Một bệnh nhân ngộ độc botulinum tử vong trước khi kịp dùng thuốc giải

13:07 | 25/05/2023
(LĐTĐ) Tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), một bệnh nhân nam 45 tuổi bị ngộ độc botulinum do ăn mắm để lâu ngày đã tử vong trước khi kịp dùng thuốc giải độc.
Nhiều học sinh cấp cứu vì ngộ độc thuốc lá điện tử 2 mẹ con nhập viện điều trị vì ngộ độc do phẩm màu TP.HCM: Cứu sống 3 trẻ nghi ngộ độc botulinum do ăn chả lụa bán dạo

Ngày 25/5, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM thông tin, vào tối 24/5, bệnh nhân nam 45 tuổi (ngụ thành phố Thủ Đức) là 1/6 bệnh nhân (3 trẻ em và 3 người lớn) ngộ độc botulinum đang điều trị tại TP.HCM đã tử vong.

Theo đó, bệnh nhân này được xác định chẩn đoán ngộ độc botilinum type A, là một trong những type rất nặng, hội chẩn với các chuyên gia về ngộ độc nhận định nguy cơ tử vong cao.

Vào 20h ngày 24/5, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiếp nhận lọ thuốc giải độc tố botilinum cho người bệnh từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nhưng trước đó, bệnh nhân này suy hô hấp phải thở máy, sụp mi, yếu tứ chi, cơ hô hấp. Bệnh nhân còn sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt, kèm mạch nhanh và huyết áp tụt dần. Đây là biến chứng nặng do độc tố đã ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ, bệnh nhân được hồi sức tích cực chuyên sâu, nhưng không đáp ứng điều trị và tử vong.

Một bệnh nhân ngộ độc botulinum tử vong trước khi kịp dùng thuốc giải
Thuốc giải độc BAT. Ảnh: BVCC

Trước đó, tối 24/5, Bộ Y tế đã chuyển 6 lọ thuốc giải độc botulinum gửi từ kho của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Thụy Sĩ về Việt Nam để điều trị ngộ độc khẩn cấp cho các bệnh nhân. Cụ thể, Bộ Y tế đã phân phối cho Bệnh viện Chợ Rẫy 2 lọ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định 1 lọ, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận 3 lọ còn lại.

Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy: Trường hợp ngộ độc botulinum, nếu được sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm, chỉ trong vòng 48 - 72 tiếng, bệnh nhân có khả năng thoát khỏi tình trạng bị liệt, không cần phải thở máy. Hoặc nếu thở máy, trong khoảng thời gian trung bình từ 5 - 7 ngày có thể hồi phục và cai máy thở.

Tuy nhiên trường hợp không có thuốc giải độc BAT, Bác sĩ phải điều trị hỗ trợ chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy. Vì chất độc của botulinum làm tổn thương hệ thần kinh dẫn tới liệt cơ, không thở được. Trước đây chưa có hỗ trợ về máy thở, hỗ trợ xâm lấn đường hô hấp, bệnh nhân sẽ rất dễ tử vong. Ngày nay đã có phương tiện hỗ trợ như thở máy, vấn đề điều trị ngộ độc sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên kết quả không được mong muốn như khi sử dụng thuốc.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này