạo sự mới mẻ hấp dẫn đòi hỏi người trong nghề phải am hiểu văn hóa vùng miền. Không phải cứ hở là đẹp!

Lưu Nhi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này