Cần có chính sách thu hút nhân tài lĩnh vực văn hóa hội tụ về Hà Nội

17:44 | 21/03/2023
(LĐTĐ) GS.TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng Hà Nội cần bổ sung chính sách thu hút và sử dụng nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Khắc phục tình trạng Hà Nội thì “nuôi”, khi trưởng thành thì chọn nơi khác để phát triển.
Phát huy giá trị và nguồn lực văn hóa để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại Đưa hình ảnh Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” đến với bạn bè năm châu

Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” do thành phố Hà Nội tổ chức sáng 21/3, các đại biểu, chuyên gia đã tham gia đóng góp ý nhận diện các nguồn lực văn hóa của Thủ đô và giải pháp phát huy các nguồn lực văn hóa nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Theo đó, GS.TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhìn nhận, mặc dù nguồn lực văn hóa ở Thủ đô Hà Nội hiện nay rất giàu có, phong phú, đa dạng nhưng tất cả mới chủ yếu ở dạng tiềm năng. Nếu không chuyển vào kết nối với sáng tạo, sản xuất tạo nên các giá trị thặng dư thì không thể phát huy được vai trò, vị thế của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

“Chúng ta vẫn hay nói “giàu bằng truyền thống, sống bằng tiềm năng”. Tiềm năng đó có được vận hành hay không thì nó phải trở thành đầu vào của quá trình sản xuất, là nguyên nhân để tạo ra các sản phẩm văn hóa, tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội, thì lúc đó mới trở thành nguồn vốn văn hóa”, GS.TS Phạm Duy Đức nói.

Cần có chính sách thu hút nhân tài lĩnh vực văn hóa hội tụ về Hà Nội
GS.TS Phạm Duy Đức chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

GS.TS Phạm Duy Đức phân tích, nguồn lực văn hóa là một bộ phận quan trọng hợp thành nguồn lực tổng thể để phát triển quốc gia bên cạnh các nguồn lực khác như nguồn lực vị thế địa - chính trị, nguồn lực tự nhiên, nguồn lực tài chính, nguồn lực vật chất... Nguồn lực văn hóa được xác định chung là nguồn lực dựa trên các tài sản văn hóa, các giá trị văn hóa vật thể, các giá trị văn hóa phi vật thể và năng lực sáng tạo thẩm mỹ - nghệ thuật của con người để tạo ra giá trị thặng dư trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ văn hóa, góp phần tăng trưởng kinh tế và đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân.

Nguồn lực văn hóa Thủ đô Hà Nội bao gồm ba loại nguồn lực chính là nguồn lực di sản văn hóa; nguồn lực thể chế và thiết chế văn hóa; nguồn lực con người tham gia vào quá trình tổ chức, quản lý, sáng tạo và phát triển các giá trị văn hóa.

Về nguồn lực di sản văn hóa, Hà Nội vốn có bề dày lịch sử và văn hóa. Hà Nội là nơi có lợi thế vượt trội về nguồn di sản văn hóa, xứng đáng là “Thành phố di sản” của cả nước. Bên cạnh đó, Hà Nội còn sở hữu một nguồn lực không gian, cảnh quan văn hóa và không gian kiến trúc nghệ thuật giàu bản sắc độc đáo như hệ thống sông, hồ, cây xanh thơ mộng, hệ thống các công trình kiến trúc truyền thống Hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể này là nguồn tài nguyên, nguồn vốn văn hóa đã tạo nên động lực, nguồn lực nội sinh cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể này là nguồn tài nguyên, nguồn vốn văn hóa đã tạo nên động lực, nguồn lực nội sinh cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

GS.TS Phạm Duy Đức nhấn mạnh trong quá trình đổi mới, tư duy văn hóa cũng cần phải đổi mới, đầu tiên là phải thay đổi từ thể chế. Muốn phát triển được phải tạo ra thể chế có ý nghĩa đột phá. Điều đó thể hiện ở luật pháp, chính sách, từ đó khai thác hiệu quả, tối ưu hóa nguồn lực chúng ta có.

Với nguồn lực con người, GS.TS Phạm Duy Đức phân tích đây là chủ thể của phát triển văn hóa, có khả năng liên kết các nguồn lực khác và có vai trò quyết định trong việc sử dụng các nguồn lực để thúc đẩy văn hóa. Chính vì vậy nguồn lực này cần nhận diện rõ hơn trong việc phát triển văn hóa ở Thủ đô.

Tại Hà Nội, có thể có một số bộ phận tiêu biểu như: Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn Thành phố, từ cấp thành phố đến quận, huyện và phường, xã; đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động tại các đơn vị văn hóa, nghệ thuật do Thành phố quản lý và các hội văn học nghệ thuật trực; đội ngũ các nghệ nhân dân gian hoạt động tại các cơ sở phường, xã gắn với các loại hình nghệ thuật cổ truyền và các làng nghề; đội ngũ các trí thức và nghệ sĩ hoạt động ở các cơ quan Trung ương, các đoàn thể chính trị - xã hội…

Trên cơ sở đó, GS.TS Phạm Duy Đức đề xuất các giải pháp để phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển Thủ đô phồn vinh, hạnh phúc, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Theo đó, cần quan tâm đến công tác quy hoạch; đặc điểm sinh thái nhân văn của Hà Nội. Đáng chú ý là cần phải đào tạo; giữ chân và thu hút tinh hoa văn hóa, nhân lực, văn nghệ sĩ tụ về Thủ đô; tạo ra môi trường phải hấp dẫn tài năng…

“Cần bổ sung chính sách thu hút và sử dụng nhân tài nói chung, nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nói riêng, khắc phục tình trạng Hà Nội thì “nuôi”, khi trưởng thành thì chọn nơi khác để phát triển. Đồng thời cần có chính sách đặc biệt để hội tụ tài năng của đất nước, chú trọng ở cả các khâu đào tạo, sử dụng và tôn vinh. Cũng cần có chính sách tạo động lực để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô ”, GS.TS Phạm Duy Đức trăn trở.

Bên cạnh đó, trong khi xây dựng quy hoạch tổng thể của Thủ đô Hà Nội, cần cụ thể hóa được các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 thể hiện rõ triết lý phát triển của Thủ đô Hà Nội. Trong quy hoạch này, cần có đánh giá đầy đủ về “tài nguyên nhân văn” của Hà Nội, nơi phản ánh “sức mạnh mềm” của Thủ đô như di sản văn hóa, cảnh quan, môi trường văn hóa, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, các thành tựu về giáo dục, văn hóa, xã hội, chất lượng nguồn nhân lực, khả năng sáng tạo, tài năng nghệ thuật, khoa học công nghệ…

Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật không thể dừng lại ở cách thức đào tạo truyền thống trước đây mà đòi hỏi phải có năng lực và phẩm chất mới, đáp ứng yêu cầu phát triển nền văn hóa, nghệ thuật tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc, có khả năng hội nhập quốc tế mà trọng tâm là đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội.

Ngân Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này