Người bạn đồng hành vì công lý

15:39 | 01/04/2023
(LĐTĐ) Đến thời điểm này, tôi may mắn được làm về mảng pháp luật đã ngót nghét 20 năm, kể từ ngày bắt đầu làm phóng viên. Phóng viên phụ trách về pháp luật gặp rất nhiều chuyện vui, buồn trong quá trình tác nghiệp. Đọng lại trong tôi vẫn là những niềm vui khi góp phần bảo vệ bạn đọc bị oan; khi vướng vào vòng lao lý; hỗ trợ các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, tránh bỏ lọt tội phạm... Và có được thành công đó phải kể đến vai trò của luật sư, những người bạn đồng hành vì công lý.
Kiểm tra và xử lý xe quá tải sau phản ánh của Báo Lao động Thủ đô Sau bài viết của báo Lao động Thủ đô về xe quá tải, quá khổ: Nơi nghiêm túc thực hiện, nơi hời hợt xử lý Báo Lao động Thủ đô long trọng kỷ niệm 30 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Còn nhớ, khoảng giữa năm 2007, một người đàn ông có gương mặt khắc khổ, quần áo giản dị, đi đôi dép rọ bộ đội nhựa màu nâu đã cũ, lên gõ cửa phòng Ban Nội chính báo Lao động Thủ đô (giờ là Ban Pháp luật - Bạn đọc) để “cầu cứu”.

Tôi tiếp ông, người đàn ông có cái tên cũng khá đặc biệt, Cung Kiến Lập (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội). Ông Lập thời điểm đó ngoài 40 nhưng trông già hơn so với tuổi rất nhiều bởi cuộc sống mưu sinh vất vả, khó khăn.

Theo đơn tố cáo của ông Lập, ông làm nghề lái xe ôm và bơm xe trước cổng chùa Trấn Quốc (trên đường Thanh Niên). Trong một lần chở khách, ông Lập đã bị hai đối tượng đánh trọng thương. Mặc dù đã mang đơn với đầy đủ căn cứ đến các cơ quan chức năng nhiều lần nhưng hai đối tượng vẫn không bị xử lý, ông Lập đã tìm đến báo Lao động Thủ đô kêu cứu.

Người bạn đồng hành vì công lý
Luật sư Phạm Quốc Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư Quốc Thái - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

Ngay sau khi gặp gỡ, tiếp nhận hồ sơ liên quan đến vụ việc, tôi đã gọi điện cho luật sư Phạm Quốc Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư Quốc Thái - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội). Là một người bạn thân và cũng là một cộng tác viên của báo Lao động Thủ đô, luật sư Thanh lập tức nhiệt tình vào cuộc.

Công việc của luật sư Thanh là gặp gỡ nạn nhân, đọc hồ sơ, xem xét kỹ toàn bộ quá trình xác minh, điều tra vụ án của cơ quan chức năng. Sau đó, luật sư Thanh cùng chúng tôi trao đổi về những thông tin cần thiết, chính xác để đưa vào bài báo sao cho đảm bảo “thấu tình, đạt lý”.

Những bài báo sau đó lần lượt ra đời. Mặc dù trong nội dung bài báo không có ý kiến của luật sư Thanh nhưng “ẩn chứa” trong đó đầy đủ tính pháp lý mà chúng tôi đã chia sẻ với nhau trước đó. Và chỉ sau 2 bài báo, các đối tượng gây ra vụ cố ý gây thương tích với ông Cung Kiến Lập đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cá nhân ông Lập được bồi thường chút tiền để ông lo thuốc thang, chữa bệnh; nhưng điều quan trọng là ông Lập đã đòi lại được quyền lợi chính đáng cho bản thân mình còn những đối tượng phạm pháp thì đã phải trả giá. Những năm sau đó, cứ vào ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6) và ngày truyền thống của Luật sư Việt Nam (10/10), ông Lập đều gọi điện, gửi hoa, tặng quà… những món quà rất nhỏ bé nhưng thực sự có ý nghĩa đối với tôi và luật sư Phạm Quốc Thanh.

Cũng từ giữa năm 2007, tôi được Ban Biên tập báo Lao động Thủ đô giao theo dõi đưa tin về những vụ xét xử của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Những lần gặp mặt với các bị cáo, những người trong gia đình nạn nhân với những câu chuyện đau lòng cũng chính là những lần đầu tiên tôi được tiếp cận với giới luật sư.

Tôi gặp và quen luật sư Nguyễn Bích Lan - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Đầu năm 2013, chị Lan mời tôi tham gia một vụ án có dấu hiệu oan sai ở huyện Phổ Yên (Thái Nguyên). Không có nhiều hy vọng, nhưng với sự tự tin của nữ luật sư cũng như xem xét một số tình tiết trong vụ án, chúng tôi đã quyết tâm đi tới cùng vụ án.

Theo hồ sơ vụ án, ông Hoàng Quốc Tuấn và bà Bùi Thị Tình là chủ nhà nghỉ Thùy Linh, tại xóm Phúc Long, thị trấn Bắc Sơn, huyện Phổ Yên. Chiều 25/9/2012, lực lượng công an ập vào nhà nghỉ bắt quả tang tại phòng nghỉ có một đôi nam nữ đang mua bán dâm.

Dựa trên lời khai của người mua dâm, Công an huyện Phổ Yên khởi tố vụ án chứa mại dâm và bắt tạm giam bà Tình. Sau nhiều lần hoãn, ngày 30/9/2013, Tòa án nhân dân huyện Phổ Yên đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án 3 năm tù giam với bị cáo Tình.

Chúng tôi cùng luật sư Nguyễn Bích Lan đã nhiều lần đi Phổ Yên để xác minh, điều tra những tình tiết dẫn tới oan sai trong vụ án. Từ việc bắt quả tang cho đến những biên bản trong hồ sơ vụ án đều có dấu hiệu dàn dựng rất rõ ràng của cơ quan công an. Thời điểm đó, luật sư Nguyễn Bích Lan luôn day dứt bởi đây là vụ án oan sai rõ ràng.

Sau khi phiên tòa xét xử bà Tình kết thúc, báo Lao động Thủ đô tiếp tục bám sát những tình tiết trong phiên tòa xét xử để phản ánh sự thật của vụ án. Ngày 9/1/2014, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm, bị cáo Bùi Thị Tình được trả tự do ngay tại tòa khi Tết Nguyên đán đã kề cận…

Kể từ thời điểm được trả tự do, gia đình bà Tình vẫn lo lắng chờ đợi quyết định cuối cùng về vụ án. Và niềm vui đã đến với gia đình bà, và đó cũng là điều mà chúng tôi cùng luật sư Lan vẫn đang chờ đợi. Ngày 17/6/2015, ông Hoàng Quốc Tuấn gọi điện báo tin, ngày 7/6/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định đình chỉ vụ án và quyết định về việc đình chỉ điều tra đối với bị can Bùi Thị Tình. Ông Hoàng Quốc Tuấn vui mừng không kể xiết: “Nhờ có các anh chị nhà báo và những nữ luật sư quả cảm, cuối cùng vợ tôi cũng được giải oan”...

Gặp gỡ luật sư, trao đổi với họ về công việc cũng có, giao lưu bạn bè, tình cảm kiểu “trà dư tửu hậu” về những vấn đề thời sự pháp luật đang được dư luận quan tâm cũng có… Đối với cá nhân tôi, luật sư thực sự là những người không thể thiếu trong công việc chuyên môn, họ luôn sẵn sàng phối hợp với báo chí, hết mình bảo vệ công lý.

H.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này