Khẳng định kênh truyền thông chính sách hiệu quả

16:36 | 30/03/2023
(LĐTĐ) Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày báo Lao động Thủ đô xuất bản số đầu tiên (1/4/1993 - 1/4/2023), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã dành cho phóng viên báo Lao động Thủ đô cuộc trao đổi về vai trò của công tác tuyên truyền nói chung và tuyên truyền trên báo chí nói riêng, qua đó truyền tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào, hoạt động của tổ chức Công đoàn tới với đông đảo đoàn viên, người lao động (NLĐ).
TP.HCM: Nâng cao năng lực tuyên truyền, vận động cho cán bộ công đoàn Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu: Xem xét gói hỗ trợ cho lao động mất việc

Phóng viên: Thưa Phó Chủ tịch, công tác tuyên truyền lâu nay vẫn coi là nhiệm vụ thường xuyên, có tính chất mở đường về tư tưởng chính trị, góp phần xây dựng, bồi đắp lý tưởng, nhận thức cho mỗi đoàn viên, NLĐ. Xin Phó Chủ tịch có thể nói rõ hơn về vai trò của công tác tuyên truyền của tổ chức Công đoàn nói chung và tuyên truyền trên báo chí Công đoàn nói riêng với phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn trong giai đoạn hiện nay?

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu: Công tác tuyên giáo Công đoàn là bộ phận trọng yếu, có vai trò lớn trong giác ngộ, tập hợp, tổ chức các hoạt động phong trào cho đoàn viên, NLĐ; góp phần củng cố niềm tin cho đoàn viên, NLĐ, làm cho NLĐ tin hơn vào tổ chức Công đoàn của mình; đồng thời giúp xã hội hiểu hơn về vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn.

Khẳng định kênh truyền thông chính sách hiệu quả
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu chỉ đạo trong Lễ ra mắt Văn phòng báo Lao động Thủ đô tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay công tác tuyên truyền của tổ chức Công đoàn nói chung và báo chí nói riêng gặp không ít thách thức như: Không khí dân chủ xã hội và đòi hỏi từ mỗi đoàn viên, NLĐ ngày càng cao hơn; mạng xã hội, các loại hình truyền thông đa phương tiện tác động từng giờ, cạnh tranh con đường đưa thông tin đến đoàn viên, NLĐ; tổ chức của người lao động được phép ra đời… Thực tiễn mới đòi hỏi hệ thống tuyên giáo và báo chí Công đoàn cần tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động; chủ động dự báo và tiếp cận các vấn đề mới phát sinh; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và mạng xã hội trong tuyên truyền; quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, đội ngũ cán bộ, phóng viên, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong tình hình mới.

Muốn làm được như vậy, người làm công tác định hướng, tuyên truyền phải đọc sâu, đọc kỹ, đọc nhiều, bởi nếu nhận thức đúng thì hành động đúng; nhận thức tốt, sẽ hành động hiệu quả.

Phóng viên: Xin Phó Chủ tịch cho biết, với tầm quan trọng trên, công tác tuyên truyền của hệ thống Công đoàn nói chung và báo chí Công đoàn nói riêng hiện nay cần tập trung vào những nội dung gì?

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tuyên truyền hiện nay các cấp Công đoàn và báo chí trong hệ thống là cần đẩy mạnh tuyên truyền về đại hội công đoàn các cấp, tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, coi Đại hội là dịp để tuyên truyền về tổ chức Công đoàn, qua đó khẳng định, nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn.

Trong đó, cần tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp Công đoàn, đoàn viên, NLĐ về những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn trong các hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam; khơi dậy niềm tự hào về vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân và niềm tin với tổ chức Công đoàn Việt Nam của đoàn viên, NLĐ, qua đó phát huy ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, quyết tâm cao vượt qua khó khăn, thử thách, tích cực thi đua học tập, nghiên cứu, tham mưu trong mỗi đoàn viên, NLĐ.

Gắn các nội dung tuyên truyền về đại hội công đoàn với mục tiêu, tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, đó là: “Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, NLĐ; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và NLĐ cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Bên cạnh đó, một số nội dung cần tích cực tuyên truyền trong thời điểm hiện nay, đó là: Tháng Công nhân năm 2023 với chủ đề “Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức”, góp phần huy động nguồn lực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ; tuyên truyền về việc triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và hướng dẫn học tập Chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; Hướng dẫn số 69/HD-TLĐ ngày 24/11/2022 của Tổng Liên đoàn thực hiện Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 19/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030”… qua đó xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh theo đúng tinh thần mục tiêu của Nghị quyết số 02-NQ/TW đã đề ra.

Phóng viên: Nghị quyết số 02-NQ/TW là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về tổ chức Công đoàn trong thời kỳ đổi mới được Bộ Chính trị khóa XIII ban hành. Qua gần 2 năm triển khai, có thể nhận thấy, tư duy, nhận thức về triển khai Nghị quyết đã có nhiều đổi mới. Đồng chí đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của báo chí trong công tác tuyên truyền, định hướng, đưa Nghị quyết tiếp tục đi sâu, đi sát vào cuộc sống và phát huy hiệu quả hơn nữa trong thực tiễn, thưa Phó Chủ tịch?

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu: Có thể khẳng định việc ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW thể hiện sự tin tưởng, trao gửi của Đảng đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam trên quan điểm “Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh là góp phần quan trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa”. Nội dung của Nghị quyết là cơ sở chính trị để Công đoàn Việt Nam đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đoàn viên, NLĐ; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị chăm lo cho tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam. Do đó, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động số 02/CTr-BCH tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Công đoàn sớm hoàn thành việc học tập, quán triệt Nghị quyết, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Nghị quyết trong toàn hệ thống Công đoàn.

Khẳng định kênh truyền thông chính sách hiệu quả
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thăm, chúc Tết cán bộ, phóng viên báo Lao động Thủ đô dịp Xuân Quý Mão.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cơ quan báo chí Công đoàn đã đăng tải toàn văn Nghị quyết, mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về việc học tập, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch và kết quả triển khai Nghị quyết 02-NQ/TW và Chương trình số 02/Ctr-BCH trong các cấp Công đoàn. Hiệu quả rõ nét nhất trong gần 2 năm qua đó là: Vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ được tập trung thực hiện; hoạt động của các cấp Công đoàn hướng mạnh về cơ sở, tập trung hơn vào các nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; quan tâm phát triển các loại hình phúc lợi để đoàn viên, NLĐ được thụ hưởng nhiều giá trị của lợi ích từ tổ chức Công đoàn, từ đó, nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, phát triển đoàn viên.

Tuy nhiên, để Nghị quyết tiếp tục đi sâu, đi sát vào cuộc sống và phát huy hiệu quả hơn nữa trong thực tiễn, hệ thống tuyên giáo Công đoàn nói chung và báo chí Công đoàn nói riêng cần tập trung tìm hiểu, tuyên truyền về những mô hình hay, cách làm tốt trong tổ chức, triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị; kết quả cụ thể của quá trình đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn và những bài học kinh nghiệm trong quá trình vận động đoàn viên, NLĐ.

Phóng viên: Thời gian qua, xác định rõ nhiệm vụ chính trị của mình, cùng với hệ thống báo chí Công đoàn, báo Lao động Thủ đô đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức, niềm tin yêu của đoàn viên, NLĐ với Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn. Phó Chủ tịch đánh giá như thế nào về các hoạt động truyền thông của Báo, cũng như có những góp ý để báo Lao động Thủ đô ngày càng phát triển, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của tổ chức Công đoàn, tiếng nói của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động?

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu: Qua theo dõi, thời gian qua, tôi thấy báo Lao động Thủ đô - cơ quan ngôn luận của tổ chức Công đoàn Thủ đô - đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, đất nước, Thành ủy - Ủy ban nhân dân - Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn Thủ đô nói riêng, thông tin kịp thời, toàn diện các vấn đề đến bạn đọc và NLĐ, ngày càng khẳng định được vị thế.

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày báo Lao động Thủ đô xuất bản số báo đầu tiên (1/4/1993 - 1/4/2023), thay mặt lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới Ban Biên tập, tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên báo Lao động Thủ đô. Tôi kỳ vọng, trong chặng đường tới, bên cạnh việc bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, Thủ đô và tổ chức Công đoàn, báo Lao động Thủ đô cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về nội dung và hình thức, ứng dụng công nghệ thông tin, các loại hình báo mới để đưa tờ báo ngày càng phát triển. Đặc biệt, báo của tổ chức Công đoàn cần đề cập các vấn đề về Công đoàn sớm nhất, sâu nhất, bám đến cuối cùng và phải tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong bạn đọc và xã hội.

Không giới hạn ở bạn đọc Thủ đô, từ năm 2021, báo đã mở rộng địa bàn hoạt động đến các tỉnh phía Nam, miền Trung; xuất bản thêm các ấn phẩm phụ như Lao động và Pháp luật, Làm giàu với nội dung đa chiều, phong phú.

Cùng với báo chí trong hệ thống Công đoàn nói chung, báo Lao động Thủ đô đã tích cực tuyên truyền sâu rộng về các phong trào, hoạt động của tổ chức Công đoàn, những chủ trương, chính sách lớn của tổ chức Công đoàn, qua đó giúp đoàn viên, NLĐ thêm hiểu, tin yêu và gắn bó với tổ chức. Đặc biệt, báo đã chủ động tiếp cận và sáng tạo trong hình thức chuyển tải, nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… cho đoàn viên, NLĐ thông qua các buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến; qua đó kiến tạo hành hành lang pháp lý bảo vệ người lao động từ sớm, từ xa. Đây cũng là kênh để tổ chức Công đoàn tiếp nhận những tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ để tiếp tục tham gia với Đảng, Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ.

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày báo Lao động Thủ đô xuất bản số báo đầu tiên (1/4/1993 - 1/4/2023), thay mặt lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới Ban Biên tập, tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên báo Lao động Thủ đô.

Tôi kỳ vọng, trong chặng đường tới, bên cạnh việc bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, Thủ đô và tổ chức Công đoàn, báo Lao động Thủ đô cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về nội dung và hình thức, ứng dụng công nghệ thông tin, các loại hình báo mới để đưa tờ báo báo ngày càng phát triển. Đặc biệt, báo của tổ chức Công đoàn cần đề cập các vấn đề về Công đoàn sớm nhất, sâu nhất, bám đến cuối cùng và phải tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong bạn đọc và xã hội.

Để làm được điều đó, tôi mong mỗi cán bộ, phóng viên báo Lao động Thủ đô cần tích cực học tập, rèn giũa, không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng, nhạy cảm chính trị với lĩnh vực của mình, chịu khó đi sâu, đi sát các hoạt động của tổ chức Công đoàn, ghi nhận, nắm bắt đời sống công nhân lao động, phát hiện những vấn đề từ thực tiễn cuộc sống… để góp ý với Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn, làm tròn sứ mệnh của báo chí đó là “đi trước mở đường”.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí.

Lan Ngọc (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này