Giải Cánh diều 2015 : Sân chơi của phim thương mại

09:27 | 05/03/2015
Đến hẹn lại lên, giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam – giải Cánh diều đã chính thức vào chặng đua. Năm nay, Cánh diều bước vào mùa giải thứ 13 với số lượng tác phẩm điện ảnh dự thi nhiều nhất từ trước đến nay: 17 phim. Liệu Cánh diều năm nay sẽ “căng gió” hơn những năm trước.

Những điểm mới

Sau Tết Ất Mùi, các giám khảo ở các hạng mục bắt tay vào chấm giải Cánh diều. Từ ngày ngày 5/3 – 11/3, BTC sẽ chiếu miễn phí những bộ phim điện ảnh tham dự giải tại rạp BHD Phạm Hùng, CGV Thảo Điền và Trung tâm Văn hóa Tân Sơn Nhất, TPHCM. Khán giả nhận giấy mời xem phim tại các rạp từ ngày 5/3 đến ngày 8/3. Dự kiến Lễ trao giải thưởng Cánh diều 2015 sẽ được tổ chức vào lúc 20 giờ ngày 12/3 tại Trung tâm tổ chức sự kiện Queen Hall, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh với các giải thưởng gồm Giải Cánh diều vàng, Cánh diều Bạc, Bằng khen trao cho các tác phẩm xuất sắc nhất ở mỗi thể loại.

Ông Nguyễn Văn Tân – Chánh văn phòng Hội Điện ảnh, PGĐ Hãng phim Điện ảnh Việt Nam, thành phần BTC giải Cánh diều 2014 cho biết: Cánh diều 2015 có 137 phim với 6 thể loại khác nhau cùng tham gia tranh giải. Trong đó có 17 phim truyện điện ảnh, 18 phim truyền hình, 7 phim khoa học, 14 phim hoạt hình, 4 phim tài liệu điện ảnh, 48 phim tài liệu truyền hình và 29 phim ngắn.

Hai bộ phim “Ðập cánh giữa không trung” và “Trúng số” tuy được đánh giá tốt về chất lượng nhưng vì đăng ký muộn nên không có cơ hội tranh giải Cánh diều 2015. Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Tân, các tác phẩm tham dự giải năm nay chất lượng hơn những năm trước.

Một nét mới nữa của mùa giải thứ 13 là BTC quyết định gộp giải thưởng Phim tài liệu điện ảnh và Phim tài liệu truyền hình thành giải thưởng chung cho phim tài liệu. Sở dĩ như vậy bởi chất liệu làm phim tài liệu được thay thế bằng kỹ thuật số, nên giữa phim tài liệu điện ảnh và phim tài liệu truyền hình không còn có sự khác biệt.
Năm nào cũng vậy, vấn đề tài chính luôn là khó khăn lớn nhất của giải thưởng bởi Hội Điện ảnh Việt Nam không có nhiều kinh phí. “Năm nay công tác xã hội hóa cũng được triển khai tốt hơn, nên chắc chắn công tác tổ chức sẽ đảm bảo” – ông Nguyễn Văn Tân nói.

59722

“Với số lượng phim điện ảnh tham gia nhiều như mùa giải năm nay cho thấy xu thế xã hội hóa đã phát huy hiệu quả. Phim nhà nước muốn cạnh tranh được với phim tư nhân đòi hỏi các nghệ sĩ tham gia phải cố gắng phấn đấu lao động nghệ thuật nghiêm túc, tìm tòi sáng tạo hơn để có những bộ phim đáp ứng được khán giả cả nội dung và giải trí. Đã vào sân chơi của Cánh diều thì phải bình đẳng không phân biệt phim nhà nước hay tư nhân. Phim muốn đoạt giải phải hội tụ đủ cả bốn tiêu chí mà BTC giải Cánh diều 2015 đã đề ra. Giải Cánh diều 2015 hoàn toàn phụ thuộc vào sự công minh của BGK để lựa chọn ra tác phẩm xứng đáng.” - Ông Đặng Xuân Hải – Chủ tịch Hội Điện Ảnh Việt Nam, Trưởng BTC giải Cánh diều 2015 nói.

Phim nhà nước vẫn “lép vế”

Nhìn vào số lượng tác phẩm tham dự giải năm nay có tới 13 trên tổng số 17 tác phẩm tham dự là của các đơn vị sản xuất phim tư nhân. Sự chênh lệch này cho thấy phim thương mại vẫn luôn thắng thế. Theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Tân thì đây là sự khởi sắc của điện ảnh nước nhà. Bởi trong năm qua, chủ trương xã hội hóa hoạt động điện ảnh đã được triển khai tích cực và đi vào đời sống. Nhiều đơn vị sản xuất phim tư nhân nỗ lực tham gia sản xuất phim. Đặc biệt, năm 2014, kể cả hãng phim tư nhân và nhà nước đã sản xuất được 24 tác phẩm thì có tới 17 tác phẩm tranh giải Cánh diều.

Với tiêu chí giải là đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội, nhiều ý kiến cho rằng có công bằng hay không khi đặt phim tư nhân có “doanh thu khủng” và phim nhà nước “chả ai xem” lên cùng một bàn cân. Trao đổi với LĐTĐ về quan điểm này, ông Tân cho biết: “Thành phần BGK của giải bao gồm các nhà làm phim chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm. Họ sẽ là những người cân đo đong đếm để đưa ra một kết quả công bằng nhằm khích lệ giá trị lao động sáng tạo nghệ thuật không kể nhà nước hay tư nhân”.

Ông Tân nói thêm: “Mục đích phim tư nhân chủ yếu là doanh thu nên họ định hướng đề tài và chiêu thức nghệ thuật để hấp dẫn khán giả. Còn phim nhà nước vốn là phim đầu tư không hoàn lại nhưng mục đích chủ yếu tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, mang lại những tác phẩm có giá trị nhân văn. Nếu chỉ dựa vào tiêu chí khán giả thì không xác đáng. Song phim nhà nước cũng cần quan tâm đến yếu tố khán giả để làm sao đến được với quần chúng. Muốn được như vậy phim nhà nước phải chú trọng vào khâu quảng bá một cách nghiêm túc và nhanh chóng.”

Nguyễn Hoài

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này