Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

10:02 | 24/03/2023
(LĐTĐ) Sáng nay (24/3), Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Huỳnh Thanh Xuân được bầu làm Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Lan tỏa văn hóa doanh nghiệp, góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh Lan tỏa lợi ích tích cực từ Hội thi "Sáng tạo video clip bài tập thể dục giữa giờ"

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhân dân cả nước nói chung, cán bộ Công đoàn và đoàn viên, người lao động nói riêng đã tích cực tham gia góp ý vào dự thảo Luật.

Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu khai mạc Hội nghị.

Theo kết quả tổng hợp, các cơ quan, tổ chức trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức hơn 430 hội nghị, hội thảo; qua đó đã nhận được hơn 10.000 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổng hợp các ý kiến bằng văn bản gửi về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, hôm nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện, mong nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cán bộ Công đoàn; trong đó tập trung vào các vấn đề như: Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động nhìn từ khía cạnh Luật Đất đai; vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong Luật Đất đai (sửa đổi); Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất…

Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Đại biểu dự Hội nghị phản biện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trao đổi thêm về nhu cầu bức thiết về nhà ở xã hội của công nhân lao động, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Hiện chúng ta có gần 18 triệu công nhân lao động, tuy nhiên mới có khoảng 20% trong số này được đáp ứng nhu cầu về nhà ở. Việc chưa có chỗ ở ổn định, dễ dẫn đến dịch chuyển lao động trong công nhân lao động, nhiều công nhân phải thuê trọ trong những khu nhà trọ ẩm thấp, tồi tàn. Bên cạnh đó, do điều kiện sống không đảm bảo, nhiều công nhân lao động phải gửi con về quê nhờ người thân trông giúp, dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội tiêu cực.

Do đó, tại Hội nghị, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn các chuyên gia, đại biểu dự Hội nghị phản biện tham gia góp ý nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai nhà ở cho công nhân lao động, đặc biệt là công nhân lao động làm việc trong khu công nghiệp.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này