TP.HCM: Ban hành quy trình phối hợp xử lý các vụ xâm hại, bạo lực trẻ em

09:02 | 02/06/2023
(LĐTĐ) Để giải quyết, xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục một cách nhanh chóng, chính xác, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã ban hành quy trình nhằm chi tiết hóa cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các ngành, cụ thể hóa trách nhiệm của các cá nhân, tập thể từ cấp cơ sở xã, phường, thị trấn, quận, huyện đến các ngành; xử lý đồng bộ, nhanh chóng, nghiêm minh các vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam lên tiếng vụ nhóm thanh niên xâm hại bé gái 15 tuổi Khởi tố vụ án phát tán tin giả về việc "nữ sinh Trường HUFLIT tự tử do bị xâm hại" TP.HCM: Tập huấn kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em

Theo đó, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo ngay cho nơi tiếp nhận thông tin khi phát hiện hoặc có thông tin về trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Nơi tiếp nhận thông tin bao gồm: UBND phường, xã, thị trấn nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi trẻ em cư trú, công an nơi xảy ra vụ việc, số điện thoại nóng 113 (Công an Thành phố), 1900 54 55 59 (Trung tâm công tác xã hội trẻ em Thành phố), 1800 90 69 (Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM), 111 (Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em), cơ quan lao động thương binh và xã hội (LĐTBXH) các cấp.

Đối với các trường hợp đặc biệt, Phòng LĐTBXH, Trung tâm Công tác xã hội Trẻ em Thành phố, Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới phối hợp đến địa bàn để trực tiếp hướng dẫn UBND phường, xã, thị trấn thực hiện công tác can thiệp, trợ giúp, lập hồ sơ theo dõi, quản lý ca. Thực hiện biện pháp can thiệp, cách ly trẻ là nạn nhân của bạo lực, xâm hại ra khỏi môi trường có nguy cơ tái bạo lực, xâm hại và chuyển gửi trẻ em đến cơ sở bảo trợ xã hội theo chức năng

TP.HCM:  Ban hành quy trình phối hợp xử lý các vụ xâm hại, bạo lực trẻ em
Các vết thương của em Nguyễn Thanh Châu (15 tuổi, quê Quảng Bình, tên nạn nhân đã được đổi) bị xâm hại bởi 3 đối tượng tại Heo Mán Mẹt, TP.HCM ngày 3/10/2022. Ảnh NNCC.

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH TP.HCM, trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 1,8 triệu trẻ em, trong đó trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chiếm hơn 10.000 trẻ, trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng hơn 19.500 trẻ. Năm 2021, TP.HCM có 114 trẻ em bị xâm hại, năm 2022 tăng lên 147 trẻ và trong 4 tháng đầu năm 2023 đã có 65 trẻ bị xâm hại.

Đáng chú ý, việc xâm hại trẻ em trước đây thường xảy ra ở nơi vắng vẻ thì giờ xuất hiện nhiều ở nơi công cộng, độ tuổi bị xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại không chỉ là người lao động phổ thông có trình độ dân trí thấp mà đã phát sinh từ những người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ, có địa vị xã hội.

Thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng "lòng tốt" nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi xâm hại trẻ em. Các dạng hành vi xâm hại trẻ em phố biến là giết, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, giao cấu, dâm ô, bắt cóc, mua bán...

Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực

Để đảm bảo an toàn, kịp thời điều trị cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục, Sở LĐTBXH TP.HCM đã phối hợp ra mắt mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực tại Bệnh viện Hùng Vương (128 Hồng Bàng, phường 12, quận 5).

Đây là hoạt động nằm trong chương trình TP.HCM an toàn cho phụ nữ và trẻ em do UBND TP.HCM thực hiện. Mô hình một cửa sẽ thực hiện chức năng tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị, tư vấn và cung cấp dịch vụ tại chỗ cho bệnh nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Nếu cần nơi tạm lánh khẩn cấp, nhân viên Công tác xã hội Bệnh viện Hùng Vương sẽ chuyển gửi nạn nhân tới Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên TP.HCM (địa chỉ tại số 14 Nguyễn Văn Bảo, phường 4, quận Gò Vấp) để chăm sóc và nuôi dưỡng, can thiệp trị liệu và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu khác theo nhu cầu.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này