Nguy hại từ việc lộ lọt thông tin cá nhân

16:38 | 21/03/2023
(LĐTĐ) Vài tháng trở lại đây, nhiều phụ huynh tại TP.HCM và một số tỉnh thành lân cận liên tục nhận được các cuộc gọi của người tự xưng là “thầy giáo”, báo con của họ đang cấp cứu do bị tai nạn ở trường và yêu cầu chuyển tiền làm phẫu thuật. Đáng chú ý, hầu hết các phụ huynh trong vụ lừa đảo này có con đang học tại một số trường quốc tế trên địa bàn.
Hơn 400.000 người dùng Facebook Việt Nam bị rò rỉ thông tin cá nhân “Mảnh đất màu mỡ” cho tội phạm mạng

Trao đổi với phóng viên Báo Lao động Thủ đô, đại diện Trường Quốc tế Việt Úc - VAS cho biết, hình thức lừa đảo qua điện thoại trong đó kẻ gian giả mạo là công an, nhân viên tòa án nhân dân, bác sĩ, nhân viên y tế... là sự việc đã xảy ra rất phổ biến và đã được báo chí cảnh báo rất nhiều. Tuy nhiên lần này, kẻ gian hướng tới đối tượng là phụ huynh và lấy yếu tố “tai nạn nguy kịch” của học sinh nhằm lợi dụng tâm lý hoang mang, lo lắng để lừa phụ huynh.

Nguy hại từ việc lộ lọt thông tin cá nhân
Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh để đề phòng các trường hợp lừa đảo.

Do đó, mặc dù các kênh thông tin liên lạc giữa nhà trường và gia đình rất chặt chẽ nhưng đã có nhiều phụ huynh bị lừa tiền. Đây là sự việc vô cùng đáng tiếc và không mong muốn xảy ra đối với cả nhà trường, gia đình và toàn xã hội.

Trong khi đó, đại diện Trường TH-THCS-THPT Albert Einstein (cơ sở huyện Bình Chánh) cho biết, thời gian qua, trường nhận được phản ánh của phụ huynh về việc bị gọi điện lừa đảo bằng hình thức thông báo "con cấp cứu”. Số lượng phụ huynh bị gọi điện là khoảng 20 người, tuy nhiên, trường chưa nắm được chính xác có bao nhiêu phụ huynh "mắc bẫy" và đã chuyển tiền cho kẻ gian.

“Về vấn đề bảo mật thông tin, từ trước tới nay trường đều thực hiện rất cẩn trọng, chỉ sử dụng với mục đích thông báo hoạt động nội bộ, không có việc gửi thông tin của học sinh cho bên thứ ba, đây là điều đã nằm trong cam kết”, đại diện Trường Albert Einstein cho biết.

Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM cho biết, mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận nhiều đơn tố cáo, phản ánh về các vụ lừa đảo. Vụ việc nóng nhất gần đây là dùng điện thoại để gọi cho phụ huynh thông báo con họ bị tai nạn nhập viện. Đối tượng lừa đảo đưa ra thông tin giả mạo, lấy danh học sinh, người thân; mượn danh cơ quan nhà nước, thậm chí giả danh cơ quan chức năng, giả danh giáo viên, bác sĩ. Tất cả đều được đối tượng lừa đảo chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước.

"Hiện nay, theo thống kê của cơ quan chức năng, những kẻ lừa đảo đã lừa trên 5 tỷ đồng từ các phụ huynh. Lỗ hổng thông tin bị đối tượng lừa đảo khai thác bằng nhiều cách. Trong đó, có 20% do các doanh nghiệp tự lộ thông tin, 80% do chính cá nhân đó tự lộ thông tin", ông Thịnh cho biết.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM Lê Mạnh Hà cho biết, nguyên nhân việc thông tin của phụ huynh bị lộ có thể xuất phát từ nhiều cách khác nhau như: lỗ hổng dữ liệu do các đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng thu nhập làm lộ lọt. Ví dụ như phụ huynh đến các cửa hàng, đăng ký thẻ thành viên, việc khai báo thông tin cá nhân tại đây có thể gây lộ thông tin.

Dưới góc độ chuyên gia an ninh mạng, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho biết, việc lừa đảo phụ huynh không phải là vấn đề mới, trước đây còn giả danh cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước công an để lừa đảo, nay nhắm đến phụ huynh sắp tới còn chuyển biến những vụ việc khác và không có điểm dừng. Nhà trường cần phải đưa những người có kiến thức chuyên môn về công nghệ để quản lý, áp dụng công nghệ để mã hóa dữ liệu. Nếu có bị tấn công chiếm đoạt thì dữ liệu cũng không khai thác được.

“Ngoài các yếu tố bên ngoài, dữ liệu lộ lọt còn xuất phát từ việc phụ huynh, học sinh cung cấp cho các hoạt động học tập, giải trí. Ví dụ con cái sử dụng điện thoại ba mẹ để chơi game, từ đó dữ liệu như tài khoản ngân hàng, số căn cước công dân của ba mẹ bị các đối tượng chiếm đoạt. Chính vì thế nói nguyên nhân từ nhà trường cũng chưa đủ mà chúng ta cần phải có trách nhiệm huấn luyện cho các cháu học sinh”, ông Thắng cho biết.

Nguy hại từ việc lộ lọt thông tin cá nhân
Một số tin nhắn thông báo "con đang cấp cứu" để lừa đảo chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.

Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đoàn tại TP.HCM cho rằng, nhiều phụ huynh đang có thói quen chia sẻ hình ảnh, thông tin mang tính riêng tư về bản thân và con cháu của mình gây nguy cơ mất an toàn thông tin. Tội phạm công nghệ cao sẽ phân tích được trong một năm gia đình đó sinh hoạt ra sao, có người giúp việc hay không… từ đó chúng sẽ lựa chọn phương án tấn công

Ông Nam nhận định, để tội phạm công nghệ tấn công một người rất đơn giản, đặc biệt là những người thích khoe con, gia đình giàu có. Mặc dù pháp luật đã quy định việc đăng hình ảnh của trẻ phải có sự đồng ý của chủ thể, tuy nhiên tình trạng đăng hình của trẻ lên mạng xã hội vẫn diễn ra tràn lan.

Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết, thông tin của học sinh được nhập liệu để gửi cho các đơn vị liên quan làm sổ bảo hiểm, làm hồ sơ thi đại học... Trong quá trình phát triển của công nghệ và tội phạm công nghệ mạng, thông tin con người càng dễ bị lộ, dù có bảo mật như thế nào đi nữa.

“Các trường cũng đang thiếu sự liên kết với phụ huynh. Khi học sinh hay bất kỳ công dân nào gặp nạn, không bệnh viện nào bỏ bệnh nhân mà không cứu vì thiếu tiền. Ở bệnh viện có bác sĩ, ở ngoài đường có công an, tất cả đều có hỗ trợ để giúp bảo vệ sức khỏe mọi người. Phụ huynh không nắm thông tin, không đọc thông tin là kẽ hở cho các đối tượng lừa đảo”, ông Phú nhấn mạnh.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này