Nhiều vi phạm diễn ra ngang nhiên

09:47 | 13/02/2014
LĐTĐ -“Đến hẹn lại lên”, đầu năm mới, người dân Thủ đô cũng như du khách thập phương lại nô nức kéo nhau đi lễ hội. Tuy nhiên, cũng như mọi năm, tại một số điểm lễ hội thu hút đông du khách như phủ Tây Hồ, chùa Hương… vẫn còn nhiều “sạn”.

Phủ Tây Hồ là một nơi mà người dân Hà Nội lễ đầu năm đông nhất.10h30 sáng 11/2, trong cái rét cắt da cắt thịt, dòng người đi lễ tại phủ Tây Hồ vẫn ngày càng đông. Điều đầu tiên có thể thấy là việc đổi tiền lẻ diễn ra công khai mặc dù năm nay, nhà nước đã cấm hành vi đổi tiền lẻ ăn chênh lệch. Tại một gian hàng, bà chủ đon đả mời chúng tôi: “Đổi tiền đi cháu, tiền 10.000 đồng cũ cô lấy 25.000 đồng/tờ, còn tiền 10, 20.000 đồng polyme, nếu đổi 1 triệu đồng cô chỉ lấy chênh lệch 170.000 đồng…”. Khi được hỏi, đổi tiền lẻ không sợ bị phạt thì người bán hàng nói ngay: “Làm gì có ai phạt, mà biết phạt như thế nào. Năm nay người ta chỉ mới nhắc nhở thôi, có đổi thì đổi, không thì đi chỗ khác cho cô bán hàng”. Theo quan sát của chúng tôi có khoảng gần 10 hộ vẫn bày tủ kính tiền lẻ công khai, chỉ khác, họ không treo biển “Đổi tiền lẻ”.

Dịch vụ đổi tiền lẻ ở phủ Tây Hồ

Vào khu vực sắp lễ bên trong, đập vào mắt là một hàng dài người tụ tập chơi xổ số bóc. Chỉ có 5 hàng xổ số nhưng có hàng chục lượt người liên tục bóc, so kết quả và… trả tiền. Không biết nguồn gốc xổ số được cơ quan chức năng quản lý ra sao nhưng tại một hàng, PV mua thử một vé thì đó là xổ số bóc Hà Nam với mệnh giá 5.000 đồng/vé. Chỉ trong vòng 15 phút ghé tại khu vực này, rất nhiều người chơi như “thiêu thân”, hình như quên cả việc họ đang đi lễ đầu năm để cầu may. Người thua ít thì vài chục nghìn, nhiều lên đến cả trăm nghìn. Một tự quản phường Quảng An (quận Tây Hồ) tâm sự: Chẳng biết xổ số thật hay giả, chỉ thấy người dân cứ túm năm tụm ba mua vé số, bóc ra, chẳng thấy ai trúng chỉ thấy móc tiền túi rồi ngao ngán bỏ về”. Điều mà năm nào du khách cũng bức xúc là tình trạng thu tiền vé xe máy. Tại bãi xe rộng hàng nghìn m2 của HTX Nông nghiệp Quảng An, vé xe máy đề là 3.000 đồng/xe nhưng thực tế khi thu tiền, du khách vẫn phải trả 10.000 đồng. Theo quan sát, ngay cửa ra bãi xe, lúc nào cũng có từ 5 – 7 thanh niên đội mũ lưỡi trai sùm sụp đứng thu tiền. Khi khách gửi xe thắc mắc về giá vé, họ cũng chẳng buồn trả lời và chỉ thu tiền, trả lại tiền. Rất nhiều người khó chịu nhưng cũng đành phải chấp nhận.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Trường, Phó chủ tịch UBND phường Quảng An, cho biết: Năm nay, Phòng CSHS, CATP Hà Nội, đã tăng cường thêm nhiều trinh sát trực tiếp xuống Phủ để đảm bảo tình hình ANTT, vì thế, nạn trộm cắp, hành nghề bói toán mê tín dị đoan đã giảm đáng kể. Về việc đổi tiền lẻ công khai thì khó xử lý vì chưa có chế tài. Chúng tôi mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, tuyên truyền tới các hộ kinh doanh. Đối với việc thu vé xe máy trái quy định, chúng tôi sẽ kiểm tra, xử lý.

Tại lễ hội chùa Hương, ban tổ chức vẫn chưa thể giải quyết hết những tồn tại nhiều năm qua. Đầu tiên phải kể đến là giá vé trông giữ xe máy, ô tô. Giá vé gửi xe máy là 20.000 đồng/xe, ô tô 9 chỗ bị làm giá lên đến 50.000 đồng. Ngoài ra, đồ ăn, thức uống cũng thi nhau tăng giá, giá chai C2 được bán 20.000 đồng/chai... Tiếp đến là dịch vụ đi đò. Mặc dù năm nay, ban tổ chức không tăng giá vé đò, vé tham quan thắng cảnh, nhưng khi khách đến bến đò, những chủ đò vẫn chèo kéo, mời gọi và đòi chênh số tiền của mỗi khách từ 50.000 lên 100.000 đồng/người, mặc dù theo quy định, du khách đã mua vé tham quan và vé đò của ban tổ chức lễ hội rồi thì không phải trả bất kỳ khoản tiền dịch vụ đò nào nữa. Việc đổi tiền lẻ cũng gây bức xúc không ít cho những khách hành hương chùa Hương. Ngay tại đường vào đền Trình, cả chục người vẫn ngang nhiên hành nghề, trên tay cầm nhiều tập tiền có mệnh giá từ 500 đồng đến 5.000 đồng đon đả mời chào khách hành hương đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch.

Võ Hoàng
 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này