Nâng cao văn hóa đọc trong nhà trường

11:34 | 23/03/2023
(LĐTĐ) Văn hóa đọc phải được rèn luyện ngay từ nhỏ và trường học chính là môi trường lý tưởng để các em trau dồi, hình thành nên thói quen đọc sách. Hiện nay, để lan tỏa văn hóa đọc, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có những cách làm hay, hiệu quả, từ đó khuyến khích học sinh hăng say tìm tòi, khám phá tri thức từ những trang sách, tác phẩm hay.
"Phố Sách cuối tuần" - nâng cao văn hóa đọc của Thủ đô Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam

Với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, học sinh có thể dành nhiều tiếng đồng hồ để chơi điện tử, xem Tik tok, Facebook hay Youtube, nhưng việc cầm một cuốn sách để đọc lại hề không dễ dàng. Kể cả khi giáo viên yêu cầu, dặn dò, khuyên nhủ rằng các em nên đọc sách để học hỏi, trau dồi tri thức thì đa phần đều bỏ ngoài tai hoặc nếu có thì chỉ cầm cuốn sách lên liếc qua kiểu chống đối rồi bỏ xuống.

Vậy làm thế nào để học sinh từ sợ đọc sách đến chịu khó đọc sách, thậm chí đam mê đọc sách? Ý thức vai trò quan trọng của văn hóa đọc, thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều phương pháp giúp hình thành và duy trì thói quen yêu thích sách cho học sinh.

Nâng cao văn hóa đọc trong nhà trường
Học sinh Trường Trung học cơ sở Phương Mai (quận Đống Đa) đọc sách trong thư viện nhà trường. Ảnh: P.T

Chẳng hạn, tại Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy), văn hóa đọc đã trở thành nếp của nhiều thế hệ học sinh với những đầu sách có chọn lọc đối với từng khối lớp. Các đầu sách này đã được thầy cô tổ bộ môn chọn lựa, là nội dung bắt buộc các phải đọc, tìm hiểu.

Mỗi tháng một cuốn sách không phải là quá nhiều, các thầy cô sẽ khuyến khích học sinh đọc sách ở nhà, ở trường, trong các tiết tự học. Để học sinh có cơ hội được tiếp cận và đọc sách liền mạch, ngoài việc khuyến khích phụ huynh mua sách, làm thẻ thư viện, nhiều lớp học còn hình thành các thư viện nhỏ, mua nhiều đầu sách để phục vụ nhu cầu đọc của học sinh.

Hay như tại Trường Tiểu học Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), đọc sách đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong mỗi giờ ra chơi hay đầu và cuối giờ học của học sinh. Hình ảnh những cô bé, cậu bé háo hức cùng nhau lên thư viện, cùng nhau chọn những cuốn sách hay và ngồi say sưa đọc sách, trao đổi thông tin tại thư viện đã trở thành nét đẹp của ngôi trường này. Nguyễn Thị Khánh Chi (học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Cổ Đông) cho biết, đến thư viện, em như được bước vào một cung điện, cô thủ thư trang trí thật lộng lẫy, lại còn có bao nhiêu truyện hay.

Được biết, để duy trì hiệu quả hoạt động thư viện cũng như phong trào đọc sách trong nhà trường, hàng năm, Trường Tiểu học Cổ Đông đều mua bổ sung thêm các đầu sách phù hợp chương trình mới và lứa tuổi học sinh tiểu học, trang thiết bị, kệ sách, không gian thư viện bắt mắt và sắp xếp khoa học… tạo ra môi trường đọc sách thoải cho người đọc. Cùng đó, nhà trường cũng huy động hàng nghìn cuốn sách, truyện từ sự đóng góp của học sinh toàn trường để xây dựng các góc nhỏ thư viện ngay tại lớp học nhằm giúp học sinh đọc được mọi lúc, mọi nơi.

Tại Trường Trung học cơ sở Phương Mai (quận Đống Đa), Hiệu trưởng Phan Thị Thục Hạnh chia sẻ, nhà trường rất quan tâm đến việc phát triển văn hóa đọc trong trường học. Gần đây nhất, nhà trường đã phối hợp với thương hiệu sách Einstein Books and More (trực thuộc Alpha Books) tổ chức Hội sách tháng 2/2023 trong khuôn viên trường với nhiều hoạt động như: Talkshow “Phát triển văn hoá đọc sách trong nhà trường”, trưng bày và triển lãm sách, thuyết trình về chủ đề sách được chọn để triển lãm… và được các em học sinh đón nhận, hưởng ứng.

“Những năm gần đây, Trường Trung học cơ sở Phương Mai đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền để mỗi học sinh nhận thức được vai trò của sách đối với việc học tập, giúp các em hiểu rằng sách là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá trong cuộc sống. Ngoài ra, nhà trường còn xây dựng và duy trì thói quen đọc sách cho học sinh với thư viện trường đạt chuẩn, luôn mở cửa để học sinh có thể tới đây tìm đọc những cuốn sách yêu thích. Không gian thư viện được bài trí đẹp mắt, các loại sách được sắp xếp hợp lý, dễ dàng cho học sinh tìm đọc”, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phương Mai thông tin.

Say mê với những trang sách ngay từ khi còn nhỏ, Phạm Hồng Minh (Học sinh Trường Trung học cơ sở Phú Diễn A, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, bản thân có thói quen sưu tầm các đầu sách hay để góp thành một thư viên nhỏ cho riêng mình. Đến nay, thư viện của Hồng Minh đã có rất nhiều đầu sách thuộc lĩnh vực văn học, hội họa, lịch sử và sách kỹ năng. Bí quyết của Hồng Minh là chịu khó đọc bình luận và tìm kiếm thông tin giới thiệu sách từ thầy cô, bạn bè và trên các trang mạng xã hội, báo điện tử…

Việc phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với học sinh, giúp các em hình thành lối sống lành mạnh, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử có hại cho sức khỏe và mạng xã hội thiếu kiểm soát ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý.

Tuy nhiên, để phát triển, nâng cao văn hóa đọc hơn nữa, ngoài sự quan tâm đầu tư của các trường học, rất cần có sự chung tay đóng góp của cộng đồng và phụ huynh học sinh, đưa các thư viện, câu lạc bộ sách vào hoạt động hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều học sinh đến đọc sách, báo, phát huy hiệu quả công tác dạy và học trong các nhà trường.

Việc xây dựng, duy trì văn hóa đọc cho học sinh luôn là nội dung quan trọng đòi hỏi các nhà trường chú trọng, nghiêm túc trong thực hiện. Hiện nay, với yêu cầu đổi mới trong dạy học và kiểm tra đánh giá, văn hóa đọc lại càng trở nên cần thiết hơn. Muốn vậy, các nhà trường cần có nhiều phương pháp, hình thức sáng tạo, phong phú để phát huy văn hóa đọc đến từng học sinh. Mỗi cha mẹ cũng cần nêu gương, duy trì thói quen đọc sách trong gia đình để văn hóa đọc trở thành một nét đẹp không chỉ trong mỗi nhà trường mà còn đối với mỗi gia đình.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này