Dọn “tổ” đón “đại bàng”

13:02 | 21/03/2023
(LĐTĐ) Khi mạng xã hội thông tin Tập đoàn Samsung sẽ dời nhà máy từ Việt Nam sang Ấn Độ, thì tại buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy Thái Nguyên,Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho khẳng định không có chuyện như vậy. Nghĩa là Việt Nam vẫn là “thành trì” của Samsung và họ sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư. Bằng chứng là vào cuối tháng 12 năm ngoái, Samsung đã khánh thành trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội, đây được coi là cơ sở R&D lớn nhất Đông Nam Á của tập đoàn này, hướng tới mục tiêu trở thành địa điểm chiến lược của hãng về nghiên cứu và phát triển quy mô lớn thu hút hàng nghìn lao động.
Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh vào lĩnh vực năng lượng
Dọn “tổ” đón “đại bàng”
Việt Nam ngày càng đón những dự án đầu tư có quy mô hàm lượng công nghệ cao (Ảnh minh họa.).

Khi thông tin không có chuyện dịch chuyển nhà máy SamSung ở Việt Nam sang Ấn Độ cũng là thời điểm các cơ quan báo chí trong nước đưa tin một phái đoàn gồm 50 doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ và cũng là hàng đầu thế giới liên quan đến các lĩnh vực công nghệ, tài chính, dược phẩm… sẽ đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư (dự kiến từ ngày 21-23/3). Theo thông báo, đây là một trong phái đoàn doanh nghiệp hùng hậu nhất sang Việt Nam trong vòng 30 năm qua.

Cùng với các tập đoàn lớn trên thế giới đã và đang đầu tư tại Việt Nam, thì sự hiện diện của phái đoàn doanh nhân với những tập đoàn “cực lớn” lần này đến nước ta tìm kiếm cơ hội đầu tư khẳng định chân lý: Môi trường chính trị Việt Nam ổn định; công cuộc chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta được các nhà đầu tư đánh giá cao, đồng thời môi trường đầu tư (hành lang pháp lý) ngày càng được thông thoáng.

Như chúng ta đều biết, đến nay công cuộc đổi mới nền kinh tế do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã đi được chặng đường gần 40 năm; tiến trình mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài (Luật Đầu tư nước ngoài) cũng đã được hơn 3 thập kỷ. Vì giai đoạn đầu, chúng ta cần dự án để mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm, đóng thuế cho ngân sách, nên giai đoạn đầu chúng ta chấp nhận những dự án có quy mô nhỏ, thường thiên về gia công, ít hàm lượng công nghệ…

Bên cạnh những mặt được, nhược điểm của các dự án này là sử dụng nhiều đất, khó xử lý vấn đề môi trường. Nay khi kinh tế đã phát triển ở mức cao hơn, quỹ đất hạn chế hơn, kết cấu hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực tốt hơn… chúng ta tính đến các dự án có hàm lượng công nghệ cao hơn, giá trị gia tăng nhiều hơn và hệ lụy môi sinh ít hơn. Chính vì thế, để thực hiện mục tiêu chiến lược này, Đảng, Nhà nước đã đề ra cơ chế chính sách để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch; là mảnh đất bình yên để các nhà đầu tư đến hợp tác làm ăn. Nói ngắn gọn, chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ “tổ” để sẵn sàng đón “đại bàng” đến.

Nhà đầu tư tin tưởng, các dự án lớn đang và sẽ đến. Với người lao động, điều quan trọng phải tự mình nâng cao tay nghề, chuyên môn, trình độ ngoại ngữ… cơ hội việc làm là vô cùng lớn.

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này