Thợ mỏ Việt Bắc vào Xuân

10:25 | 10/02/2014
LĐTĐ - Năm Quý Tỵ, theo thuyết âm dương – ngũ hành là năm con Rắn nằm trong cỏ. Một năm đầykhó khăn và biến động bất thường của thiên nhiên đã tác động đến cuộc sống con người. Với vùng than Việt Bắc cũng không thể nằm ngoài sự ảnh hưởng ghê gớm ấy…

Bản lĩnh người thợ

Như mọi người vẫn nói thì năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2011-2015), với mấy chục năm đi làm mỏ, qua nhiều năm bản lề nhưng tôi chưa thấy năm nào lại có nhiều khó khăn và thử thách ghê gớm đối với vùng than Việt Bắc như năm qua. Suy thoái kinh tế thế giới và trong nước tuy chỉ mới có dấu hiệu phục hồi nhưng khó khăn triền miên, cái nọ nối tiếp cái kia. Sự nổi giận của thiên nhiên thì không có cái gì mà con người có thể  chế ngự và xoay chuyển hoặc cưỡng lại được : “Mưa – bão- lũ” liên tiếp. Cơn bão số ba vào miền Bắc dạo tháng Tám, tuy gió không lớn nhưng lượng nước mưa của hoàn lưu sau bão đã biến cả xóm Cây Bòng thuộc khu tập thể của Nhà máy xi măng La Hiên chìm trong biển nước, bị cách ly hoàn toàn như một hòn đảo cô lập. Nhà cửa đổ nát, tài sản, sách vở của con em công nhân, gia súc, gia cầm bị trôi theo dòng nước hung hãn. Moong khai thác của Công ty than Khánh Hòa ngập nước mênh mông, Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc và Công ty than Khánh Hòa đã tập trung tất cả năng lực và thiết bị bơm nước khôi phục sản xuất. Nhưng thật trớ trêu mực nước rút ra sông được một vài mét thì cơn bão sau lại ập đến, mưa tiếp tục trút nước, lòng moong lại tiếp tục đầy thêm. Ở Công ty than Na Dương, mưa làm cho đất mỏ quánh lại, đất bị vò đi vò lại nhàu nhĩ khiến xe máy không thể nào lê lết được trên đường mỏ. Khó khăn trăm bề khi phải đối mặt với thiên nhiên, thậm chí cho đến tận tháng mười một là tháng cao điểm của mùa khô mà vẫn có bão, mưa liên tục trút nước xuống các công trường khai thác than, đá. Suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến ngành xây dựng và các công trình kiến thiết cơ bản khu vực phía Bắc đã tác động trực tiếp đến các Công ty sản xuất xi măng như La Hiên, Quán Triều và Tân Quang. Sản xuất khó khăn, các mặt hàng chủ lực như than, xi măng tiêu thụ chậm và thấp đã gây nên những ảnh hưởng không tốt đến đời sống và thu nhập của người lao động. Trong những lúc gian nguy khốn khó, bản lĩnh và quyết tâm của thợ mỏ lại  càng được đề cao hơn bao giờ hết, những cán bộ lãnh đạo Tổng công ty, Công đoàn, Đoàn thanh niên và Công ty cổ phần xi măng La Hiên đã vượt lũ mang hàng cứu trợ và tiền ủng hộ các gia đình công nhân và nông dân địa phương bị ảnh hưởng mưa lũ ở La Hiên và khu vực phụ cận với số tiền hàng trăm triệu đồng sau cơn bão số 3. Những gia đình và mảnh đời của các công nhân bị tai nạn, nhà nghèo hoàn cảnh gieo neo, cửa nhà dột nát ở các mỏ than, các nhà máy trong Tổng công ty đều được các cấp lãnh đạo quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ. Với nguồn kinh phí của Tập đoàn Vinacomin, quỹ “ Mái ấm công đoàn TKV” và nguồn đóng góp của các đơn vị được trên 300 triệu đồng. Số tiền quý  giá ấy đã xây dựng được 5 ngôi nhà kiên cố mới, sửa chữa lớn 2 ngôi nhà khác cho các gia đình công nhân ở Công ty cổ phần xi măng La Hiên ( huyện Võ Nhai -Thái Nguyên) Công ty than Núi Hồng ( Đại Từ – Thái Nguyên) và Công ty than Na Dương ( Lạng Sơn). Cùng cảm thông với sự mất mát, đau thương của nhân dân miền Trung bị bão lũ thiên tai, tình cảm của thợ mỏ vùng chiến khu xưa lại được thể hiện bằng sự giúp đỡ đóng góp những đồng lương tháng với số tiền trên 1.000 triệu đồng. Giúp đỡ những con em công nhân học giỏi và người tàn tật với số tiền  gần 30 triệu đồng. Vào mùa khai giảng năm học mới (2013-2014), cảm thông với những gia đình khó khăn và thu nhập thấp, Công đoàn Công ty than Khánh Hòa ( Thái Nguyên) đã tạm ứng cho vay mỗi gia đình 2 triệu đồng để các cháu có tiền đóng học và mua sách vở dụng cụ học tập cho năm học mới. Nhiều nghĩa cử cao đẹp của thợ mỏ vùng than Việt bắc được thể hiện đã góp phần giúp NLĐ vượt qua khó khăn .

Thợ mỏ vào Xuân

Tết Nguyên đán năm nay đến sớm hơn mọi năm, tôi lại hành trình đến với vùng than Việt Bắc để thăm cuộc sống của những gia đình thợ mỏ. Biết khó khăn còn nhiều , song bản chất của thợ mỏ luôn luôn yêu đời và lạc quan, họ vẫn hy vọng và tin tưởng sẽ vượt lên tất cả, mùa sản xuất cuối năm bận rộn, thời tiết vào mùa hanh khô nhưng có lẽ tại năm vừa qua mưa nhiều nên nhiều hàng cây vẫn xanh tươi chưa chịu trút lá, không khí của mùa Xuân và mùa Đông vẫn còn chồng lấn làm cho tâm hồn của mỗi người thêm ấm lại. Bản chất và cuộc sống mưu sinh đã dạy cho mỗi thợ mỏ biết hy sinh vì anh em đồng chí và cũng biết dành dụm vật chất của những lúc dôi dư để lại cho những thời điểm khó khăn. Những tài sản lớn như xe máy, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng... được sắm sanh lúc thuận lợi đến bây giờ vẫn phát huy tác dụng. Các gia đình thợ mỏ vẫn háo hức và chuẩn bị vào Xuân, những từ ngữ trong câu đối cổ mà mỗi người thuộc thợ mỏ lớp trước đến nay vẫn nhớ và mang đi từ các vùng quê đến mỏ là : Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ cây nêu và bánh chưng xanh thì bây giờ vẫn phải có thì mới gọi là Tết chứ ? Cơ chế thị trường đã qua đi mấy chục năm kể từ khi xóa bỏ bao cấp, không còn cảnh ăn chia từng cân thịt, từng yến gạo, gói mỳ chính và cũng quên đi cả cái cảnh tích lũy, chứa chấp hàng hóa tại nhà như một cái kho nhỏ không còn tồn tại. Việc quan tâm của các gia đình là ăn Tết vui vẻ, đón được nhiều người thân, bạn bè đến chung vui. Bên chén rượu xuân, người ta lại cùng nhau trò chuyện, chuyện đời, chuyện người, chuyện của ngày xuân cùng với biết bao đề tài phong phú khác. Tuy nhiên sau những câu chuyện ấy, không thể không nói đến việc làm và thu nhập cho tương lai của một năm mới đang đứng ở phía trước. Mục tiêu sản xuất thời hiện đại người ta không nói nhiều đến sản lượng là bao nhiêu mà chỉ cần nói đến hiệu quả, và đề tài bảo vệ môi trường được quan tâm như một điểm nóng nhất của sản xuất. Các công ty con, đơn vị trực thuộc đã tập trung lo thêm tiền thu nhập, Công ty hoàn thành vượt mức kế hoạch thì tăng thêm mỗi người một tháng lương, đơn vị khó khăn hơn thì giảm đi khoảng một nửa, nhưng chỗ nào cũng có để động viên người lao động.

Xuân đã đến với vùng than Việt Bắc, trên đường từ Hà Nội lên Lạng Sơn, qua đường 1B đi Bắc Sơn – Đình Cả -  Thái Nguyên, vượt Đèo Khế sang Sơn Dương – Tuyên Quang và trở về Vĩnh Phúc … đây đó những chùm hoa đào, hoa mơ khoe sắc bên những nương  hoa cải vàng. Có cả những hàng hoa sim, hoa mua tím xen lẫn hoa cúc quỳ vàng ruộm, tất cả đều báo hiệu mùa xuân đã về. Trong sắc xuân rộn ràng ấy, thợ mỏ vùng Việt Bắc lại náo nức chào đón, hòa nhập và đồng hành cùng mùa Xuân với một khí thế mới, một tâm hồn và sức trẻ rạo rực. Tôi bỗng nghe tiếng hát vọng ra từ căn nhà tập thể công nhân bài hát của nhạc sỹ Trần Hoàn “ Em ơi, mùa xuân đến rồi đó ….”và chợt nghĩ, lại một mùa than mới đang chờ đón những người thợ mỏ ./.

                                             Ngày cuối năm  Hà Nội – Lạng Sơn – Thái Nguyên...

                                                              N.Q.T

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này