Lựa chọn nhân sự đủ tiêu chuẩn để tham gia tổ chức thi tốt nghiệp THPT

16:35 | 08/06/2023
(LĐTĐ) Để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2023, các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần lựa chọn nhân sự đủ tiêu chuẩn, có tinh thần trách nhiệm để tham gia tổ chức thi và thanh tra, kiểm tra thi, nhất là những khâu mang tính then chốt trong quá trình tổ chức kỳ thi như in sao đề thi, coi thi, chấm thi…
Hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 140 học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông

Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi Giám đốc các Sở GD&ĐT; Giám đốc các Đại học, Học viện cùng Hiệu trưởng các Trường Đại học về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023.

Theo Bộ GD&ĐT, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 giữ ổn định về cơ bản như năm 2022, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT, cung cấp thông tin phục vụ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và làm một trong các căn cứ xét tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp. Kỳ thi diễn ra tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với sự tham gia của hơn 1 triệu thí sinh và khoảng 250.000 giáo viên, viên chức, công chức của ngành Giáo dục và các cơ quan liên quan; các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Để tổ chức tốt kỳ thi và công tác tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT tăng cường tuyên truyền nhằm thông tin kịp thời, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, những nội dung cơ bản của kỳ thi và công tác tuyển sinh năm 2023; phổ biến, quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 29/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Quy chế thi tốt nghiệp THPT và Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non hiện hành và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Cùng đó, các Sở GD&ĐT cần khẩn trương ban hành các văn bản liên quan đến công tác tổ chức kỳ thi thuộc thẩm quyền và tham mưu các cấp chính quyền các giải pháp chỉ đạo để bảo đảm tổ chức kỳ thi và công tác tuyển sinh nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn. Đặc biệt cần xây dựng phương án dự phòng để ứng phó, xử lý các tình huống bất thường, nhất là phương án dự phòng cho trường hợp thời tiết khắc nghiệt hoặc phát sinh thiên tai, dịch bệnh.

Các Sở GD&ĐT cần lựa chọn nhân sự đủ tiêu chuẩn, có tinh thần trách nhiệm để tham gia tổ chức thi và thanh tra, kiểm tra thi, nhất là những khâu mang tính chất then chốt trong quá trình tổ chức kỳ thi như in sao đề thi, coi thi, chấm thi; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho những người tham gia tổ chức thi theo kế hoạch. Trong quá trình tập huấn cần tổng hợp các điểm mới, dự báo các tình huống có thể xảy ra và cách xử lý tình huống để phổ biến cho những người tham gia (khuyến khích có các bài kiểm tra sau tập huấn và cá thể hóa đối tượng tập huấn) bảo đảm các thành phần tham gia tổ chức kỳ thi đều nắm vững quy chế, thuần thục nghiệp vụ. Quán triệt và khuyến khích những người tham gia tổ chức thi thực hiện phương châm bốn “ĐÚNG” và ba “KHÔNG”: Đúng quy chế và hướng dẫn; đúng/đủ quy trình; đúng vị trí và chức trách; đúng thời điểm (kịp thời xử lý tình huống bất thường); không lơ là, chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực thái quá.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an triển khai các giải pháp phòng, chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận, nhất là trong bối cảnh đang có sự diễn biến trở lại hoạt động quảng cáo, mua bán các loại thiết bị ngụy trang, thiết kế tinh vi, siêu nhỏ có tính năng ghi âm, ghi hình... dễ sử dụng để gian lận thi cử. Các Hội đồng thi chỉ đạo các điểm thi phổ biến, kiểm tra, nhắc nhở thí sinh để bảo đảm các vật dụng mang vào phòng thi (bao gồm cả các vật dụng thiết yếu liên quan đến việc bảo đảm sức khỏe bản thân) không chứa thông tin phục vụ mục đích gian lận thi cử và không có các tính năng lưu trữ, thu phát, truyền, nhận thông tin dưới mọi hình thức. Các trường hợp vi phạm (dù vô tình hay cố ý) đều bị xử lý theo quy định.

Với các cơ sở giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT yêu cầu bố trí đầy đủ cán bộ, giảng viên đủ tiêu chuẩn tham gia công tác thanh tra kỳ thi; chủ động phối hợp với Sở GD&ĐT địa phương trong mọi hoạt động liên quan; xây dựng và triển khai kế hoạch tuyển sinh, bảo đảm quyền tự chủ tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục đại học; thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch phương án tuyển sinh, các quy định về tuyển sinh, kết quả tuyển sinh của đơn vị theo quy định của Quy chế tuyển sinh và các văn bản hướng dẫn tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

T.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này