Đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, đưa sách vào cộng đồng

23:51 | 21/04/2023
(LĐTĐ) Chiều 21/4, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai năm 2023 tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế.
Vun đắp và lan tỏa văn hóa đọc Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc 2023: “Sách cho tôi, cho bạn”

Dự chương trình có các đồng chí: Trần Lưu Quang - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng đại diện các ban, bộ ngành, đoàn thể ở Trung ương và các đồng chí đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, đưa sách vào cộng đồng
Các đại biểu cắt băng khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai năm 2023.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của sách. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, gốc của sách là tri thức, mà tri thức là sức mạnh của mỗi con người, cũng là sức mạnh của cả một quốc gia, một dân tộc.

Gốc để phát triển sách, phát triển xuất bản sách phải có nhiều người đọc, tức là có thị trường lớn. Mà muốn vậy, phải thực hiện khuyến đọc. Nhiều quốc gia đã rất quan tâm đến việc khuyến đọc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel. Có nước có luật về khuyến đọc. Tháng 11 năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã quyết định chuyển Ngày Sách Việt Nam thành Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam. Đây là một bước chuyển đổi rất quan trọng và có ý nghĩa sâu xa.

Đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, đưa sách vào cộng đồng
Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế chuyển giao 770 ấn phẩm Tủ sách Huế đến các điểm thư viện trên toàn tỉnh.

“Những việc phải làm về văn hoá đọc là khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.

Các thông điệp chính của Ngày Sách và Văn hoá đọc năm nay là “Sách: Nhận thức - đổi mới - sáng tạo”; “Sách cho tôi, sách cho bạn”; “Thời đại mới đòi hỏi phải có nhận thức mới, cách làm mới”.

Đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, đưa sách vào cộng đồng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc.

Đổi mới trong nhận thức, đổi mới trong sáng tạo, đổi mới trong phương thức xuất bản, đổi mới trong cách tiếp cận bạn đọc để sách đến được hàng triệu người, để xuất bản phát triển mạnh mẽ hơn theo hướng dân tộc hoá nhưng vẫn phải hiện đại hoá bằng công nghệ số, vẫn phải đại chúng hoá thông qua đa nền tảng số”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại chương trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá, các đơn vị đã phối hợp tổ chức trang trọng lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai, đảm bảo xứng tầm với sự mong đợi của nhân dân, của bạn đọc cả nước.

Sự kết hợp hài hòa giữa những nét văn hóa truyền thống cùng những yếu tố hiện đại là một cách để chúng ta tôn vinh sách và khẳng định vai trò trung tâm của văn hóa đọc trong đời sống văn hóa.

Phó Thủ tướng tin tưởng, các chuỗi hoạt động và sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai được tổ chức tại thành phố Huế sẽ phát huy được nét đẹp văn hóa truyền thống: tôn vinh sách và những người làm sách, phát triển phong trào đọc sách.

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp tập trung đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, đưa sách vào cộng đồng; các Bộ, ngành, địa phương tích cực lồng ghép văn hóa đọc trong tất cả phong trào như xây dựng văn hóa, khuyến học; tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất để khuyến khích mọi người tham gia viết sách, đọc sách nhằm tạo ra tác phẩm tốt, làm phong phú thêm nguồn sách; tôn vinh các tác giả, văn nghệ sĩ, những tấm gương vì cộng đồng đã đưa sách, văn hóa đọc đến với mọi người, mọi nhà.

Đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, đưa sách vào cộng đồng
Những việc phải làm về văn hoá đọc là khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách.

Tại lễ khai mạc, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố chương trình truyền thông khuyến đọc nhằm xây dựng các chuyên trang, chuyên mục giới thiệu, quảng bá sách và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trên cơ sở hợp tác giữa các đơn vị chức năng của Bộ với 8 cơ quan báo chí.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế chuyển giao 770 ấn phẩm Tủ sách Huế đến 50 điểm thư viện trên toàn tỉnh nhằm lan tỏa và phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong mọi tầng lớp bạn đọc.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai năm 2023 với thông điệp: “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo” và “Sách cho tôi, cho bạn” được tổ chức với nhiều hoạt động, hình thức đa dạng và phong phú trong suốt tháng 4, trong đó trọng tâm từ ngày 21/4 - 1/5 với nhiều sự kiện.

Ngoài lễ khai mạc còn có các hoạt động như Hội sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai; triển lãm sách “Huế xưa và nay”; các sự kiện giới thiệu tác giả, tác phẩm, giới thiệu di sản văn hóa Huế; lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế gặp mặt các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành trao đổi phát triển Tủ sách Huế…

N.Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này