Quyết liệt giải tỏa, chống tái chiếm các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm

17:04 | 31/03/2023
(LĐTĐ) Trình bày báo cáo của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội về công tác quản lý, đầu tư chợ trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong năm 2023, Thành phố dự kiến xây mới 48 dự án chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ.
Tăng cường đảm bảo trật tự đô thị Hà Nội: Phấn đấu phát triển thêm 3 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi

Báo cáo về công tác quản lý, đầu tư chợ trên địa bàn Thành phố tại Hội nghị giao ban Quý I/2023, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, theo Quy hoạch hệ thống chợ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn Thành phố có 595 chợ, trong đó, có 24 chợ hạng 1 (bao gồm 5 chợ đầu mối); 79 chợ hạng 2; 478 chợ hạng 3.

Hiện nay, toàn Thành phố đang có 453 chợ. Trong đó, có 15 chợ hạng 1; 58 chợ hạng 2; 348 chợ hạng 3; 8 chợ phải cải tạo hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) và bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng; 24 chợ đề nghị không phân hạng do chờ giải tỏa.

Về cơ sở hạ tầng, có 89 chợ kiên cố, 248 chợ bán kiên cố, 116 chợ lều lán tạm. Chia theo khu vực, có 192 chợ thành thị, 261 chợ nông thôn.

Trong tổng số 578 xã, phường, thị trấn, có 363 xã, phường, thị trấn đã có chợ; Còn lại 215 xã, phường, thị trấn chưa có chợ. Thành phố cũng có 2 chợ đầu mối (chợ đầu mối Minh Khai, chợ đầu mối phía Nam) và 5 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối.

Quyết liệt giải tỏa, chống tái chiếm các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền trình bày báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: Huy Kiên)

Thực hiện các nhiệm vụ Thành ủy, Hội đồng nhân dân Thành phố giao, UBND Thành phố đã tích cực chỉ đạo nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, đầu tư chợ. Các Sở, ngành đã tích cực đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển và quản lý chợ. UBND các quận, huyện, thị xã đã chủ động xây dựng Kế hoạch.

Toàn Thành phố đã phân hạng được 421/453 chợ; Chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ được 171/453 chợ; Phê duyệt giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng được 381 chợ.

Đáng chú ý, công tác quản lý về PCCC được tăng cường. Toàn Thành phố có 198 chợ thuộc diện quản lý về PCCC; 256 chợ còn lại do đơn vị được giao quản lý có trách nhiệm tự đảm bảo an toàn PCCC.

Thành phố cũng ban hành và triển khai nhiều Kế hoạch, Đề án về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ; Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền tới các nhóm đối tượng là cán bộ quản lý từ tuyến Thành phố đến tuyến huyện, tuyến xã, chủ doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong chợ, người tiêu dùng thực phẩm về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm…

Thực hiện khảo sát thực trạng hoạt động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ; Cấp biển nhận diện cho 1.112 cửa hàng kinh doanh đáp ứng tiêu chí của Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025”.

UBND Thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 12/10/2021 về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, trong đó sẽ tiến hành xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ.

Trong năm 2023, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch dự kiến xây mới 48 dự án chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ. Đến nay, có 6 chợ đã triển khai thi công (gồm 3 chợ tại quận Nam Từ Liêm, 1 chợ tại huyện Mỹ Đức, 2 chợ tại huyện Thạch Thất); 4 chợ đã hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, dự kiến được thời gian khởi công (gồm 3 chợ tại quận Bắc Từ Liêm, 1 chợ tại huyện Thanh Oai). Các chợ còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư.

Quyết liệt giải tỏa, chống tái chiếm các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm
Trong năm 2023, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch dự kiến xây mới 48 dự án chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện công tác giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, các tụ điểm kinh doanh tự phát gây bức xúc dư luận (hiện nay còn tồn tại 40 chợ cóc cần phải giải tỏa trong thời gian tới). Thành phố đã phân cấp mạnh mẽ, giao toàn quyền cho các quận, huyện, thị xã triển khai công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn.

Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn chưa được quan tâm một cách đầy đủ nên việc đầu tư, cải tạo, sửa chữa theo kế hoạch Thành phố ban hành giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm chưa đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Một số chợ trên địa bàn (nhất là khu vực chợ ngoại thành) các hạng mục như hệ thống điện, trang thiết bị PCCC, kết cấu công trình đang bị xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...

Nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm, UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 12/10/2021 của UBND Thành phố về Phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, trong đó, đẩy mạnh công tác đầu tư, cải tạo chợ theo Kế hoạch năm 2023 của UBND Thành phố và các Chương trình số 03-CTr/TU, số 04-CTr/TU của Thành ủy.

Các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện phương án tính giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ đảm bảo đánh giá đầy đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn; Hoàn thành công tác khảo sát, nghiên cứu khả thi dự án xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại Thành phố Hà Nội làm căn cứ triển khai công tác kêu gọi đầu tư.

Cùng với đó, triển khai quyết liệt công tác giải tỏa, chống tái chiếm các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm, các kiểm kinh doanh tự phát trên địa bàn; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022 - 2025.

P.Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này