Nâng cao giá trị của gạo Việt Nam

13:24 | 09/05/2023
(LĐTĐ) Xuất khẩu gạo Việt Nam trong quý I/2023 đạt nhiều điểm sáng cả về số lượng, giá trị và thị trường. Tuy nhiên để duy trì tốc độ xuất khẩu, nhất là nâng cao vị thế gạo Việt Nam tại một số thị trường lớn, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Cơ hội để gạo Việt nâng cao giá trị thương hiệu Cần xây dựng thương hiệu gạo Việt tại thị trường Anh quốc

Thị trường ổn định, tăng giá trị xuất khẩu

Tại “Hội nghị đánh giá tình hình xuất khẩu gạo quý I/2023 và phương hướng điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới” do Bộ Công thương tổ chức vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết: Tính đến ngày 15/4, Việt Nam đã xuất khẩu được 2,371 triệu tấn gạo, trị giá 1,251 tỷ USD, tăng gần 34% về lượng và gần 45% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Nâng cao giá trị của gạo Việt Nam
Nhiều điểm sáng về xuất khẩu gạo Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023. Ảnh: Thanh Liêm

Còn theo ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương: Giá xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng gần 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một số thị trường truyền thống vẫn đạt được tăng trưởng tốt trong quý I/2023. Cụ thể, thị trường Indonesia (chiếm 8% trong tổng trọng lượng và 7,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam) ghi nhận mức tăng gần 180 lần về lượng và hơn 177 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022, đạt 148.500 tấn với giá trị xuất khẩu 69,7 triệu USD.

Đối với Philippines - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 48,3% tổng lượng xuất khẩu và 45,9% tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2023 của Việt Nam, cũng ghi nhận mức tăng 32,9% về lượng và tăng 44,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022 khi đạt 893.200 tấn với trị giá 450,4 triệu USD.

Còn tại thị trường Trung Quốc, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 340.300 tấn với trị giá 199 triệu USD, tăng 90,7% về lượng và tăng 118,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, một số thị trường khác ở khu vực Châu Á cũng đạt tăng trưởng cao như Singapore (tăng 30,7%), Đài Loan (Trung Quốc) (tăng gấp 3 lần)… Qua đó giúp nâng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam vào các thị trường Châu Á đạt gần 1,57 triệu tấn, chiếm hơn 84,7% tổng lượng xuất khẩu và tăng 52,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại thị trường Châu Âu, tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 1,7%) trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam nhưng vẫn đạt 32.000 tấn, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt là khu vực EU vốn ưa chuộng các dòng gạo thơm, gạo chất lượng cao vẫn tiếp tục có tăng trưởng mạnh mẽ như Hà Lan (đạt 4.600 tấn), Ba Lan (đạt 1.500 tấn), Bỉ (đạt 1.500 tấn)…

“Thực tế này cho thấy, chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng gia tăng, đáp ứng yêu cầu từ cả các thị trường khó tính, đồng thời cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam” – ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đánh giá.

Theo đánh giá của Bộ Công thương: Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đang đi đúng định hướng, chủng loại gạo trắng thường vẫn chiếm tỷ trọng ổn định; gạo thơm và gạo nếp ngày càng gia tăng trị giá xuất khẩu. Ngoài ra, xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tuy với tỷ trọng còn khiêm tốn nhưng đã làm đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam và khẳng định được giá trị hạt gạo xuất khẩu.

Đặc biệt, trong quý I/2023, có 1 doanh nghiệp xuất khẩu gạo hữu cơ, tuy còn khiêm tốn về lượng xuất khẩu nhưng đã cho thấy doanh nghiệp đã bước đầu chú trọng đầu tư bài bản, hướng tới xuất khẩu mặt hàng gạo giá trị cao, tạo đà thúc đẩy xuất khẩu chủng loại gạo hữu cơ trong thời gian tới.

Chinh phục thị trường lớn

Để tiếp tục phát huy giá trị xuất khẩu gạo trong quý II/2023 và thời gian tới, nhiều địa phương, ngành Công thương các tỉnh cũng như doanh nghiệp đã bàn thảo các giải pháp, từ nâng cao chất lượng đầu vào cho đến thị trường đầu ra.

Theo các ý kiến chuyên gia, giới quản lý Nhà nước và doanh nghiệp, hiện nay do nhiều nước tăng nhu cầu nhập khẩu gạo nên đầu ra cho gạo Việt Nam hiện rất tốt. Vấn đề hiện nay là cần tổ chức sản xuất để nâng cao chất lượng.

Theo đó, các địa phương và doanh nghiệp đều mong muốn xây dựng được cánh đồng liên kết với nông dân để mở rộng diện tích lúa gạo chất lượng cao, giúp nâng cao hơn nữa giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. Đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo cho rằng, cần phải quy hoạch lại vùng trồng, phát triển vùng nguyên liệu sản xuất để tạo thương hiệu, đáp ứng nguồn cung chất lượng, nhất là để xuất khẩu ở những thị trường lớn với giá phù hợp, cạnh tranh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam: Vấn đề của ngành gạo năm nay là khâu sản xuất và liên kết sản xuất sao để có các chủng loại gạo phù hợp với nhu cầu thị trường.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng nhìn nhận, mặc dù thị trường có nhiều tín hiệu tích cực, song để thúc đẩy tăng trưởng ngành gạo, thời gian tới, các hiệp hội, doanh nghiệp, đơn vị cần kiến nghị để Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo như Nghị định 103/2020/NĐ-CP (quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu), Nghị định 107/2018 (quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo để tạo tiền đề, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp)…

Ngoài việc sẽ tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược xuất khẩu gạo tầm nhìn đến năm 2030 để các doanh nghiệp, địa phương có cơ sở tổ chức triển khai đồng bộ. Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ cấu lại chủng loại giống đặc thù, mã vùng trồng phục vụ cho chiến lược xuất nhập khẩu gạo, cơ cấu lại thị trường … để nâng cao vị thế gạo Việt Nam tại một số thị trường tiêu thụ lớn.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các cam kết của Việt Nam cũng như nước bạn để doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại; tiếp tục phát huy vai trò liên kết giữa các thương nhân để định hướng xuất khẩu, chủ động đàm phán, giao dịch ký kết hợp đồng xuất khẩu có hiệu quả, nâng cao vị thế gạo Việt Nam tại một số thị trường tiêu thụ lớn.

Trần Tình

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này