Báo chí trong dòng chảy chuyển đổi số

17:44 | 21/03/2023
(LĐTĐ) Trong thời đại bùng nổ dữ liệu và chia sẻ toàn cầu trên mạng Internet hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, trở ngại lớn, đặc biệt là chuyển đổi số và phương thức làm báo hiện đại.
Tuổi trẻ Thủ đô tiên phong chuyển đổi số Truy xuất nguồn gốc là vấn đề trọng tâm trong lĩnh vực chuyển đổi số nông nghiệp

Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn” được đánh giá là một trong những sự kiện nổi bật tại khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023 diễn ra cuối tuần qua. Hội thảo do Hội Nhà báo Việt Namphối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, là nơi các chuyên gia, nhà báo, nhà nghiên cứu và quản lý báo chí thảo luận những định hướng ứng dụng công cụ AI tại Việt Nam hiện nay và sử dụng ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng.

Báo chí trong dòng chảy chuyển đổi số
Báo Lao động Thủ đô chú trọng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và xây dựng nội dung tòa soạn.

Tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhận định, chuyển đổi số đã, đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí truyền thông cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Trước bối cảnh đó, báo chí phải chủ động đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số. Việc đối diện với sự bùng nổ về cả tốc độ, số lượng và quy mô tiêu thụ thông tin hiện nay, các tổ chức báo chí - truyền thông đang dần quá tải nếu vẫn duy trì cách truyền thống.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung và cả hình thức theo hướng thông minh hơn. Tuy nhiên, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ChatGPT hiện nay đã và đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí.

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, cơ hội của việc sử dụng ChatGPT, trí tuệ nhân tạo trong báo chí truyền thông đó là ChatGPT có thể tạo ra những nội dung văn bản rất phức tạp chỉ từ những câu lệnh đơn giản của người dùng. Trí tuệ nhân tạo AI, đặc biệt là ChatGPT giúp tăng tương tác với độc giả, giúp cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách trả lời các câu hỏi và giải đáp thắc mắc của khách hàng. Bên cạnh đó, sử dụng ChatGPT và ứng dụng AI trong báo chí truyền thông đã thúc đẩy hoạt động báo chí truyền thông phải đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp kỹ thuật sử dụng AI và tạo công nghệ mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng, nâng cao chất lượng, công khai minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí phù hợp.

Song bên cạnh cơ hội, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo AI cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả, thách thức lớn từ góc nhìn pháp lý, an ninh truyền thông, từ góc nhìn văn hóa và đạo đức nghề nghiệp. Sử dụng ứng dụng AI cũng đang tiềm ẩn việc có thể thay thế một số công việc của nhân lực, gây ra mất việc làm cho một số nhân viên…

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh dẫn chứng, với một vụ việc nóng gần đây là “4 cô tiếp viên hàng không bị bắt vì vận chuyển ma tuý”, nếu gõ lên công cụ tìm kiếm sẽ trả lại hàng trăm đường link và phải lựa chọn một đường link để đọc tin; kèm theo đó là quảng cáo, lượt truy cập. Nhưng bây giờ hỏi ChatGPT về vụ việc như vậy, nó sẽ tổng hợp các đường link viết thành 1 đoạn rất chi tiết và như vậy người đọc không cần vào trang web của chúng ta nữa. Nguy cơ chúng ta mất 50% lượt truy cập từ các công cụ tìm kiếm là rất rõ và kèm theo đó là mất tiền quảng cáo mặc dù không cao lắm”.

Từ đó, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đặt vấn đề: Đầu tư vào AI trong báo chí có cần không? Theo ông Lê Quốc Minh, việc đầu tư này rất cần thiết và nếu ai đó giờ phút này nói không nên đầu tư vào AI thì thật sự rất tụt hậu.

Tương tự, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, khi đã nhận diện được ưu nhược điểm của AI, mỗi nhà báo cần phải trau dồi năng lực và phẩm chất, tìm cách làm chủ công nghệ và các phần mềm ứng dụng AI nói riêng, chứ không để công nghệ dẫn dắt và làm chủ chúng ta. Bởi các phần mềm ứng dụng AI cũng không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, hoàn toàn không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng gợi ý, với các cơ quan báo chí đang ở bước cơ bản trong chuyển đổi số, cần tập trung các ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất, nghiên cứu và phân khúc công chúng trên phiên bản báo điện tử, chú trọng an toàn và an ninh thông tin. Với cấp độ cao hơn, các toà soạn nên triển khai ứng dụng AI trong một, một vài hoặc toàn bộ quy trình của toà soạn như: Ứng dụng trong quản trị nội bộ (ứng dụng trong phần mềm quản lý tác giả, tác phẩm, quản lý đăng ký kế hoạch tin bài phóng viên...); sản xuất nội dung, phân phối, phát hành với các tính năng gợi ý nêu trên.Với các toà soạn đã ứng dụng tốt cả quy trình, có thể triển khai ứng dụng AI cho khối tương tác, quản lý; phát triển dịch vụ giá trị gia tăng để phát triển kinh tế báo chí số, xây dựng chương trình tương tác và ứng dụng tin tức có tính năng vượt trội, giải quyết các vấn đề bản quyền và thực thi các mô hình báo chí số với cả 3 khu vực: Nội dung số-công nghệ số-kinh tế số, phát triển hệ sinh thái số cho cơ quan báo chí.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này