Hài kịch chiếm sóng truyền hình: Những gam màu sáng tối

07:26 | 17/01/2015
Xuất hiện đúng thời điểm các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc, người mẫu… đang có nguy cơ đi vào thoái trào, sự ra đời của các chương trình hài thực tế đã mang đến một luồng gió mới nhờ sự mới lạ về format. Tuy nhiên, sân chơi nào cũng có những gam màu sáng tối. Làm thế nào để hài thực tế không lăn theo vết xe đổ của các show truyền hình khác trong thời gian qua luôn là câu hỏi thách thức các nhà sản xuất chương trình.

“Món ăn lạ” trên truyền hình

Các chương trình truyền hình thực tế đặc biệt là các chương trình xây dựng từ format nước ngoài luôn mang đến cho người xem những món ăn tinh thần mới mẻ, sảng khoái nhất. Song, nhiều năm qua, tình trạng “mọc lên như nấm sau mưa” của các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc, người mẫu… khiến khán giả bội thực và ngày càng quay lưng với truyền hình thực tế.

Trước tình hình đó, nhiều chương trình hài thực tế như “Ơn giời Cậu đây rồi”, “Cười là thua”, “Hội ngộ danh hài”… liên tiếp lên sóng kịp thời “đổi món” cho khán giả. Được phát sóng trên kênh VTV3 – kênh giải trí hàng đầu quốc gia, chương trình hài thực tế “Ơn giời cậu đây rồi” đã tạo nên một sức hút mạnh mẽ và được đông đảo khán giả cả nước chờ đợi vào mỗi buổi tối thứ 7 hàng tuần.

Câu nói “Ơn giời! Cậu đây rồi!” cũng nhanh chóng trở thành câu cửa miệng được biến tướng muôn kiểu ngoài đời như một hiện tượng. Điều tạo nên sức hấp dẫn lớn nhất của chương trình chính là sự ngẫu hứng, bất ngờ của các tình huống cộng diễn xuất tự nhiên của các nghệ sĩ tham gia chương trình.

Thừa thắng xông lên, trong những tháng đầu năm 2015 có thêm nhiều chương trình hài tiếp tục lên sóng. Một chương trình hoàn toàn mới là “Gặp nhau để cười” quy tụ nhiều nghệ sĩ như Hồng Vân, Minh Nhí, Bảo Chung, Anh Vũ… sẽ lên sóng VTV9 từ ngày 12-1. Với thời lượng 30 phút, chương trình sẽ có phần talk show mở đầu, kết thúc và tương tác khán giả truyền hình bên cạnh tiểu phẩm hài.

Cũng trong tháng 1, chương trình “Chết cười” - phiên bản Việt của Anything Goes có nguồn gốc đầu tiên từ đài TF1 - Pháp, do Đài Truyền hình Việt Nam và BHD sản xuất sẽ lên sóng VTV3 vào lúc 20 giờ thứ bảy hàng tuần. Trong mỗi tập, các khách mời là các nghệ sĩ hài, ca sĩ, vũ công sẽ tham gia 6 trò chơi để vượt qua những thử thách. Chương trình “Người bí ẩn phần 2” cũng sẽ trở lại vào tháng 3 năm nay.

57062
Đạo diễn Phạm Đông Hồng:  Nên tạo sân chơi cho khán giả, những người nghiệp dư tham gia. Họ sẽ sáng tạo ra nhiều kịch bản mới. Đề tài, các tình huống sẽ được mở rộng, phong phú hơn chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi các nghệ sĩ, diễn viên - những gương mặt đã quá quen thuộc với khán giả truyền hình.

Đừng gây “bão”

Hài luôn là món ăn tinh thần khoái khẩu của số đông khán giả bởi “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”.  Tăng nhiều các chương trình giải trí hài, khán giả càng có thêm nhiều giây phút thư giãn giảm căng thẳng, mệt mỏi. Nhưng theo quan điểm của đạo diễn Phạm Đông Hồng, làm hài cũng có mặt được, mặt mất. Việc liên tục có những tiểu phẩm hài phục vụ người xem chắc chắn sẽ dẫn đến bí đề tài nên không tránh khỏi tình trạng nhạt nhẽo. Đạo diễn phim hài Tết “Chôn nhời” hóm hỉnh ví von rằng nó cũng giống như những bữa cơm hàng ngày ăn mãi sẽ chán.

Một số diễn viên hài cho rằng, muốn có một tình huống, một vở hài hay trước tiên phải có một kịch bản hay. Khán giả có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày một cao. Cười bây giờ không đơn giản là cười giải trí như trước kia, mà là cười suy ngẫm, có tính nhân văn. Điều này đòi hỏi đội ngũ diễn viên, đạo diễn, biên kịch phải ngày một hoàn thiện hơn để đáp ứng nhu cầu khắt khe của công chúng.

Quan điểm này của nhiều diễn viên hài lý giải vì sao “Ơn trời cậu đây rồi” tuy thu hút khán giả nhưng vẫn nhận được không ít lời chê bai. Nguyên nhân là do tính chất bất ngờ, không có kịch bản cố định nên đã có nhiều tình huống người chơi bị rơi vào thế “bí” mà có những hành động, ngôn từ dở khóc dở cười, gây phản cảm. Một món ăn ngon mới lạ, nhưng chế biến còn sống sượng khiến khán giả phải ngao ngán lắc đầu. Đạo diễn Phạm Đông Hồng thẳng thắn bày tỏ, các tình huống trong các chương trình hài thực tế nên nghiên cứu kỹ tránh những lời thoại, hành động nhạy cảm không phù hợp với đối tượng và độ tuổi khán giả xem truyền hình.

Các chương trình truyền hình thực tế âm nhạc đã qua thời hoàng kim phải nhường chỗ cho những sân chơi hài mới phù hợp với thời điểm hiện tại. Nhưng liệu ai dám chắc rằng, hài thực tế sẽ không rơi vào tình cảnh tương tự trong thời gian sắp tới.

Lưu Nhi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này