Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc: Sứ mệnh và trách nhiệm

09:06 | 28/01/2015
Bản sắc văn hóa đất nước ta được hình thành và phát triển từ hàng nghìn năm nay. Nó đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Chính vì lẽ đó, công cuộc bảo tồn các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, cải lương…) là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của tất cả chúng ta.

Nhiều bất cập

Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những cơ hội và điều kiện phát triển. Tuy nhiên, làm thế nào để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời buổi kinh tế thị trường lại là bài toán đau đầu của những nhà quản lý văn hóa.

Có một thực tế đáng suy nghĩ, mặc dù được nhà nước ưu đãi giảm 70% học phí, và có tiền bồi dưỡng đào tạo nghề hằng tháng thế nhưng số sinh viên và giảng viên của các bộ môn văn hóa nghệ thuật truyền thống chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong các trường nghệ thuật.

Mặt khác, đối với các bộ môn nghệ thuật dân gian dễ dàng nhận thấy vai trò của người thầy là đặc biệt quan trọng, thế nhưng sự thiếu hụt đội ngũ giảng viên lại đang là bài toán chưa có lời giải. Giảng viên giỏi thì tuổi đã cao, giảng viên trẻ thì không ít người chưa đủ tầm vóc của một người thầy.

Nói chính xác hơn, giảng viên không có trải nghiệm trong sáng tác, trong nghiên cứu, giảng bài chỉ dựa vào sách vở, rất khó đủ sức thuyết phục đối với sinh viên nghệ thuật đặc biệt là các bộ môn văn hóa nghệ thuật truyền thống. Sự bảo tồn, lưu giữ nghệ thuật kịch hát dân tộc phải được bảo tồn, lưu giữ, truyền bá sống động bằng tài năng của những con người cụ thể.

Ai cũng hiểu nhiệm vụ xây dựng đội ngũ giảng viên có ý nghĩa chiến lược trước hết thuộc về nhà trường. Nhưng với cơ chế và quyền tự chủ được giao như hiện nay, nhà trường không làm nổi.

Ngoài ra, trong đào tạo nghệ thuật nói chung, thực hành của sinh viên giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Như mỗi sinh viên chuyên ngành sân khấu, hay kịch hát dân tộc trước khi ra trường đều phải bảo vệ tốt nghiệp bằng vở diễn. Để có một vở diễn, ngoài việc xây dựng kịch bản, sinh viên phải có sân khấu biểu diễn, phải được phân vai, phải trang trí sân khấu, rồi âm thanh, ánh sáng... nghĩa là phải có đủ điều kiện  một buổi biểu diễn. Để làm được điều này, hầu hết sinh viên học chuyên ngành nghệ thuật đều chọn loại hình đào tạo vừa học, vừa làm.

Một số sinh viên đã có nhiều năm cống hiến cho các nhà hát, bài thi tốt nghiệp của họ thường được các nhà hát hỗ trợ dựng vở tốt nghiệp và khi bảo vệ xong tốt nghiệp, vở diễn được tu chỉnh thành kịch bản biểu diễn trong năm của nhà hát. Thế nhưng nếu chỉ một nhà hát, dù rất nhiệt tâm cũng sẽ không có đủ cơ chế để hỗ trợ cho sinh viên, trong khi bản thân sinh viên trẻ lại không đủ sức thuyết phục các DN có thể đầu tư, tài trợ cho những ý tưởng sáng tác của mình. Vậy cơ hội nào cho sinh viên có khát vọng được cống hiến nhưng không có đủ điều kiện “bảo vệ” tốt nghiệp. Đó là một thực tế khác biệt trong đào tạo nghệ thuật không thể không xem xét, nghiên cứu và có cơ chế chính sách phù hợp. Rõ ràng với những đòi hỏi như vậy, công tác đào tạo nghệ thuật chắc chắn phải có cách tiếp cận mới.

Cần liều thuốc mạnh

Từ đội ngũ giảng viên, nguồn tuyển sinh, chất lượng đào tạo đến sản phẩm đào tạo và việc sử dụng sản phẩm đào tạo đều không được tách rời thực tế phát triển của văn học, nghệ thuật đồng thời chịu ảnh hưởng lớn của bối cảnh xã hội hiện nay. Có những vấn đề nếu chỉ một mình nhà trường không thể tháo gỡ và xử lý được mà cần sự nỗ lực, quan tâm rất lớn của các cơ quan chức năng và các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực sân khấu và điện ảnh do trường đào tạo.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Bộ VH-TT&DL Đào Mạnh Hùng: Thực trạng các trường văn hóa nghệ thuật hiện nay thiếu nhiều giảng viên giỏi, giảng viên ưu tú thế nhưng các nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú tại các đoàn nghệ thuật rất nhiều, cho nên chúng tôi đã để xuất và Bộ GD&ĐT cũng đã chấp nhận đến năm 2017 sẽ áp dụng biện pháp đưa nghệ sỹ nhân dân và nghệ sỹ ưu tú làm các giảng viên cơ hữu trong trường, đây là một biện pháp tháo gỡ khó khăn rất lớn cho chúng ta. Tuy nhiên, cũng cần phải có một chính sách và định hình cụ thể cách nhìn và cách quản lý của bộ cho các trường đào tạo năng khiếu này.

Đối với các bộ môn nghệ thuật truyền thống, để khắc phục thực trạng thiếu học sinh và giáo viên, Bộ đề xuất việc áp dụng phương thức đào tạo tại chỗ: Nhà hát – nhà trường, tức là bằng của nhà trường, giáo viên trường và nhà hát, chương trình giảng dạy của  trường, trường cấp bằng và đào tạo tại nhà hát.

Trước mắt 4 nhà hát (Nhà hát Tuồng, Nhà hát Chèo, Nhà hát Cải lương, Nhà hát Ca múa nhạc) bắt đầu áp dụng việc liên kết với các trường để đào tạo tại nhà hát, lực lượng sau này sẽ là diễn viên của họ. Như vậy, sinh viên được tạo nhiều điều kiện ngay từ những ngày đầu, được tiếp xúc với các nghệ sỹ đàn anh đàn chị, được lên sàn tập cùng các cô, các chú, các bác, được sống trong không khí của nhà hát trong suốt 2, 3 năm học tập và đầu ra sẽ được nhà hát nhận. “Làm vậy, chúng ta đã tạo cơ hội cho các em, cũng tạo cả cơ hội cho nhà hát để giải quyết thực trạng trống vắng đầu vào của các trường, ông Hùng chia sẻ.

Được biết, cũng trong năm 2015 để truyền lửa các loại hình nghệ thuật dân gian đến với giới trẻ, những người sẽ tiếp nối và kế thừa bản sắc văn hóa dân tộc, Bộ VH-TT&DL đã làm việc với nhiều địa phương để đưa một số bộ môn nghệ thuật truyền thống vào chương trình đào tạo tại các trường THCS, THPT. Những nỗ lực đó đã mang lại nhiều thành quả như việc một số trường THPT và THCS tại Bắc Ninh (hát quan họ), Nghệ An (hò ví dặm)… chấp thuận đưa “dân ca quan họ” và “hò ví dặm”  vào các môn học lựa chọn, để giữ gìn bản sắc quê hương bản sắc dân tộc. Cần khẳng định điều đó bởi giới trẻ chính là kết tinh của sức sống văn hóa Việt Nam, sức mạnh nội sinh của văn hóa Việt Nam.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này