Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo, kinh doanh dịch vụ karaoke

22:35 | 15/04/2023
(LĐTĐ) Mới đây, Đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội do bà Lê Thị Hồng Hạnh - Trưởng phòng Quản lý Văn hóa làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra thực tế và làm việc tại một số quận, huyện trên địa bàn Thành phố về công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo, biển hiệu, kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.
Khẩn trương tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường trên địa bàn Thủ đô Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ karaoke không phép Công khai 15 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke không đảm bảo điều kiện PCCC
Kiểm tra công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo, kinh doanh dịch vụ karaoke
Đoàn kiểm tra làm việc với quận Hai Bà Trưng.

Tại buổi làm việc với quận Hai Bà Trưng, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận báo cáo, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo, biển hiệu, kinh doanh karaoke trên địa bàn quận Hai Bà Trưng cơ bản đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật và theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thành phố.

Về xử lý vi phạm, đối với lĩnh vực quảng cáo, tính từ tháng 7/2022 đến nay, Ủy ban nhân dân (UBND) quận đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành liên quan và UBND các phường thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát và lập biên bản xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, trật tự đô thị, biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm.

Cụ thể, các đơn vị quảng cáo đã tự tháo dỡ 41 bảng quảng cáo tại mặt tiền, mặt bên tòa nhà do sai kích thước, nội dung, hết thời hạn thông báo sản phẩm…; 3 màn hình LED không phép dừng hoạt động; tháo dỡ 362 biển hiệu vi phạm; bóc, xóa, xé hơn 5.000 quảng cáo rao vặt, hơn 300 biển vẫy và tháo dỡ hơn 600 băng rôn, banner treo trên các gốc cây, cột điện; phá dỡ hàng trăm bục bệ, cầu dẫn xe vi phạm trật tự đô thị.

Đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ karaoke, Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND quận đã tiến hành kiểm tra 2 lượt đối với 23 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn, đề xuất xử phạt vi phạm hành chính 15 cơ sở với số tiền là 100.400.000 đồng và đình chỉ, tạm đình chỉ 21 cơ sở do các lỗi vi phạm chủ yếu về các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo, kinh doanh dịch vụ karaoke
Đoàn kiểm tra làm việc tại huyện Sóc Sơn.

Tại huyện Sóc Sơn, Đoàn đã kiểm tra thực tế các biển quảng cáo ngoài trời tại một số địa điểm trên địa bàn, đặc biệt là khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Văn Phúc, trên toàn huyện Sóc Sơn hiện có 137 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke ở quy mô nhỏ, chủ yếu là hộ gia đình tập trung nhiều ở 2 địa bàn xã Trung Giã và Mai Đình. Các cơ sở cơ bản đã tạm dừng hoạt động, tuy nhiên vẫn có một số cơ sở đã che biển nhưng vẫn lén hút hoạt động, nhiều cơ sở kinh doanh thay đổi chủ nhưng không thông báo gây khó khăn cho công tác quản lý và lập biên bản xử phạt hành chính.

Năm 2022, huyện Sóc Sơn đã ban hành văn bản chỉ đạo các phòng ban, ngành, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke, lưu trú, internet và các dịch vụ kinh doanh thể dục thể thao…, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, yêu cầu dừng hoạt động kinh doanh đối với những cơ sở chưa đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo, kinh doanh dịch vụ karaoke
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Văn Phúc báo cáo tại buổi làm việc.

Đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời, trên địa bàn huyện hiện có 55 biển quảng cáo tấm lớn trên đường Võ Văn Kiệt, Quốc lộ 18 và trong cụm Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Trong đó, 32 biển đã được quy hoạch trước đây và được Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng trước năm 2011; 11 biển dịch chuyển khi mở rộng sân bay Nội Bài năm 2011 (theo Quyết định số 94/2009/QĐ-UBND ngày 24/8/2009 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành quy chế quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố); 12 biển còn lại trong khuôn viên nhà ga T1, T2 do Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài xây dựng chưa được cấp giấy phép.

Hiện trên địa bàn huyện có 17 biển quảng cáo rao vặt miễn phí vẫn phát huy hiệu quả tại những nơi đông dân cư, những trục đường chính, dễ thấy, dễ tiếp cận tạo điều kiện cho các đơn vị quảng cáo, hạn chế bớt quảng cáo rao vặt sai quy định tại các địa phương. Tuy vậy, trên địa bàn huyện vẫn còn tình trạng quảng cáo rao vặt, quảng cáo tấm lớn không đúng vị trí quy hoạch, quảng cáo tấm lớn không được cấp phép, quảng cáo tấm lớn lâu không có nội dung khai thác, đã xuống cấp và gây mất mỹ quan.

Năm 2022, UBND huyện đã tổ chức ra quân bóc, xóa, tháo 5.460 quảng cáo rao vặt sai quy định; chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm tra xử lý các vi phạm về quảng cáo, biển hiệu. Thực hiện công tác của Ban Chỉ đạo 197, trung tuần tháng 3/2023, UBND các xã, thị trấn đã triển khai ra quân kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, đồng thời bóc, tháo hơn 1.200 các băng rôn, khẩu hiệu hết hạn và các quảng cáo rao vặt sai quy định.

Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo, kinh doanh dịch vụ karaoke
Đoàn kiểm tra số làm việc với huyện Mê Linh.

Tại huyện Mê Linh, hiện nay có 45 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, trong đó: 5 cơ sở có Giấy phép kinh doanh dịch vụ Karaoke do UBND huyện Mê Linh cấp (cấp phép trước năm 2016); 40 cơ sở chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy theo Nghị định số 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ, chưa được cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh karaoke; không có kinh doanh dịch vụ vũ trường.

Theo Phó Đội trưởng Đội Quản lý hành chính (Công an huyện Mê Linh) Nguyễn Chí Dũng, từ 31/12/2016, Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với Công an huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra liên ngành đới với 100% các cơ sở kinh doanh karaoke. Năm 2023, huyện đã kiểm tra 45/45 cơ sở kinh doanh, hiện tại chưa có cơ sở nào hoàn thiện 100% điều kiện cấp phép; có 1 cơ sở đang khắc phục về an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy; 44/45 chưa đủ điều kiện để cấp phép về an ninh trật tự (chủ yếu là về phòng cháy chữa cháy).

Ông Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, năm 2022, qua đợt kiểm tra liên ngành của Công an huyện đã xử lý 12 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke và xử phạt 384.900.000 đồng. Tuy nhiên, tình trạng lén lút hoạt động vẫn còn, nhiều hiện tượng biến tướng từ karaoke sang hát cho nhau nghe, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước.

Sau các buổi làm việc, bà Lê Thị Hồng Hạnh đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo và phối hợp làm việc với Đoàn kiểm tra của các địa phương. Đồng thời, ghi nhận công tác quản lý Nhà nước của địa phương cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện đúng chức năng quản lý Nhà nước, có sự quyết liệt trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm và phối hợp rất tốt với công an huyện.

Bà Lê Thị Hồng Hạnh cũng đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát lại, cung cấp những số liệu cụ thể bổ sung vào báo cáo để gửi lại cho Sở, để làm cơ sở đánh giá tình hình, kết quả thực hiện quản lý Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo, biển hiệu, kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường để Sở báo cáo Thành phố. Thông qua đó để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện quản lý Nhà nước; kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn và đề xuất các cấp có thẩm quyền các giải pháp, biện pháp tháo gỡ.

Các quận, huyện đều cho rằng cần tiếp tục thực hiện cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh karaoke, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh được hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Các cơ sở kinh doanh có cải tạo, sửa chữa để đảm bảo theo quy định về phòng cháy, chữa cháy cũng sớm được cấp sửa đổi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh karaoke.

Đồng thời, đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thường xuyên tập huấn về công tác quản lý và công tác kiểm tra xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke và hoạt động quảng cáo.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này