Huyện Gia Lâm lên quận dân phải giàu, kinh tế phải mạnh

21:20 | 24/03/2023
(LĐTĐ) Là cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, huyện Gia Lâm có tiềm năng phát triển rất lớn. Địa phương này đang tập trung thực hiện các tiêu chí, quy định để phát triển lên quận. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Điều mà lãnh đạo Thành phố quan tâm nhất là phải bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân. Lên quận, nhưng dân phải giàu, kinh tế phải mạnh”.
Người đứng đầu quyết tâm thì chuyển đổi số thành công Tiếp tục có giải pháp hỗ trợ lực lượng trí thức trẻ Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong triển khai đường Vành đai 4

Ngày 24/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với cán bộ chủ chốt huyện Gia Lâm để nắm bắt tình hình và định hướng phát triển địa phương này trong thời gian tới.

Huyện Gia Lâm lên quận thì dân phải giàu, kinh tế mạnh
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Lương Toàn).

Tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà đã báo cáo khái quát việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của địa phương. Cụ thể, năm 2022, huyện hoàn thành 15/16 chỉ tiêu kế hoạch Thành phố giao, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Việt Hà, thực hiện đề án phát triển lên quận, đến nay huyện Gia Lâm đã đạt 6/6 tiêu chí bắt buộc về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Với 4 nhóm tiêu chí về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị cần đạt tối thiểu (21/25 tiêu chí), huyện cũng đã đạt 22/25 tiêu chí.

Về điều kiện thành lập phường, huyện đã xây dựng dự thảo phương án điều chỉnh địa giới hành chính và rà soát, tính toán lại các tiêu chí theo phương án điều chỉnh còn 16 đơn vị hành chính. Các phường dự kiến thành lập đến nay đã đạt 2/3 tiêu chí bắt buộc (Tiêu chí chưa đạt là tiêu chí cân đối thu chi ngân sách); đồng thời, đã đáp ứng nhóm tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định.

Huyện Gia Lâm đã hoàn thành lựa chọn đơn vị tư vấn lập Đề án thành lập quận và các phường trực thuộc, phấn đấu hoàn thành, báo cáo Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố trong quý II/2023.

Để giúp huyện Gia Lâm phát triển thuận lợi trong thời gian tới, ông Nguyễn Việt Hà kiến nghị Thành phố quan tâm giải quyết 21 vấn đề về lĩnh vực xây dựng Đảng và kinh tế - xã hội; 5 nội dung về nhiệm vụ thành lập quận.

Huyện Gia Lâm lên quận thì dân phải giàu, kinh tế mạnh
Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh: Lương Toàn)

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận, phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao về kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm đã đạt được trong thời gian qua.

Huyện Gia Lâm là cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt... Huyện còn có hệ thống di tích văn hóa, lịch sử rất phong phú; làng nghề đặc sắc; có các học viện, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn... Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng, đây là lợi thế, có tiềm năng phát triển rất lớn. Huyện đang tập trung thực hiện các tiêu chí, quy định để phát triển lên quận. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm gì để đưa Gia Lâm thành quận mà không như các huyện từng lên quận trước đây, cao ốc mọc lên nhiều, nhưng thu nhập bình quân đầu người vẫn rất thấp.

“Quan trọng là xác định rõ cho Gia Lâm một hướng đi; điều mà lãnh đạo Thành phố quan tâm nhất là phải bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân. Lên quận, nhưng dân phải giàu, kinh tế phải mạnh”, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, về định hướng lên quận, cấp ủy, chính quyền từ huyện xuống các xã, thị trấn cần xác định rõ là lên quận phải duy trì được sự phát triển bền vững, lâu dài; quận ở đây là phải “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”.

Trong đó, phải tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ; chú trọng phát triển hệ thống logistics, cảng cạn, chợ, siêu thị, công viên chuyên đề cây cảnh; khơi dậy cho được nguồn lực văn hóa, nhất là bảo tồn, phát huy hơn 300 di tích trên địa bàn, các lễ hội, nhất là những di tích, lễ hội đặc sắc gắn với hai trong bốn “Tứ bất tử” Phù Đổng Thiên Vương và Chử Đồng Tử...

Huyện Gia Lâm lên quận thì dân phải giàu, kinh tế mạnh
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Lương Toàn)

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu, sau cuộc làm việc này, Ban Thường vụ Huyện ủy cần họp bàn để tiếp thu các ý kiến trao đổi, định hướng, chỉ đạo của Thành phố, nhất là nêu cao tinh thần tự chủ, đổi mới tư duy, nhận thức, nêu cao ý thức trách nhiệm và tinh thần dám nghĩ, dám làm; định vị lại con đường phát triển, đô thị hóa phải bảo đảm phát triển bền vững, lâu dài; đồng thời, rà soát lại các kiến nghị, đề xuất, xem xét từng vấn đề, vấn đề nào nằm trong khả năng có thể chủ động giải quyết được phải hành động.

Cấp ủy phải quyết liệt đổi mới phương thức lãnh đạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát cơ sở; thực hiện tốt chủ đề của Thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; chủ động định hướng công việc cho chính quyền; giao việc, nhưng không phó mặc, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ cho đến khi có kết quả, có sản phẩm. Chú trọng công tác xây dựng, chỉ đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là phù hợp với yêu cầu lên quận.

Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Văn phòng Thành ủy, Ban Cán sự UBND Thành phố, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân Thành phố và Huyện ủy Gia Lâm phối hợp trao đổi thống nhất phương án xử lý các kiến nghị, có phân công nhiệm vụ, giao tiến độ rõ ràng để đưa vào kết luận buổi làm việc; làm căn cứ để tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này