Doanh nghiệp gồng mình giữ việc làm cho người lao động

16:52 | 08/06/2023
(LĐTĐ) Từ cuối năm 2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và các tỉnh lân cận liên tục gặp khó khăn về đơn hàng, khiến một số đơn vị buộc phải sa thải người lao động. Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp đang xoay xở tìm cách tạo việc làm, giữ chân người lao động để có nguồn lực sản xuất nếu đơn hàng phục hồi.
Tiến độ các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.HCMThi tuyển sinh lớp 10 TP.HCM: Hai thí sinh bị đình chỉ vì mang điện thoại vào phòng thiTP.HCM: Chấn chỉnh trách nhiệm làm việc của cán bộ, cơ quan hành chính

Khó khăn vì thiếu đơn hàng

Từ năm 2022 đến nay, do ảnh hưởng của chiến sự Nga với Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao... đã khiến đơn hàng xuất khẩu của nhiều công ty tại TP.HCM nói chung và cả nước nói riêng gặp nhiều ảnh hưởng. Tác động lớn nhất có thể thấy rõ qua việc hàng loạt doanh nghiệp ngành may mặc ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam liên tục giảm giờ làm, cắt giảm công nhân.

Cụ thể, tại TP.HCM, Công ty May Sun Ky Oung Việt Nam (quận 12) cắt giảm hơn 800 người, Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) cắt giảm 1.185 người, Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) thông báo cắt giảm hơn 1.400 người, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) cắt giảm hai đợt với hơn 8.000 người...

Tại tỉnh Đồng Nai, Công ty TNHH Pousung Việt Nam giảm 1.000 người, Công ty TNHH Pou Phong Việt Nam giảm 227 người và Công ty TNHH Taekwang MTC Vina chấm dứt hợp đồng với gần 800 người. Tại tỉnh Bình Dương, hơn 36.000 lao động bị giãn việc, mất việc do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giải thể hoặc tạm dừng sản xuất - kinh doanh trong 4 tháng đầu năm 2023.

Doanh nghiệp gồng mình giữ việc làm cho người lao động
Công nhân Công ty Pouyuen giờ tan ca.

Trước tình hình trên, các doanh nghiệp nhất là ở ngành may mặc đang rơi vào thế khó khi vừa phải duy trì hoạt động vừa phải tìm cách duy trì một số lượng lao động vừa phải để có nguồn lực sản xuất nếu đơn hàng phục hồi. Bà Lê Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Công đoàn Công ty Top Royal Flash Việt Nam cho biết, công ty hiện đang tìm đủ mọi cách để không cắt giảm nhân sự, thậm chí còn nhận thêm những lao động thất nghiệp của doanh nghiệp khác về đào tạo, dạy nghề.

Theo bà Bích, công ty gặp khó khăn từ năm 2021, lúc đó chuẩn bị xuất khẩu 10 container áo thể thao sang Nga nhưng gặp ngay lúc chiến sự bất ổn. Đối tác không nhận hàng, công ty đành “ôm” gần cả năm trời rồi tìm đối tác khác để xuất lại nhưng chấp nhận giá thấp. Khó khăn là vậy, nhưng công ty vẫn duy trì phúc lợi cho người lao động như hỗ trợ nhà trọ 200.000 đồng/tháng, xăng dầu 50.000 đồng/tháng…

“Mất khách hàng này mình tìm khách hàng khác, nhưng mất lao động là mất tất cả. Công ty chấp nhận giảm lương của lãnh đạo, cán bộ công đoàn để bảo toàn các chế độ cho người lao động với mức lương trung bình từ 6-10 triệu đồng/tháng, tìm cách giảm bớt chi phí quản lý, hàng sản xuất ra phải đạt chất lượng và hạn chế chỉnh sửa… Hiện nay đơn hàng đã ổn định đến hết năm 2023”, bà Bích nói.

Ông Trần Thái Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Qui Phúc chuyên sản xuất tủ bàn ghế nhựa - inox chia sẻ tin vui khi 5 tháng đầu năm đã đạt 200% kế hoạch đề ra trong năm 2023. “Điều này sẽ giúp 1.400 công nhân, người lao động tại công ty có công ăn việc làm ổn định, có chi phí, ổn định cuộc sống”, ông Nguyên khẳng định.

Theo ông Nguyên, hơn 40 năm trên thương trường, chưa bao giờ công ty phải căng mình lo giữ đơn hàng, giữ việc cho người lao động như giai đoạn vừa qua. Đoán định xuất khẩu khó khăn, công ty tập trung đầu tư vào chất lượng, mẫu mã và sự khác biệt... Hiện, mỗi tháng công ty đưa ra thị trường trung bình từ 4 - 5 triệu sản phẩm, xuất khẩu đến 20 quốc gia, trong đó chủ yếu là Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Lào… Nếu có thêm đơn hàng, công ty dự định sẽ tuyển thêm lao động bị cắt giảm ở nơi khác.

Giữ chân lao động chờ phục hồi

Chấp nhận những đơn hàng giá thấp nhưng số lượng lớn là cách mà ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may mặc Dony (huyện Bình Chánh) đang làm để giữ chân người lao động, giữ thị trường sản xuất trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, công ty cũng đang mở rộng thêm bộ phận thiết kế, làm hàng mẫu để giới thiệu cho các đối tác thay vì chờ hàng gia công một cách bị động. Nhờ những nỗ lực đó, công ty vẫn đảm bảo thu nhập tốt cho người lao động.

Cũng tìm cách duy trì việc làm cho người lao động, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jeans cho biết, những sản phẩm trước đây công ty không nhận làm thì bây giờ sẽ quay lại làm. Trong ngắn hạn, công ty tiếp tục khai thác thị trường Úc, Canada - các thị trường đang cần số lượng lớn sản phẩm có giá thành hợp lý.

Doanh nghiệp gồng mình giữ việc làm cho người lao động
Ngành may mặc liên tục gặp khó khăn từ sau dịch Covid-19 đến nay. Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn

“Phía sau 1.000 công nhân là kèm theo khoảng 4.000 người khác, do đó công ty vẫn đang cố gắng cầm cự để giữ chân người lao động”, ông Việt nói và cho biết công ty đã định vị lại về sản phẩm, thị trường, thậm chí khai thác thêm các thị trường ngách, sản phẩm ngách.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh (huyện Hóc Môn) cho rằng, trong khó khăn, doanh nghiệp cố cầm cự, sản xuất chậm lại, tận dụng thời gian này để huấn luyện lại công nhân, thay đổi thiết bị, công nghệ và chờ đợi… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải bắt tay hợp tác, kết hợp lại với nhau để chuẩn hóa lại chuỗi cung ứng, giảm chi phí không cần thiết.

Theo TS. Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, hiện nhiều doanh nghiệp đang gồng lỗ để giữ việc làm, thu nhập cho người lao động. Những doanh nghiệp như vậy rất đáng được hỗ trợ, đồng hành với họ để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

“Về lâu dài, Thành phố cần đẩy mạnh thay đổi cơ cấu thị trường lao động, ưu tiên thu hút lao động có tay nghề và qua đào tạo, hướng đến thị trường lao động chất lượng cao. Có như vậy, thị trường lao động - việc làm của thành phố mới ổn định, phát triển bền vững”, TS. Đỗ Thanh Vân nói.

Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực phía Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất luân phiên, đặc biệt công nhân có tay nghề cần có chính sách hỗ trợ để giữ chân; cơ quan quản lý nhà nước cần xem rõ những ngành nghề nào đang bị tác động, ngành nào có nhu cầu tuyển dụng để điều phối thị trường. Đồng thời, cần đào tạo nghề, nâng cao trình độ để chuyển việc hiệu quả hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP.HCM, thị trường lao động trong thời gian tới có thể vẫn còn bị ảnh hưởng và trầm lắng vì nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn tìm cách phục hồi đơn hàng, giữ việc làm cho người lao động, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may - giày da, bất động sản, xây dựng, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ...

Dự kiến trong quý 2/2023, có 71,78% doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động như cũ, 20,95% doanh nghiệp tăng lượng lao động và 7,27% doanh nghiệp dự kiến giảm lao động. Nguyên nhân giảm lao động chủ yếu là do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, không tái ký hợp đồng hết hạn. Đánh giá về triển vọng sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2023, Sở LĐTBXH cho biết, đa phần các doanh nghiệp có nhận định lạc quan với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Hỗ trợ tìm việc cho công nhân

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, ngay sau khi có thông tin về việc cắt giảm lao động tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, trung tâm này đã cùng với Sở LĐTBXH TP.HCM đến và làm việc với Ban lãnh đạo Công ty PouYuen để nắm bắt tình. Đây là đợt công ty PouYuen cắt giảm 4.440 lao động từ ngày 1/7/2023.

Trung tâm đã chủ động phối hợp với Công ty Pouyuen, phát 4.400 phiếu khảo sát người lao động bị cắt giảm việc làm để nắm bắt nguyện vọng tìm kiếm việc làm, đào tạo nghề của người lao động. Sau đó, Trung tâm đã thu về được 2.429 phiếu khảo sát.

Trong số này, lao động có nhu cầu nhận trợ cấp thất nghiệp tại TP.HCM là 1.210 phiếu; Có nhu cầu chuyển tỉnh là 1.202 phiếu, không có nhu cầu học nghề và không có nhu cầu tìm việc là 800 phiếu, có nhu cầu tìm việc nhưng không có nhu cầu học nghề là 294 phiếu, có nhu cầu học nghề và có nhu cầu tìm việc là 102 phiếu, có nhu cầu học nghề nhưng không có nhu cầu tìm việc là 14 phiếu và có nhu cầu xuất khẩu lao động là 26 phiếu.

Hiện tại, thực hiện chỉ đạo của Sở LĐTBXH TP.HCM, Trung tâm đã xây dựng dự thảo kế hoạch giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp và tư vấn kết nối việc làm cho lao động bị cắt giảm tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam. Đồng thời, tổ chức giới thiệu việc làm cho công nhân có nhu cầu.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này