Phát huy nguồn lực văn hóa Thăng Long Hà Nội để thúc đẩy phát triển vùng Thủ đô

22:22 | 21/03/2023
(LĐTĐ) Tham luận tại Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho rằng, việc phát huy nguồn lực văn hóa trong phát triển kinh tế vùng Thủ đô không chỉ góp phần tạo ra nhiều doanh thu, việc làm mà còn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô trong thời đại toàn cầu hóa.
Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW: Nỗ lực xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, trong nghiên cứu các vùng văn hóa ở Việt Nam, đồng bằng Bắc Bộ là một trong bảy vùng văn hóa lớn của cả nước. Vùng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ lại phân chia thành năm tiểu vùng, lấy các tên “trấn” của “tứ trấn nội kinh” xưa để gọi, đó là Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay), Sơn Nam (có Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ), Sơn Tây (xứ Đoài, Sơn Tây cũ, Vĩnh Phúc, Phú Thọ), Hải Đông (Hải Dương, Hải Phòng) và Thăng Long - Hà Nội.

Thăng Long - Hà Nội tồn tại với tư cách là một tiểu vùng mang tính đặc thù văn hóa đô thị, vừa là trung tâm của vùng văn hóa đồng bằng Bắc bộ. Ngày 1/8/2008, sau khi Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội được bổ sung một nguồn tài nguyên văn hóa rất phong phú của tỉnh Hà Tây cũ - miền đất của văn hóa xứ Đoài với rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nhiều làng nghề thủ công truyền thống, nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng… nổi tiếng.

Phát huy nguồn lực văn hóa Thăng Long Hà Nội để thúc đẩy phát triển vùng Thủ đô
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội tham luận tại Hội thảo.

Thực tiễn sau 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng và Nhà nước, nhất là từ sau Đại lễ 1000 năm (năm 2010) đến nay, diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang, hiện đại, văn minh.

Nền kinh tế tiếp tục phát triển, đạt tăng trưởng khá, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Sự nghiệp văn hóa - giáo dục, khoa học - công nghệ, y tế đạt nhiều thành tựu đáng kể. Tình hình chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội vẫn tiếp tục ổn định và có nhiều chuyển biến tốt. Hà Nội khẳng định vị thế của một đầu tàu kinh tế, tạo động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng đồng bằng sông Hồng.

Trong bối cảnh đó, để tiếp tục xây dựng và phát triển Hà Nội cho xứng với vị trí đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học và giao lưu quốc tế, đóng vai trò đầu tàu của cả nước và thương hiệu Thành phố sáng tạo, mục tiêu phát triển Thủ đô đến năm 2025, Hà Nội cơ bản trở thành “thành phố công nghiệp hóa và hiện đại hóa”; năm 2030 phấn đấu trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; đô thị phát triển năng động, có sức cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế.

Đến thời điểm đó, Hà Nội phải là “thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa hoàn chỉnh”; nhằm tới năm 2045, Hà Nội trở thành “Thủ đô của một nước phát triển, có nền kinh tế và xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đạt trình độ tương đương với Thủ đô của các nước phát triển trong khu vực” và ngang tầm quốc tế.

Để đạt được mục tiêu trên, theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hà Nội cần khai thác và phát huy hiệu quả tất cả các nguồn lực và lợi thế phát triển. Ngoài tiềm lực vật chất về nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội cần phát huy cao độ những nguồn lực văn hóa của dân tộc do cha ông ta để lại.

Đó là di sản văn hiến Thăng Long - Hà Nội, được tích lũy trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, gắn liền với công cuộc kiến thiết và bảo vệ kinh thành qua các chặng đường lịch sử. Cùng với vị thế về chính trị - hành chính, các di sản và truyền thống văn hóa của Thăng Long - Hà Nội cũng trở thành động lực tinh thần nội tại, tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và xây dựng thương hiệu Thủ đô cho hôm nay và mai sau.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho rằng, văn hóa Thăng Long - Hà Nội với tư cách là một tiểu vùng trung tâm của vùng văn hóa đồng bằng Bắc bộ, có vai trò vừa biểu hiện tính thống nhất văn hóa của vùng vừa tạo nên động năng trong phát triển, có sức thu hút và lan toả văn hóa và tất nhiên nó quy định xu hướng phát triển của toàn bộ vùng văn hóa đó.

Như phân tích ở trên, lịch sử đã trao cho Hà Nội một vị thế có một không hai, Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính của cả nước mà còn là trung tâm gắn kết, thống nhất văn hóa vùng đồng Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước. Có thể nói, quá trình hình thành văn minh Thăng Long - Hà Nội là quá trình tích tụ văn hóa từ các vùng ngoại vi, trước nhất là “tứ trấn nội Kinh” (Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Đông, Sơn Tây) và xa hơn với các “trấn ngoại kinh”.

Và cũng chính trong môi trường kinh tế, xã hội, chính trị phát triển cao của Thăng Long - Hà Nội, các nhân tố, giá trị văn hóa tích hợp từ ngoại biên đã được định hình, nâng cấp, lên khuôn để sau đó mang bản sắc Thăng Long - Hà Nội, rồi từ đây lại lan tỏa, tiếp biến và tạo ra các sản phẩm văn hóa tiêu biểu tới các vùng ngoại vi và cả nước.

Do vậy, để nguồn lực văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh, động lực thúc đẩy phát triển vùng Thủ đô, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho rằng, trước hết chúng ta cần có chính sách bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị cốt lõi của chủ thể văn hóa Thăng Long - Hà Nội tạo ra sức lan tỏa cho các vùng ngoại vi cạnh nó.

Đầu tiên, cần cụ thể hóa hơn chính sách kinh tế trong văn hóa, chính sách văn hóa trong kinh tế, chính sách xã hội hóa... để chính sách phải trở thành cầu nối gắn kết văn hóa với kinh tế trong phát triển vùng.

Bởi trong chính quá trình tiếp xúc, giao lưu kinh tế - văn hóa luôn chấp nhận chọn lọc, không chối từ mà Thăng Long - Hà Nội luôn luôn được bổ sung, tăng cường, tích góp các yếu tố văn minh, kỹ thuật, văn hóa từ “Tứ chiếng”, “Tứ trấn” đến cả nước và quốc tế. Nói cách khác, tiếp xúc, giao lưu kinh tế, văn hóa đã làm nên diện mạo của kinh tế - văn hóa Thăng Long trong mọi thời điểm. Không có tiếp xúc giao lưu kinh tế, văn hóa, không có một Thăng Long - Hà Nội như đã và đang có.

Song song với đó, phát huy nền tảng văn hóa truyền thống để xây dựng ngành công nghiệp văn hóa thích ứng với bước phát triển mới của thời đại mang ý nghĩa đặc biệt.

Đặc biệt, là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa các giá trị di sản văn hóa của cả nước, Hà Nội có tiềm năng rất lớn để đẩy mạnh phát triển không gian sáng tạo - những không gian đang thiếu vắng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các không gian sáng tạo sẽ mang đến cơ hội thụ hưởng văn hóa cũng như nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo và cho phép trải nghiệm sự đa dạng về văn hóa, khơi nguồn cảm hứng đa chiều trong cộng đồng dân cư, giúp công chúng được tiếp cận với các loại hình văn hóa, nghệ thuật ở nhiều góc độ khác nhau.

Từ lâu, Hà Nội được mệnh danh là “Thủ đô di sản”, để phát huy hiệu quả các giá trị kinh tế - xã hội của di sản, và tạo thương hiệu cho riêng mình, Hà Nội cần lập ra hội đồng, tổ chức hội thảo chuyên đề để chọn lọc những di sản văn hóa tiêu biểu để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa có tính chất quảng bá hình ảnh, thương hiệu của Thủ đô.

Hoạt động đối ngoại nhân dân cũng sẽ giúp cho bạn bè quốc tế hiểu biết hơn về con người và văn hóa Hà Nội - những đại sứ đối ngoại nhân dân, tăng cường các mối quan hệ và xây dựng hình ảnh một Hà Nội thân thiện, cởi mở, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam và Hà Nội trên trường quốc tế. Chủ động và sáng tạo trong hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng thương hiệu cho văn hóa Thủ đô, đưa Hà Nội trở thành địa điểm hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa về tổ chức bộ máy, mô hình quản lý, đầu tư cơ sở vật chất và đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn Thành phố; tiếp tục kiên trì và đẩy mạnh mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới phù hợp với xu thế thời đại gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, vì hòa bình...

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này