Cảnh báo gia tăng trẻ mắc vi rút hợp bào hô hấp

11:03 | 21/03/2023
(LĐTĐ) Những ngày gần đây, tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội ghi nhận số lượng bệnh nhân mắc vi rút hợp bào hô hấp (RSV) gia tăng và diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ và có bệnh nền. Đáng lo ngại, hầu hết bệnh nhi có biểu hiện viêm phổi, ho, sốt, khó thở, có trường hợp bị suy hô hấp nặng.
Gia tăng trẻ nhiễm vi rút hợp bào hô hấp Tăng cường đáp ứng nhu cầu tiêm vắc xin phòng vi rút HPV cho cộng đồng

Nhiều trẻ gặp biến chứng phổi do nhiễm RSV

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, số bệnh nhi đến khám, điều trị do RSV tại bệnh viện trong những ngày qua có dấu hiệu gia tăng. Các bệnh nhi đến khám, điều trị chủ yếu bệnh lý về đường hô hấp, nhiều trẻ bị biến chứng nặng. Có ngày, 20% số bệnh nhi đang nằm điều trị tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương bị nhiễm RSV.

Cảnh báo gia tăng trẻ mắc vi rút hợp bào hô hấp
Tiêm vắc xin đầy đủ theo lịch cho trẻ là cách phòng các bệnh đơn giản và hiệu quả. Ảnh: Minh Khuê.

Đơn cử như trường hợp bệnh nhi N.T.H (hơn 1 tháng tuổi, ở Hà Nội) vừa trải qua 2 ngày phải thở oxy do nhiễm RSV. Trước khi vào viện, trẻ sốt 38 độ. Sau đó, diễn biến bệnh rất nhanh với các biểu hiện khó thở, khò khè. Khi gia đình đưa con đến Trung tâm Hô hấp, bé đã bị suy hô hấp. Cũng tại đây, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho, thở khò khè... Sau một thời gian ngắn điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của các bệnh nhi đã chuyển biến tốt hơn.

Theo thống kê từ Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh viện ghi nhận hơn 1.100 ca nhiễm RSV. Trong tuần đầu tháng 3, hơn 160 ca mắc mới. Tương tự tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội từ đầu tháng 3 tới nay, tỷ lệ bệnh nhi được phát hiện nhiễm RSV tăng gấp 3 lần so với tháng trước, 30% trẻ phải nhập viện điều trị. Trong đó, nhiều trường hợp có dấu hiệu suy hô hấp do viêm tiểu phế quản, viêm phổi nặng, đặc biệt có trường hợp viêm cơ tim cấp, suy tim cấp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có nhiều loại vi rút gây ra các bệnh lý hô hấp, đứng đầu là RSV. RSV là căn nguyên phổ biến toàn cầu gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa thu – đông hoặc xuân – hè (từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm). Vào thời điểm đỉnh dịch, số bệnh nhân viêm phổi do RSV có thể tăng tới 20 - 30%.

Cách phòng vi rút hô hấp cho trẻ khi giao mùa

Cũng theo các chuyên gia y tế, bệnh RSV có thể dẫn đến biến chứng như suy hô hấp nặng, cần hỗ trợ hô hấp. Đồng nghĩa trẻ dễ có nguy cơ bị các biến chứng khác như bội nhiễm thêm vi khuẩn, có thể viêm phổi nặng lên, sốc nhiễm khuẩn, thở máy kéo dài, suy hô hấp cấp tiến triển... Biến chứng nguy hiểm là suy phổi, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, ứ khí phổi.

"Hầu hết bệnh nhân RSV vào Trung tâm Hô hấp đều có biểu hiện viêm phổi, ho, sốt, khó thở. Một số bệnh nhân nặng bị suy hô hấp, có rút lõm lồng ngực, tím tái, độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) giảm", bác sĩ Hanh cho biết. Với các trường hợp này, các bác sĩ phải nhanh chóng đưa ra phác đồ chống suy hô hấp, bằng mọi cách cung cấp đủ oxy cho bệnh nhân… Trường hợp bị bội nhiễm sẽ được dùng kháng sinh, bù đủ nước, điện giải, dịch và cung cấp đủ dinh dưỡng.

Lý giải về nguyên nhân gây nên căn bệnh nguy hiểm này, các bác sĩ cho biết, RSV có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn có chứa vi rút được thải ra qua ho, hắt hơi lên mắt, mũi, miệng. Ngoài ra, người khỏe mạnh có thể bị lây bệnh khi tiếp xúc các bề mặt, vật dụng có chứa vi rút. Bên cạnh đó, việc thơm, hôn, mớm thức ăn cho trẻ cũng có thể làm lây lan vi rút gây bệnh.

Nếu được chẩn đoán sớm và kịp thời, bệnh nhân sẽ khỏi bệnh trong 5 - 7 ngày, không để lại di chứng. Tuy nhiên, một số trẻ có bệnh nền suy giảm miễn dịch, đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, có bệnh loạn sản phế quản phổi, tim bẩm sinh, khi nhiễm RSV nếu không điều trị kịp thời có nguy cơ diễn biến nặng, thậm chí tử vong. Nhiều bệnh nhân phải điều trị dài ngày.

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Hạnh, Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết: Nhiễm virus RSV thường có những biểu hiện đầu tiên ở đường hô hấp, tương tự triệu chứng cảm lạnh: Ho khan, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi trong. Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi có thể có các dấu hiệu nặng như sốt cao khó hạ, thở nhanh, cánh mũi phập phồng, có hiện tượng co kéo các cơ hô hấp như rút lõm lồng ngực, rút lõm hõm ức, trẻ kích thích quấy khóc... Đây là khi trẻ bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi nặng do RSV. Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý các triệu chứng bệnh của trẻ và đưa con đi khám ngay để có hướng điều trị kịp thời.

Hiện bệnh do RSV gây ra chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy bác sĩ Hạnh khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chủ động các biện pháp phòng ngừa bệnh cho con. Trong đó, các bậc phụ huynh cần hướng dẫn cho trẻ thói quen thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh khô; tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bụi; cố gắng để trẻ sống trong không gian rộng thoáng, không ẩm thấp; bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và vitamin thông qua chế độ ăn của trẻ, ăn thức ăn giàu vitamin như rau xanh, hoa quả…

“Bên cạnh đó, khi thời điểm giao mùa, nhiệt độ có sự chênh lệch lớn trong ngày, cha mẹ nên cho trẻ mặc nhiều lớp để có thể thay đồ phù hợp khi nhiệt độ thay đổi lúc trẻ vận động. Tránh mặc các loại trang phục dày, làm hạn chế vận động cũng như cản trở việc điều hòa thân nhiệt. Đồng thời, chủ động tiêm phòng đầy đủ cho trẻ. Bởi vắc xin giúp củng cố hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ, tăng khả năng đề kháng của cơ thể với các tác nhân gây bệnh”- bác sĩ Hạnh khuyến cáo thêm.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này