Bảo vệ không gian xanh đô thị

08:03 | 28/03/2023
(LĐTĐ) Hà Nội đang sắp bước vào những ngày nắng nóng của năm 2023, sự thay đổi lớn về nền nhiệt cùng hiệu ứng từ quá trình đô thị hóa khiến cả Thành phố như biến thành “đảo nhiệt”. Trong tiết trời như vậy mới thấy rõ giá trị của hệ thống cây xanh đô thị. Từ nhiều năm qua, để thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh văn hiến - văn minh - hiện đại, xây dựng môi trường sống tốt nhất, người dân được sinh hoạt, giải trí với chất lượng cao, Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Tìm giải pháp giải tỏa “cơn khát” không gian xanh đô thị Chung tay xây dựng không gian xanh

Những tuyến đường “xanh”

Cách đây gần 6 năm, đã có nhiều nghi ngại khi cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng buộc phải chặt hạ, di dời để phục vụ thi công mở rộng tuyến đường vành đai 3. Thế nhưng, đến nay, sau khi mở rộng, đường Phạm Văn Đồng trở thành tuyến đường đẹp và hiện đại bậc nhất Thủ đô với bề mặt cắt ngang lên tới 93m, với 12 làn xe cùng đường cao tốc vành đai 3 trên cao nối thẳng tới chân cầu Thăng Long. Điều đáng nói, bên cạnh hệ thống hạ tầng được quy hoạch bài bản, những hàng cây xanh nối dài, thẳng tắp được trồng ngay ngắn theo hàng lối cũng khiến những người dân khó tính nhất cũng phải hài lòng. Hiện tại, tuyến đường này có độ phủ cây xanh lớn nhất Hà Nội với nhiều lớp, từ thấp tầng tới cao tầng.

Bảo vệ không gian xanh đô thị
Đường Phạm Văn Đồng rợp bóng cây sau 6 năm mở rộng.

Vẫn biết, do quá trình đô thị hóa, dù muốn hay không, một số cây cổ thụ buộc phải đốn bỏ nhường chỗ cho những tòa nhà chọc trời - những vấn đề cần thiết lâu dài cho cuộc sống của con người. Đây cũng là một quy luật tất yếu nhưng không phải chúng ta chỉ biết chặt hạ, di dời. Hà Nội, trong nhiều năm qua, đã liên tiếp mọc lên hàng vạn cây xanh. Những con đường mới mở sau này, mang vóc dáng hiện đại như: Đường Phạm Hùng, đường Lê Đức Thọ, đường Hoàng Quốc Việt, đường Võ Chí Công, đường Võ Nguyên Giáp…, dọc 2 bên các đường phố này, đều mọc lên những vườn cây xanh, hàng cây xanh.

Là người thường xuyên di chuyển trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, anh Vũ Thanh Tùng (trú tại phường Xuân La, quận Tây Hồ) chia sẻ, trước đây trên đường Phạm Văn Đồng nhiều cây lâu năm, mặc dù có tán rộng nhưng không được chăm sóc chu đáo, cây dáng cong nghiêng, cành lá loà xoà, thậm chí còn gây bất tiện cho người và xe cộ khi tham gia giao thông. Vài năm vừa qua, hệ thống cây xanh của Hà Nội đã có những chuyển biến rất rõ rệt, tích cực. Thành phố đẹp hơn, xanh mát hơn nhờ các hàng cây đều tăm tắp, màu sắc phong phú, đẹp quanh năm. Một số tuyến đường còn trở thành nơi “check in” cho giới trẻ đến chụp ảnh, hoặc diễn ra hoạt động văn hoá, văn nghệ. Đường phố Hà Nội bây giờ đã thật sự đẹp, xanh, sạch hơn rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Đức Mạnh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội, hiện, công tác cắt sửa cây xanh được thực hiện theo đúng quy trình của Sở Xây dựng Hà Nội ban hành. Đối với những cây bóng mát, tùy thuộc vào chủng loại cây có thể thực hiện hai năm cắt sửa một lần, nhiều chủng loại cây thì 5 năm cắt sửa hai lần, kể cả những cây đô thị và cây cổ thụ. Đối với những trường hợp trong vòng hai năm, chưa đến kỳ hạn cắt sửa mà cây bị mục ruỗng… thì công ty phải xử lý ngay, có quy trình xử lý ngay đối với những trường hợp khẩn cấp cần phải xử lý. Việc thực hiện rà soát các cây bóng mát trên địa bàn được tiến hành thường xuyên theo công tác tuần đường chứ không phải trước hay sau mùa mưa bão. Hàng ngày, các đơn vị quản lý địa bàn của công ty đều thực hiện tiến hành rà soát các cây bóng mát trên địa bàn Thành phố.

Nhân rộng những khoảng xanh

Theo kế hoạch, Thành phố sẽ trồng mới cây xanh đô thị giai đoạn 2021-2025 là 500.000 cây, cụ thể: Năm 2021 trồng 52.579 cây xanh (đã thực hiện); năm 2022 trồng 49.179 cây xanh (đã thực hiện); năm 2023 trồng 133.629 cây xanh; năm 2024 trồng 145.853 cây xanh và năm 2025 trồng 118.760 cây xanh.

Đáng chú ý, trong năm 2023, thành phố Hà Nội sẽ trồng bổ sung, thay thế cây bóng mát vào những vị trí cây chết, hố trống, cây cong, sâu, nguy hiểm, già cỗi, kém phát triển, cây không thuộc danh mục cây đô thị trên một số tuyến phố và trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện; đầu tư cải tạo xây dựng các vườn hoa, sân chơi, công viên; trồng cây mảng, khóm tạo cảnh quan tại các tuyến phố trên địa bàn các quận; trồng cây tạo dải xanh, cải tạo môi trường tại các trục quốc lộ, tỉnh lộ, vùng ảnh hưởng bán kính 500m khu xử lý rác thải Xuân Sơn. Thành phố cũng sẽ trồng cây xanh thuộc phạm vi các dự án xây dựng do Thành phố đầu tư và 13 dự án đầu tư xây dựng; đường giao thông thuộc Đề án Đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 đối với 5 huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng; trồng cây xanh thuộc dự án đầu tư công viên: Công viên khu đô thị Tây Nam Hà Nội, Công viên Chu Văn An (giai đoạn 2).

Từ mục tiêu này, các sở, ban, ngành Thành phố, chính quyền các cấp phối hợp với các đơn vị được giao nhiệm vụ duy tu, duy trì, trồng mới cây xanh trên địa bàn thành phố thực hiện các chỉ tiêu cây xanh theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; tập trung kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực phát triển hệ thống cây xanh đô thị; triển khai thiết kế cảnh quan, đầu tư xây dựng các công viên, vườn hoa theo quy hoạch.

Có thể nói, mặc dù trông việc trồng mới, thay thế cây xanh đã được thành phố Hà Nội quan tâm đầu tư nhưng nhìn tổng thể bức tranh toàn cảnh của hệ thống cây xanh chưa thực sự tạo được nhiều điểm nhấn về kiến trúc, không gian của đô thị loại đặc biệt. Để làm được điều này, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần tiếp tục quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị, không ngừng phát triển cả về số và chất lượng phong phú về chủng loại cũng như phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từ đó góp phần tích cực vào việc cải thiện môi sinh, môi trường cho đô thị.

Tuấn Trần

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này