Phải đưa được các vướng mắc trong thực tiễn vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

12:17 | 10/06/2023
(LĐTĐ) Theo đại biểu Lại Thế Nguyên, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, càng ngày chúng ta càng nhận thức rõ tầm quan trọng của Luật Đất đai. Bởi nó không chỉ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nâng cao đời sống, giải quyết việc làm cho người dân mà còn là hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất, bảo vệ người thực thi pháp luật, bảo vệ tài sản quan trọng nhất của quốc gia.
Sửa đổi Luật Đất đai: Phải gỡ nút thắt hài hòa lợi ích Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Làm rõ quy hoạch sử dụng đất Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường

Thảo luận ở Tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đa số đại biểu đều tán thành sự cần thiết phải sớm ban hành Luật Đất đai sửa đổi để điều tiết các mối quan hệ xã hội, tránh tình trạng như vừa qua.

Phải “hóa giải” các vướng mắc trong thực tiễn vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Các đai biểu thảo luận tại Tổ (Ảnh QH)

Trên góc độ thu hồi đất, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị xem xét lại quy định bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi vì mục đích quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội đối với hộ gia đình, cá nhân nằm trong trường hợp không phải là đất thuê trả tiền hàng năm. Đồng thời, đề nghị nên thành lập tổ chức phát triển Qũy đất ở cấp tỉnh, không nên thành lập ở cấp huyện; Không nên quy định buộc phải đấu giá, đấu thầu đất 5% mà nên giao cơ quan có thẩm quyền xác định giá rồi giao cho người dân làm, nhằm tránh tình trạng bỏ hoang đất như hiện nay…

Nhấn mạnh đến công tác bồi thường, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc tại Điều 75 dự thảo Luật liên quan đến mục đích, tiêu chí trường hợp phải tiến hành thu hồi, việc thu hồi phải đem lại lợi ích trước mắt cũng như lâu dài cho quốc gia, cộng đồng và tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi.

Theo đại biểu Sơn, vấn đề có tính nguyên tắc, Nhà nước chỉ thực hiện thu hồi đất đối với các dự án đầu tư công hoặc dự án theo hình thức đối tác công tư, các dự án công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh và một số dự án công trình phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia và cộng đồng khác. Do đó, đề nghị dự thảo Luật sửa theo hướng cho phép người có đất ở thu hồi đủ điều kiện bồi thường thì được lựa chọn phương án bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng hoặc tiền, hoặc đất có mục đích sử dụng khác. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải tôn trọng lựa chọn người có đất bị thu hồi hoặc quy định theo thứ tự lựa chọn.

“Nhà nước có dự thảo phương án bồi thường thì dựa trên mong muốn của người bị thu hồi đất về việc bồi thường bằng đất, hoặc đất ở, đất khác, hoặc bằng tiền để xây dựng phương án quyết định bồi thường. Đề nghị xem xét, ghi nhận việc tham gia ý kiến của người dân trong quá trình xác định giá đất…”, đại biểu Sơn nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận tại thảo luận tổ các đoàn Thanh Hóa, Kon Tum và Tiền Giang, đai biểu Lại Thế Nguyên (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) nhấn mạnh, Luật Đất đai là dự án Luật đặc biệt quan trọng, nên ngoài các nguyên tắc sửa đổi Luật Đất đai, đề nghị phải quán triệt thêm một nguyên tắc nữa đó là phải đưa được tất cả các tình huống vướng mắc trong thực tiễn lâu nay trong thực hiện Luật Đất đai năm 2013 vào Dự thảo này để tháo gỡ. Đặc biệt là các vấn đề: Khi nào đấu giá, khi nào không đấu giá đất? Khi nào đấu thầu, khi nào không đấu thầu dự án sử dụng đất, thời điểm giao đất? Giá đất và phương pháp tính giá đất; phương án bồi thường tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất....

Riêng Điều 4 quy định về áp dụng pháp luật, đại biểu Nguyên đề nghị bổ sung thêm một khoản để xử lý tình huống thực tế hiện nay có nhiều vướng mắc trong triển khai dự án trong khu đất chuẩn bị tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án mà có đất, có một số diện tích đất công hoặc là tài sản công trên đất. “Vì vậy, đề nghị trong điều này cần phải có một khoản quy định là phần diện tích đất do Nhà nước quản lý trong các khu đất thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án không phải thực hiện thủ tục sắp xếp lại, xử lý nhà đất, tài sản trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, như quy định tại dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh”, đại biểu Lại Thế Nguyên cho hay.

H.L-CTV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này