Thí điểm cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử tại Hà Nội và Hà Nam

20:57 | 19/04/2023
(LĐTĐ) Bắt đầu từ sáng 17/4, Bộ Tư pháp đã triển khai việc thí điểm cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam.
Từ ngày 1/7: Hà Nội triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công thiết yếu lĩnh vực hộ tịch Lãnh đạo UBND cấp huyện, xã nên đóng vai người dân, trực tiếp tham gia dịch vụ công Trẻ em đầu tiên được cấp giấy khai sinh, thẻ BHYT và đăng ký thường trú qua Dịch vụ công liên thông

Tại cuộc họp báo của Bộ Tư pháp chiều 19/4, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, bắt đầu từ ngày 17/4, Bộ Tư pháp đã triển khai thí điểm cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam.

Theo Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn, trong Quý I, việc triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ, gọi tắt là Đề án 06) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

“Bắt đầu từ sáng 17/4, Bộ Tư pháp đã triển khai việc thí điểm cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Trong ngày đầu tiên vận hành thí điểm, đã có 101 trẻ em được cấp bản điện tử Giấy khai sinh; 17 trường hợp được cấp Trích lục khai tử trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố”, ông Hoàn cho biết.

Thí điểm cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử tại Hà Nội và Hà Nam
Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn thông tin về kết quà công tác quý I/2023 của Bộ Tư pháp

Theo Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 05/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Tư pháp đã nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, chỉnh lý, bổ sung chức năng tạo lập bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử khi thực hiện việc đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử (mới) cho Phần mềm dịch vụ công liên thông với 2 nhóm thủ tục: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng để triển khai thí điểm.

Việc thí điểm sẽ diễn ra tại các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn Hà Nội và tỉnh Hà Nam từ ngày 17/4 đến hết ngày 20/5. Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam giao Sở Tư pháp làm đầu mối triển khai thí điểm tại địa phương, bám sát tình hình và thường xuyên có báo cáo kết quả. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn thực hiện theo đúng hướng dẫn về quy trình thực hiện.

Thí điểm cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử tại Hà Nội và Hà Nam
Toàn cảnh buổi họp báo.

Bên cạnh đó, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cũng cho hay, công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm triển khai toàn diện, bàn bản. Bộ Tư pháp đã kết nối thành công 8 dịch vụ công thuộc lĩnh vực hộ tịch và đăng ký biện pháp bảo đảm lên Cổng dịch vụ công quốc gia nâng tổng số dịch vụ công của Bộ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia lên 58 dịch vụ công.

Đặc biệt, theo kết quả công bố xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương PAR INDEX 2022 được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại phiên họp vào sáng 19/4, Bộ Tư pháp được xếp vào nhóm một trong hai cơ quan có điểm số trên 90 điểm.

Trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính tại Bộ Tư pháp; ban hành Quyết định công bố thủ tục hành chính nội bộ của Bộ Tư pháp; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường việc kết nối, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của Bộ, kết nối thêm các dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Bộ Tư pháp cũng sẽ tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của Bộ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg; đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành Tư pháp, trong đó ưu tiên đầu tư cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc để chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Đồng thời, thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số gắn với bảo đảm an toàn thông tin mạng trong ngành Tư pháp.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này