Cần thực hiện một số thay đổi về chính sách và cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch

13:29 | 22/03/2023
(LĐTĐ) Du lịch là một trong những ngành chủ lực của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp hơn 9% GDP. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng du khách quốc tế đã giảm mạnh kể từ năm 2020. Để phục hồi sau cuộc khủng hoảng này và thúc đẩy tiềm năng du lịch, các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện một số thay đổi về chính sách và cải thiện chất lượng dịch vụ.
Hà Nội: Tăng cường phòng chống dịch Covid-19 tại các đơn vị, kinh doanh dịch vụ du lịch Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển ngành Du lịch Sẽ tăng số quốc gia miễn visa, kéo dài thời hạn lưu trú cho khách quốc tế Hiến kế để du lịch cất cánh

Tại Phiên kỹ thuật Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023 (VBF), ông Martin Koerner - đại diện Nhóm Công tác Du lịch VBF cho rằng, trước tiên cần cải thiện chính sách nhập cảnh. Bởi một trong những khó khăn đối với du khách nước ngoài khi đến Việt Nam là chính sách thị thực còn hạn chế. Hiện tại, chỉ có 24 quốc gia được hưởng chế độ miễn thị thực tối đa 15 ngày, còn các quốc gia khác phải xin thị thực điện tử hoặc thị thực nhập cảnh sân bay.

Thời hạn miễn thị thực quá ngắn đối với nhiều du khách muốn khám phá các điểm tham quan đa dạng của Việt Nam trong khi quy trình cấp thị thực điện tử và thị thực nhập cảnh sân bay có thể tốn thời gian và bất tiện. Để đơn giản hóa quy trình và thu hút nhiều du khách hơn, cần kéo dài thời gian miễn thị thực lên 30 ngày, tăng danh sách các quốc gia được miễn thị thực cho tất cả các quốc gia châu Âu, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ và Canada.

Cùng với đó là cấp thị thực dài hạn 3 - 6 tháng cho những du khách muốn khám phá đất nước trong thời gian lâu hơn, bao gồm cả việc hướng mục tiêu vào phân khúc người cao tuổi có mức chi tiêu cao. Những biện pháp này sẽ khuyến khích nhiều khách du lịch chọn Việt Nam làm điểm đến, tăng mức chi tiêu cũng như mức độ hài lòng của du khách.

Cần thực hiện một số thay đổi về chính sách và cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch
Một trong những khó khăn đối với du khách nước ngoài khi đến Việt Nam là chính sách thị thực còn hạn chế (Ảnh minh họa: BT)

Tiếp theo là cải thiện dịch vụ tại sân bay. Một khó khăn khác đối với du khách là thời gian chờ đợi lâu tại các khu vực kiểm soát xuất nhập cảnh tại sân bay, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Điều này có thể khiến du khách bức xúc và cảm thấy bất tiện, nhất là đối với các gia đình có trẻ em hoặc khách doanh nhân có lịch trình bận rộn.

“Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần bố trí thêm làn đặc biệt dành cho những nhóm hành khách này, cũng như tăng số lượng cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh và máy quét. Ngoài ra, thiết kế và nhận diện của các quầy, khu vực nhập cảnh, thường là điểm tiếp xúc đầu tiên với du khách nước ngoài chưa thể hiện thái độ chào đón và thân thiện”, ông Martin Koerner gợi ý.

Các quốc gia như Thái Lan hay Singapore là những ví dụ điển hình về đồng phục thân thiện, cách thức cán bộ xuất nhập cảnh được đào tạo tốt và các khu vực nhập cảnh nhiều màu sắc hơn có thể thúc đẩy du lịch khi thái độ thân thiện và chào đón được truyền tải tới du khách nước ngoài. Những cải thiện này sẽ nâng cao hiệu quả và sự tiện lợi của dịch vụ tại sân bay cũng như tạo ấn tượng ban đầu tích cực cho khách du lịch.

Ngoài ra, đại diện Nhóm Công tác Du lịch cũng cho rằng cần loại bỏ quy định về nhân viên ngành du lịch/khách sạn trong Quyết định 2447/QĐ-BYT: Quyết định hiện tại do Bộ Y tế ban hành yêu cầu tất cả nhân viên ngành du lịch/khách sạn luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cũng như giao tiếp giữa nhân viên và khách, tạo cảm giác xa cách và thiếu lòng tin.

“Theo một nghiên cứu của Trường Quản trị Khách sạn thuộc Đại học Cornell, biểu cảm khuôn mặt đóng vai trò quan trọng trong sự hài lòng của khách hàng ở môi trường ngành này. Vì vậy, Việt Nam cần loại bỏ quy định về việc nhân viên du lịch/khách sạn phải đeo khẩu trang trong Quyết định này và cho phép họ tháo khẩu trang khi phục vụ khách hàng. Điều này sẽ tạo ra bầu không khí thân thiện và chào đón hơn cho khách du lịch.

Bằng cách thực hiện các biện pháp này, Việt Nam có thể tăng cường phát triển du lịch và thu hút nhiều du khách hơn từ khắp nơi trên thế giới. Du lịch không chỉ là nguồn thu nhập mà còn là cách thúc đẩy trao đổi văn hóa và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia. Do đó, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này và giới thiệu vẻ đẹp cùng sự đa dạng đến với thế giới”, ông Martin Koerner nhấn mạnh.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này