Tạo nền tảng để giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn lớn mạnh

Kỳ 2: Dấu ấn những chính sách đặc thù vì người lao động

10:36 | 27/04/2023
(LĐTĐ) Lắng nghe ý kiến cử tri, người lao động (NLĐ), không ngừng hoàn thiện chính sách, pháp luật để hướng tới xã hội công bằng - dân chủ - văn minh, những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát trên cả nước, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết ứng phó kịp thời, hiệu quả, với tinh thần xuyên suốt: Không để ai bị bỏ lại phía sau. Từ những quyết sách đúng, trúng của Quốc hội, đã tạo được sự tin tưởng, an tâm trong NLĐ, giúp họ vững tin đồng hành với Đảng, Nhà nước vượt qua những giai đoạn cam go, thử thách.
Tổ chức Công đoàn cần được quyền chủ động trong bố trí, điều động cán bộ chuyên trách Đại biểu Quốc hội sẽ lắng nghe kiến nghị của công nhân lao động về các vấn đề "nóng" Kỳ 1: Từ Hiến pháp đến các đạo luật

Kỳ họp bất thường để giữ trạng thái bình thường

Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, tấn công vào các khu công nghiệp, khu chế xuất có đông công nhân lao động (CNLĐ), tác động tiêu cực đến thị trường lao động, ảnh hưởng nặng nề đến việc làm, đời sống, thu nhập của NLĐ và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động, ngày 24/9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên bất thường, và ngay trong ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, đồng ý sử dụng khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến hết năm 2020, để hỗ trợ NLĐ đang tham gia đóng BHTN.

Kỳ 2: Ban hành các chính sách đặc thù ổn định thị trường lao động
Tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 là một trong những nghị quyết do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp cùng Chính phủ làm rất nhanh, rất trúng, rất cần thiết.

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ bao gồm: NLĐ đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30/9/2021; NLĐ đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.

Mức hỗ trợ trên cơ sở thời gian đóng BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ, thấp nhất là 1,8 triệu đồng/người, cao nhất là 3,3 triệu đồng/người. Tại quyết định này cũng nêu rõ, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP là chính sách hỗ trợ độc lập với chính sách hưởng BHTN được quy định ở Luật Việc làm 2013. Do đó, việc NLĐ nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP không làm mất đi thời gian đã tham gia BHTN nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Không chỉ hỗ trợ NLĐ, chính sách còn bao trùm tới người sử dụng lao động. Cụ thể, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN trong thời gian 12 tháng (từ 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022).

Kỳ 2: Ban hành các chính sách đặc thù ổn định thị trường lao động
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội kiểm tra danh sách chi trả tiền hỗ trợ BHTN cho người lao động tại Công ty cổ phần Sabre Việt Nam.

Tiếp đó, tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (11/8/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 24/2022/UBTVQH15 tiếp tục hỗ trợ đối với NLĐ theo Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là một trong những nghị quyết do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp cùng Chính phủ làm rất nhanh, rất trúng, rất cần thiết, có giá trị lượng tiền khá lớn, có tính khả thi cao, đi vào cuộc sống rất nhanh, không chỉ hỗ trợ trực tiếp tới NLĐ, người sử dụng lao động, mà còn hỗ trợ cho nền kinh tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội, sau khi thực hiện Nghị quyết, còn một số đối tượng chưa được thụ hưởng do số tiền chi trả thực tế vượt quá tổng số tiền đã được quy định tại Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tiếp tục chi trả hỗ trợ NLĐ từ Quỹ BHTN, cụ thể: Sử dụng khoảng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ BHTN đến hết năm 2021 để tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với NLĐ thuộc đối tượng hưởng theo Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 đã nộp hồ sơ đúng thời hạn. Với quyết định này, hơn 414.000 NLĐ (đã nộp hồ sơ đúng hạn) tiếp tục được giải quyết nhận tiền hỗ trợ từ 1,8 - 3,3 triệu đồng/người từ Quỹ BHTN.

Có thể nói, Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết 24/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể hiện sự đúng đắn, kịp thời quan điểm nhất quán của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và ban hành các chính sách nhằm góp phần hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, qua đó góp phần ổn định thị trường và quan hệ lao động.

Tạo đà cho doanh nghiệp và người lao động

Nhận tiền ngay trong ngày đầu tiên Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực (ngày 1/10/2021), khẳng định nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đi vào cuộc sống rất nhanh, hiệu quả, anh Hoàng Sơn - nhân viên Công ty cổ phần Sabre Việt Nam xúc động bày tỏ: Dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc làm, khiến thu nhập NLĐ nói chung và bản thân tôi đều bị giảm sút. Do đó, nguồn hỗ trợ đến với NLĐ trong giai đoạn này thực sự rất đáng quý.

Kỳ 2: Ban hành các chính sách đặc thù ổn định thị trường lao động
Người lao động tại Tổng Công ty May 10 phấn khởi khoe khoản tiền hỗ trợ nhận được trong sáng 4/10 từ Bảo hiểm xã hội quận Long Biên.

Đại diện chủ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thượng Thuyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sabre Việt Nam cho biết: Sabre Việt Nam là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Không nằm ngoài khó khăn của ngành, những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến công ty bị ảnh hưởng rất nhiều, kinh doanh bị thu hẹp, doanh thu của doanh nghiệp bị cắt giảm, việc làm của NLĐ gặp khó khăn, một số lao động phải nghỉ việc không lương, nghỉ làm…

Theo ông Thuyết, thụ hưởng từ chính sách của Quốc hội và Chính phủ, đối với doanh nghiệp, việc giảm tỷ lệ đóng BHTN từ 1% xuống còn 0% giúp cho doanh nghiệp giảm tải được gánh nặng chi phí, bảo tồn được phần nào dòng tiền để duy trì sản xuất kinh doanh, tiếp tục tạo việc làm mới cho NLĐ. Còn đối với NLĐ, việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền đến NLĐ và gia đình của họ giúp NLĐ vơi bớt khó khăn, ổn định được cuộc sống và qua đó tránh được tình trạng đứt gãy sản xuất, thiếu hụt lao động, đặc biệt là trong giai đoạn cả nước đang bước vào phục hồi kinh tế sau đại dịch.

“Trong suốt giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa qua, những quyết sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội với xã hội, với nhân dân, NLĐ và doanh nghiệp rất kịp thời, thiết thực, giúp doanh nghiệp và NLĐ vượt qua khó khăn. Đây là động lực quan trọng để cả nước đồng lòng, đoàn kết, tương trợ, hỗ trợ lẫn nhau để cùng nỗ lực vượt lên khôi phục, phát triển kinh tế”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sabre Việt Nam khẳng định.

Kỳ 2: Ban hành các chính sách đặc thù ổn định thị trường lao động
Người lao động Tổng Công ty May 10 phấn khởi nhận được tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết 116 của Chính phủ.

Là một trong những lao động đầu tiên được thụ hưởng chính sách nhân văn này, chị Nguyễn Thị Hồng Loan - công nhân Tổng Công ty May 10 vui mừng chia sẻ, chị rất bất ngờ khi thấy tài khoản cá nhân báo nhận được số tiền 3,3 triệu đồng từ cơ quan Bảo hiểm xã hội quận Long Biên (thành phố Hà Nội) chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 116. Với chị Loan, số tiền rất có ý nghĩa, nhất là trong thời điểm còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19.

Theo ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10: Thời điểm ban hành chính sách hỗ trợ từ Quỹ BHTN, May 10 có 1.876 cán bộ, công nhân viên, NLĐ tham gia đóng bảo hiểm. Trong đó, có 282 người đang nghỉ chế độ, 1.593 người thuộc diện được hỗ trợ. Khẳng định đây là nguồn động viên rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với NLĐ và doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện NLĐ và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, ông Thân Đức Việt chia sẻ: "Các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ vừa ban hành đã đi vào cuộc sống nhanh chóng, kịp thời, không gặp bất cứ một khó khăn về thủ tục hành chính nào”.

Kỳ 2: Ban hành các chính sách đặc thù ổn định thị trường lao động
Công nhân Công ty TNHH Elentec Việt Nam (Khu Công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) đều đã nhận được tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN.

Còn ông Kim Ji Hyun - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Elentec Việt Nam (Khu Công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) cho rằng, nhờ sự điều hành sáng suốt, quyết liệt của Đảng, Nhà nước nên khi triển khai các chính sách của Chính phủ hỗ trợ người NLĐ và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 như: Nghị quyết 116/NQ-CP, Nghị quyết 42/NQ-CP… được triển khai khá nhanh chóng, thuận lợi. Triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP, chỉ trong một thời gian ngắn, công ty đã có 3.120 NLĐ nhận được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng; bản thân công ty cũng được hỗ trợ hơn 2,3 tỷ đồng từ việc giảm số tiền vào Quỹ BHTN.

“Chúng tôi xin cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ rất kịp thời cho NLĐ, giúp họ có thêm điều kiện cải thiện cuộc sống, nhờ đó, không chỉ NLĐ mà cả doanh nghiệp có điều kiện khắc phục được kinh tế sau đại dịch và chắc chắn nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển”, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Elentec Việt Nam bày tỏ.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tính đến hết tháng 9/2022, đã có 340.888 đơn vị sử dụng lao động được giảm tiền đóng vào Quỹ BHTN, tương ứng với 11.822.638 NLĐ; đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho 13.261.552 NLĐ thuộc đối tượng hỗ trợ và có 33.470 người đang tham gia BHTN tự nguyện không nhận hỗ trợ.

Theo đánh giá, việc triển khai chính sách theo quy định của Nghị quyết được NLĐ, người sử dụng lao động đón nhận, đánh giá cao. Chính sách có độ bao phủ rộng, trực tiếp, thiết thực, kịp thời đối với NLĐ, người sử dụng lao động tham gia BHTN.

Kỳ cuối: “Gỡ vướng” chính sách, khơi thông nguồn lực

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này