Mở “lối thoát thứ 2” để phòng hoả hoạn

08:45 | 01/06/2023
(LĐTĐ) Tại Hà Nội, thời gian qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy, nổ; trong đó có những vụ để lại hậu quả nghiêm trọng, đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) là nhiệm vụ quan trọng, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, hàng ngày.
Quyết liệt ngăn chặn “giặc lửa” Quận Đống Đa: Xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy

Trong thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã thành lập Tổ liên gia an toàn PCCC. Mô hình đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo đảm an toàn PCCC&CNCH của các hộ gia đình; qua đó thúc đẩy người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về PCCC.

Mở “lối thoát thứ 2” để phòng hoả hoạn
Người dân chủ động mở “lối thoát nạn thứ 2”.

Mới đây, quận Ba Đình đã đồng loạt ra mắt 43 tổ liên gia an toàn PCCC, 124 điểm chữa cháy công cộng và trao tặng 1.702 bình chữa cháy cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Theo đó, mô hình tổ liên gia an toàn PCCC được thành lập từ 5-15 hộ gia đình sinh sống, sản xuất liền kề nhau. Mỗi gia đình cần trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay và 1 dụng cụ phá dỡ: Xà beng, búa, rìu...; lắp đặt hệ thống chuông báo cháy. Bên cạnh đó, mỗi thành viên của gia đình đều được hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng điện thoại “báo cháy 114” để thông báo khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố.

Theo Chủ tịch UBND phường Giảng Võ Nguyễn Ngọc Chiến, việc ra mắt các tổ liên gia PCCC cũng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC tới từng hộ gia đình. Đồng thời, giúp người dân nắm bắt được những kiến thức cơ bản nhất về PCCC, góp phần làm giảm nguy cơ cháy, nổ và kịp thời xử lý khi có cháy nổ. Việc ra mắt mô hình tổ liên gia an toàn PCCC sẽ xây dựng mối đoàn kết gắn bó giữa các hộ gia đình trong khu dân cư; gắn với việc xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng” với phong trào toàn dân phòng chống tội phạm, góp phần xây dựng địa phương, bảo đảm an toàn PCCC và không tội phạm.

Được biết, lực lượng chức năng quận Ba Đình đã tuyên truyền về an toàn PCCC cho hơn 43.520 hộ gia đình, đạt 99%, trang bị bình chữa cháy cho 37.275 hộ dân, đạt 85%; tập huấn và trang bị bình chữa cháy cho 100% hộ sản xuất, kinh doanh; ra mắt 44/66 tổ liên gia an toàn PCCC, đạt 66,7%; 129/387 điểm chữa cháy công cộng, đạt 33,3%.

Tương tự, tại quận Hoàn Kiếm, nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn PCCC, khi được chính quyền địa phương vận động tham gia Tổ liên gia an toàn PCCC, gia đình ông Nguyễn Văn Đạt (phố Hàng Hòm, phường Hàng Gai) lập tức đồng ý. “Mô hình hiệu quả, thiết thực đối với những khu vực có diện tích nhỏ, nhiều ngõ sâu, đông dân cư và có hoạt động buôn bán sầm uất như Hàng Hòm. Bên cạnh việc nhân rộng mô hình, chúng tôi mong muốn thường xuyên được tập huấn, diễn tập về công tác PCCC để nâng cao kỹ năng PCCC”, ông Nguyễn Văn Đạt chia sẻ.

Tại quận Thanh Xuân, lực lượng PCCC tại chỗ đóng vai trò rất quan trọng trong việc xử lý kịp thời, hiệu quả các tai nạn, sự cố, cháy nổ ngay từ ban đầu. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Thắng - Phó Trưởng Công an quận Thanh Xuân: Mô hình được thành lập và nhân rộng sẽ thúc đẩy, phát huy tối đa hiệu quả của công tác PCCC theo phương châm “4 tại chỗ” ở trong dân, đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ Công an: “Lực lượng ở trong dân, phương tiện ở trong dân, hậu cần ở trong dân và chỉ huy ở trong dân”. Việc thành lập các Tổ liên gia an toàn PCCC đã giúp xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ, được trang bị kỹ năng chữa cháy, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng để phản ứng kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra. Có thể thấy, đây là một mô hình thiết thực, cần tiếp tục nhân rộng trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Để tạo an toàn khi cháy nổ có thể xảy ra trong bối cảnh nhiều nhà dân vẫn duy trì hệ thống khung sắt chống trộm, thời gian qua các địa phương đã chủ động vận động người dân nâng cao ý thức PCCC. Ví dụ, tại quận Thanh Xuân, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn quận Thanh Xuân đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC&CNCH, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với công tác PCCC&CNCH. Gia đình bà Nguyễn Thị Tâm (khu tập thể G1, phường Thanh Xuân Bắc) sinh sống tại khu tập thể này từ năm 1989. Ý thức được những rủi ro từ các vụ hoả hoạn xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, gia đình bà Tâm đã chủ động mở “lối thoát thứ 2” từ các "chuồng cọp" cơi nới để thoát thân khi có sự cố. Ngoài ra bà Tâm còn mua thêm bình chữa cháy và dây thừng chịu tải lớn, sẵn sàng thoát nạn khi có sự cố xảy ra. Không chỉ riêng bà Tâm, mà 100% các hộ gia đình ở khu tập thể G1, phường Thanh Xuân Bắc sau khi được chính quyền địa phương vận động, đã ý thức được tầm quan trọng; cũng như chủ động mở “lối thoát thứ 2” từ các “chuồng cọp”.

Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc Nguyễn Hoàng Điệp cho biết, lối thoát hiểm thứ 2 đa dạng có thể ở trên tầng thượng hoặc bố trí ngay các tầng dưới. Tùy từng mô hình, kiến trúc, chúng tôi sẽ tư vấn cho người dân, làm sao để từ các khu vực trong nhà có thể di chuyển đến lối thoát hiểm thứ 2 nhanh nhất.

…Hiện đang là thời điểm hè, nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng, cùng với thời tiết nắng nóng tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Để công tác đảm bảo an toàn PCCC thật sự hiệu quả, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng Cảnh sát PCCC thì ý thức chủ động phòng chống cháy, nổ từ mọi người dân cũng là yếu tố tiên quyết để hạn chế các sự cố cháy, nổ đáng tiếc xảy ra.

Minh Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này