Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

13:54 | 25/05/2023
(LĐTĐ) Mỗi ngư dân đánh bắt trên biển là những "cột mốc sống" góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo. Vì vậy, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ góp phần giúp ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật trong khai thác hải sản, bảo vệ ngư trường, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Kịp thời đưa ngư dân bị đột quỵ từ Trường Sa về đất liền Kịp thời đưa ngư dân gặp nạn từ Trường Sa về đất liền điều trị

Cần Giờ là huyện ngoại thành của TP.HCM, nằm về hướng Đông Nam, cách trung tâm thành phố 50km theo đường chim bay, là địa phương duy nhất của TP.HCM giáp biển với hơn 20km đường bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, có các cửa sông lớn của các con sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Huyện Cần Giờ cũng chiếm 1/3 diện tích TP.HCM, trong đó trên 70% là diện tích rừng ngập mặn và sông rạch.

Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM trao quà cho các ngư dân ở huyện Cần Giờ, trong khuôn khổ chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”.

Dân số huyện Cần Giờ đến nay, hơn 88.000 người, trong đó có khoảng 20.000 người dân sinh sống dựa vào biển. Trước đây, người dân chỉ khai thác thủy sản tự nhiên, thì nay tận dụng thế có biển để phát triển các ngành nghề liên quan đến thương mại, dịch vụ, du lịch. Hiện nay có 850 hộ dân trên địa bàn huyện sinh sống bằng nghề khai thác thủy sản, sản lượng khai thác đạt hơn 20.000 tấn/năm, tương ứng khoảng 55 tấn/ngày.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong những năm gần đây, TP.HCM đã đưa ra nhiều định hướng phát triển kinh tế biển, hướng về phía Đông mà cụ thể là định hướng phát triển Cần Giờ thành khu đô thị du lịch sinh thái biển. Sắp tới TP.HCM còn chuẩn bị đầu tư xây dựng cảng trung chuyển logictics Cần Giờ với quy mô lớn.

Theo ông Hoan, kinh tế biển của huyện Cần Giờ còn nhỏ so với sự phát triển kinh tế biển của cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Bà con ngư dân nuôi trồng thuỷ hải sản còn ít, chủ yếu khai thác đánh bắt gần bờ, chưa vươn xa. Vì vậy, cần hướng đến giúp ngư dân trở thành những doanh nghiệp làm kinh tế biển, bao gồm có du lịch biển, nuôi trồng thuỷ hải sản logictis, chế biến thuỷ hải sản…

Ông Hoan cho biết, việc xuất khẩu thuỷ hải sản đến các thị trường khó tính, đòi hỏi cao nên thuỷ hải sản của chúng ta chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, việc khai thác bất hợp pháp, không đúng vùng biển của mình hiện nay sẽ không được xuất khẩu. Trong khi đó ngành thuỷ hải sản là ngành lớn, với điều kiện bờ biển dài, nếu không làm tốt quy trình, quy định thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Do đó, việc nâng cao ý thức của người dân về vấn đề này là rất cần thiết.

"Dân bám biển cũng có nghĩa là chủ quyền Việt Nam đã được khẳng định. Chúng ta sẽ có nhiều đội tàu hơn, chúng ta đoàn kết, thống nhất lại, cùng hợp tác để đi khai thác biển, khai thác xa bờ đúng pháp luật, đúng vùng biển của mình và vùng biển quốc tế. Như vậy chúng ta mới thành công được, mới giữ được biển đảo của chúng ta", ông Hoan nói.

Ông Hoan mong muốn người dân huyện Cần Giờ tự hào khi sống trong điều kiện có những tín hiệu tích cực về phát triển Cần Giờ. Ông tin rằng trong 50 năm nữa, sẽ thấy rõ sự thay đổi của huyện Cần Giờ. Do đó, thế hệ trẻ địa phương cần năng nổ học tập, làm việc để sống trong ngành biển, đô thị biển, có đóng góp tích cực cho địa phương và TP.HCM.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, thời gian qua, huyện Cần Giờ luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở địa phương. Cả hệ thống chính trị huyện đã thống nhất về nhận thức, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khai thác thủy sản, đặc biệt các quy định về khai thác thủy sản bất pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU).

Ông Hồng cho biết thêm, để hỗ trợ người dân, huyện Cần Giờ còn thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên để cho ngư dân đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản ra khơi, bám biển, tuyên truyền cho người dân các chính sách pháp luật về đánh bắt thủy sản, hỗ trợ ngư dân trang thiết bị thông tin liên lạc, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển khi có bão, thời tiết xấu.

Đồng thời, phối hợp với lực lượng biên phòng và các đơn vị liên quan hỗ trợ người dân về thủ tục đăng ký, đăng kiểm, gắn các thiết bị hành trình, thiết bị định vị để phục vụ việc quản lý tàu cá. Người dân cũng tích cực chấp hành các quy định về khai thác thủy sản. Theo đó, đến nay không phát hiện hành vi vi phạm về thiết bị giám sát hành trình tàu cá, vi phạm về khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Thời gian qua, huyện Cần Giờ đã phối hợp cùng các đơn vị tổ chức tuyên truyền, động viên, hỗ trợ ngư dân bám biển làm kinh tế. Đặc biệt là triển khai chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” tặng bình ắc quy, cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”, túi thuốc… để hỗ trợ cho ngư dân huyện Cần Giờ vươn khơi hiểu luật, bám biển bình an.

Ông Nguyễn Thành Được, ngư dân thị trấn Cần Thạnh cho biết, ông rất vui mừng, xúc động khi được lãnh đạo TP.HCM, Ban tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”… đến thăm hỏi, động viên. Ông Được chia sẻ, sau sự cố lật tàu cách đây khoảng bốn tháng, ông tạm thời chỉ ở nhà. “Được lãnh đạo TP.HCM chia sẻ, tôi thấy đỡ buồn hơn nhiều. Tôi sẽ cố gắng vực lại tinh thần, tính toán sửa ghe tàu để đi làm lại, nuôi cháu, nuôi em. Đợi khi có tàu mới tôi sẽ ra khơi an toàn, thuận lợi hơn”, ông Được nói.

Còn ngư dân Nguyễn Văn Sao, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thị trấn Cần Thạnh, cho hay hoạt động ra khơi khai thác thủy sản của ngư dân thời gian qua gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên ông cùng các ngư dân vẫn cố gắng vươn khơi bám biển để phát triển kinh tế, góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo tổ quốc.

Theo ông Sao, chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đã trao tặng ngư dân những phần quà hết sức thiết thực, phục vụ trực tiếp cho hoạt động đánh bắt trên biển, đặc biệt là cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”. “Những kiến thức từ cuốn cẩm nang sẽ giúp chúng tôi tuân thủ pháp luật về đánh bắt trên biển và đánh bắt an toàn. Tôi mong rằng chương trình sẽ phát huy được những ý nghĩa thiêng liêng này để giúp bà con ngư dân nhiều hơn nữa”, ông Sao chia sẻ.

Được biết, chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật cho bà con ngư dân khi đánh bắt, khai thác trên biển, góp phần thực hiện Kế hoạch hành động gỡ thẻ vàng IUU mà Thủ tướng đã ban hành. Đồng thời động viên, hỗ trợ ngư dân bám biển làm kinh tế, nâng cao đời sống của bà con ngư dân. Dự kiến chương trình được tổ chức tại 28 tỉnh, thành có biển trên cả nước trong 3 năm, từ năm 2023 - 2025.

Mới đây, báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” tại huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ban tổ chức đã tặng 200 cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”, 200 bộ quà cho 200 ngư dân huyện Cần Giờ (trị giá khoảng 4 triệu đồng/phần quà), gồm một bộ ắc quy + đèn LED và 200 túi thuốc chống nước cùng một số thuốc thông dụng giúp bà con xử lý nhanh các vấn đề về sức khỏe khi đánh bắt trên biển.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này